CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin địa phương > Cần Thơ triển khai sàng lọc HIV, viêm gan B và giang mai

Thứ Bảy, 23/11/2024 | 16:38:05 GMT+7

Cần Thơ triển khai sàng lọc HIV, viêm gan B và giang mai

15/12/2023 | 633 lượt xem | Hương Giang

Sau gần 3 năm triển khai kế hoạch hành động tiến tới loại trừ 3 bệnh HIV, viêm gan B và giang mai, hàng chục nghìn phụ nữ mang thai và trẻ sinh ra đã được theo dõi, xét nghiệm, điều trị.
 

Địa phương đi đầu triển khai kế hoạch hành động tiến tới loại trừ 3 bệnh
Từ năm 2020, Cần Thơ là địa phương đi đầu triển khai kế hoạch hành động tiến tới loại trừ 3 bệnh HIV, viêm gan B và giang mai dựa trên các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
 
Chương trình dự phòng lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con được Cần Thơ triển khai từ năm 2009 và mở rộng đến các trạm y tế, bệnh viện, Trung tâm Y tế. Khi phát hiện phụ nữ mang thai nhiễm 3 bệnh, cán bộ y tế tư vấn, kết nối chuyển gửi thai phụ đến các Phòng khám Ngoại trú nhằm tiếp cận điều trị sớm.
Theo số liệu thống kê từ các cơ sở y tế, từ quý IV/2021 đến tháng 9/2023, TP. Cần Thơ có 37.031 phụ nữ mang thai được xét nghiệm viêm gan B. Trong đó có 15.041 người được xét nghiệm miễn phí tại trạm y tế, phát hiện 245 người có HBsAg (+). Về bệnh giang mai, có 36.070 phụ nữ mang thai được xét nghiệm, trong đó có 15.027 người được xét nghiệm miễn phí tại trạm y tế, phát hiện 8 người dương tính với giang mai.
Về HIV, từ năm 2021 đến tháng 9/2023, thành phố có 41.671 phụ nữ mang thai được xét nghiệm. Trong đó có 15.027 người được xét nghiệm miễn phí tại trạm y tế, phát hiện 17 ca dương tính với HIV và đều được điều trị ARV. Ngoài ra, đã điều trị ARV cho 24 phụ nữ phát hiện nhiễm HIV thời kỳ chuyển dạ. Sau sinh, đã xét nghiệm PCR cho 139 trẻ và tất cả đều không nhiễm HIV từ mẹ.
Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng qua 3 năm triển khai, chương trình còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Cần Thơ là nơi tập trung nhiều đối tượng nguy cơ từ các tỉnh lân cận; chịu nhiều áp lực về dịch HIV/AIDS, tăng gánh nặng cho các hoạt động cung cấp dịch vụ y tế, điều trị, sinh con, nguy cơ mất dấu, không theo dõi ca bệnh.
Chương trình triển khai cho 9 quận, huyện nhưng tỉ lệ xét nghiệm và phát hiện các trường hợp VGB và GM chưa đạt mục tiêu. Chưa theo dõi, quản lý chặt chẽ được số phụ nữ mang thai trên địa bàn, nhất là các trường hợp thai phụ khám thai tại các bệnh viện tuyến trên hoặc cơ sở y tế tư nhân/phòng mạch tư. Chưa triển khai được việc điều trị VGB và giang mai cho thai phụ tại tuyến quận/huyện.
Một số thai phụ điều kiện kinh tế khó khăn, không thể lên tuyến trên để theo dõi, điều trị theo chế độ bảo hiểm y tế. Việc lấy mẫu máu cho trẻ sinh ra từ mẹ có HBsAg dương tính tại tuyến cơ sở khó thực hiện, phải đến các cơ sở chuyên nhi. Từ đó, số trẻ được gia đình đưa đi xét nghiệm ít. Chưa triển khai được hoạt động phòng lây truyền 3 bệnh cho các cơ sở y tế tư nhân và phòng mạch tư nhân. Chưa có công văn hướng dẫn của Sở Y tế về quy trình phòng lây truyền mẹ con để phối hợp thực hiện giữa các bên (cơ sở sản khoa, cơ sở viêm gan, da liễu).
