Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng vi rút (PrEP) là biện pháp đang được áp dụng rất phổ biến. Tại Việt Nam đến hết tháng 10/2021 có hơn 32.000 người đã được sử dụng PrEP. Vậy tiêu chuẩn để một khách hàng có mong muốn được điều trị PrEP là gì?
Tiêu chuẩn điều trị PrEP
Theo Quyết định số 5456/QĐ-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 20 tháng 11 năm 2019 về việc “Hướng dẫn Điều trị và Chăm sóc HIV/AIDS” người lớn hoặc vị thành niên có các tiêu chuẩn sau thì nên được cân nhắc chỉ định PrEP:
- Xét nghiệm HIV âm tính và:
- Trong vòng 6 tháng qua có ít nhất một yếu tố dưới đây:
+ Có bạn tình nhiễm HIV chưa điều trị ARV hoặc điều trị ARV nhưng tải lượng HIV ≥ 200 bản sao/ml hoặc chưa được xét nghiệm tải lượng HIV;
+ Có quan hệ tình dục với người thuộc nhóm nguy cơ cao nhiễm HIV (người tiêm chích ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới…);
+ Có một trong các yếu tố sau: 1) quan hệ tình dục đường hậu môn hoặc âm đạo không sử dụng bao cao su với hơn 01 bạn tình; 2) đã mắc hoặc đang điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục; 3) đã sử dụng PEP; 4) có quan hệ tình dục để đổi lấy tiền hoặc hiện vật; 5) có sử dụng ma túy đá trong khi quan hệ tình dục; 6) có nhu cầu sử dụng PrEP;
+ Dùng chung bơm kim tiêm hoặc dụng cụ tiêm chích.
Người lớn hoặc vị thành niên thuộc một trong các trường hợp sau đây thì KHÔNG chỉ định sử dụng PrEP:
- HIV dương tính;
- Độ thanh thải creatinine ước tính < 60 mL/phút;
- Có dấu hiệu nhiễm HIV cấp hoặc có khả năng mới nhiễm HIV;
- Dị ứng hoặc có chống chỉ định với bất kỳ thuốc nào trong phác đồ PrEP;
- Dưới 35 kg.
Tuy nhiên sẽ không chỉ định PrEP nếu có phơi nhiễm với HIV trong vòng 72 giờ qua. Với những khách hàng này, cần đánh giá và kê đơn điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) và sau đó xem xét nếu có đủ các tiêu chuẩn sẽ chỉ định PrEP.
Khởi động điều trị PrEP
Cũng không cần chỉ định PrEP, nếu khách hàng chỉ có một bạn tình duy nhất, xét nghiệm tải lượng HIV của bạn tình nhiễm HIV đang điều trị ARV < 200 bản sao/mL máu và tuân thủ điều trị tốt.
Hiệu quả khi điều trị PrEP
Hiệu quả của PrEP đối với việc dự phòng lây nhiễm HIV có liên quan chặt chẽ với việc tuân thủ điều trị. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, PrEP đạt hiệu quả dự phòng cao nhất đối với nhóm người sử dụng có mức độ tuân thủ cao (đạt từ 70% nồng độ thuốc trong máu trở lên). Đối với nhóm có mức độ tuân thủ thấp (nồng độ thuốc trong máu thấp hơn 40%) thì PrEP cho thấy không có hiệu quả dự phòng lây nhiễm HIV.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), nếu uống PrEP hằng ngày thì có thể giảm nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục tới 99% và giảm nguy cơ lây truyền HIV trong nhóm người sử dụng ma túy tới 74%.
PrEP phù hợp với bất kỳ ai chưa nhiễm HIV mà có nguy cơ cao nhiễm HIV, và phù hợp nhất với những người là nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người chuyển giới nữ, bạn tình âm tính trong cặp dị nhiễm HIV và người tiêm chích ma túy.
Lưu ý sử dụng PrEP với một số nhóm khách hàng
Một số nhóm khách hàng đặc thù cần được cung cấp thêm thông tin về việc sử dụng PrEP gồm có:
- Người chuyển giới nữ: PrEP vẫn đạt hiệu quả dự phòng lây nhiễm HIV ở người chuyển giới nữ nếu được dùng đều đặn. PrEP không làm thay đổi nồng độ hoóc môn nữ, mặc dù nồng độ của tenofovir trong máu có thể giảm khi người chuyển giới nữ đồng thời sử dụng PrEP và hoóc môn chuyển đổi giới tính.
- Phụ nữ mang thai và cho con bú: Theo khuyến cáo của CDC (Hoa Kỳ), đối với những cặp vợ chồng có dự định có con mà người chồng đang nhiễm HIV thì PrEP có thể là một lựa chọn để dự phòng lây nhiễm HIV cho người vợ và cho em bé trong quá trình thụ thai, mang thai và cho con bú. Tuy nhiên, việc người phụ nữ mang thai quyết định sử dụng hoặc không sử dụng PrEP hoàn toàn do người này quyết định, sau khi được tư vấn chi tiết về những lợi ích cũng như rủi ro có thể có khi dùng PrEP.
- Những người trước đây đã dùng PEP nhiều lần: nên được tư vấn để sử dụng PrEP.
- Những người đã có hành vi nguy cơ và có khả năng phơi nhiễm trong vòng 72 giờ qua, cần được bác sĩ tư vấn và có thể chỉ định điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) trong 28 ngày tiếp theo. Sau khi kết thúc liệu trình PEP, thực hiện xét nghiệm HIV để đảm bảo tình trạng HIV âm tính và thực hiện tư vấn cho khách hàng sử dụng PrEP.