Tập trung tuyên truyền về lợi ích của xét nghiệm sớm cho đối tượng đích
Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Cần Thơ cho biết, trung bình một năm Trung tâm điều trị khoảng 50 phụ nữ mang thai. Nhưng trong số 30 – 40 phụ nữ mang thai trên địa bàn Cần Thi thì số nhiễm mới chỉ trên dưới 10 ca đổ lại, còn lại là những người đang điều trị ARV có thai thì vẫn tiếp tục cho em bé uống thuốc.
Công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con ở Cần Thơ hiện triển khai theo 3 nhánh thành tố chính. Đó là trước khi mang thai, làm thế nào để người phụ nữ tầm soát, phát hiện sớm, dự phòng HIV. Trường hợp đã nhiễm, làm thế nào không mang thai ngoài ý muốn. Khi đã có thai, làm sao dự phòng lây truyền HIV sớm, giúp thai nhi giảm thiểu nguy cơ lây truyền bệnh từ mẹ. Sau sinh, tiếp tục duy trì, điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con. Bên cạnh đó, còn có sự phối hợp giữa CDC Cần Thơ với các bệnh viện trong tầm soát HIV ở phụ nữ mang thai.
Hoạt động phòng ngừa lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai tại Cần Thơ hiện triển khai theo 2 nguồn kinh phí là ngân sách địa phương và hỗ trợ của WHO (sinh phẩm xét nghiệm, đào tạo, tập huấn, giám sát). Các hoạt động gồm: tập huấn cho cán bộ chương trình về lấy mẫu - xét nghiệm và báo cáo - chuyển gửi; triển khai cho cho các trạm y tế, thực hiện tư vấn lấy máu xét nghiệm viêm gan B và giang mai miễn phí cho phụ nữ mang thai đến khám tại các trạm y tế; tập huấn cho toàn bộ cán bộ chương trình trong hệ thống y tế nhà nước.
Ông Dáp Thanh Giang, Trưởng khoa phòng chống AIDS, CDC Cần Thơ thông tin, hưởng ứng Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, CDC Cần Thơ tập trung tuyên truyền về lợi ích của xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ mang thai; lợi ích của điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; lợi ích của theo dõi tải lượng HIV đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV để sinh ra những đứa con khỏe mạnh; đẩy mạnh tuyên truyền để giảm kỳ thị, phân biệt đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV và tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
Hiện nay, thành phố được miễn phí hoàn toàn do dự án quỹ toàn cầu hỗ trợ và cộng đồng có nguy cơ cao tham gia sẽ không tốn bất kỳ chi phí nào, kể cả chi phí xét nghiệm, theo dõi, thăm khám và thuốc. Thời gian cuối năm, kể cả những năm tiếp theo thì sẽ chú trọng nâng cao hiệu quả tập huấn, truyền thông trong các em trường THPT, các bạn sinh viên Đại học – Cao đẳng, các bạn trẻ, trẻ ngoài cộng đồng, công nhân các khu công nghiệp để tránh nhiễm mới HIV.
Cần Thơ hiện đang làm tốt việc kiểm soát 3 bệnh lây truyền từ mẹ sang con, từ kết quả khả quan đó, WHO tại Việt Nam mong Cần Thơ là một trong những tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước loại trừ lây truyền HIV và giang mai trong những năm tới và tới năm 2030 loại trừ lây truyền viêm gan B.
Năm 2024, WHO sẽ làm việc với Sở Y tế TP. Cần Thơ để triển khai hoạt động này đến các bệnh viện tư nhân, phòng khám tư nhân… nhằm theo dõi, quản lý chặt hơn nữa những phụ nữ mang thai làm xét nghiệm, kết quả xét nghiệm, điều trị, kết quả em bé sinh ra… để chương trình đạt hiệu quả.