CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Hỏi đáp > HIV/AIDS - những điều bạn cần biết > Cần xét nghiệm sàng lọc giang mai cùng với HIV

Thứ Năm, 09/01/2025 | 18:58:25 GMT+7

Cần xét nghiệm sàng lọc giang mai cùng với HIV

31/12/2022 | 23465 lượt xem | Thu Thảo

Có thể nói, giang mai và HIV là bạn đồng hành của nhau. Điều này có nghĩa là người nhiễm HIV có nguy cơ cao hoặc đồng thời cũng nhiễm giang mai và ngược lại, do đây là hai bệnh có cơ chế lây truyền giống nhau.

Giang mai là gì?
Giang mai là bệnh lây truyền qua đường tình dục do xoắn khuẩn có tên là Treponema pallidum gây nên. Bệnh có thể gây thương tổn ở da - niêm mạc và nhiều tổ chức, cơ quan của cơ thể như cơ, xương khớp, tim mạch và thần kinh. Bệnh lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục và có thể lây truyền qua đường máu, lây truyền từ mẹ sang con. Bệnh có thể gây hậu quả trầm trọng như giang mai thần kinh, giang mai tim mạch, giang mai bẩm sinh.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hằng năm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có trên 35 triệu trường hợp mới mắc các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục trong đó giang mai chiếm 2%. Ở Việt Nam, theo thống kê hàng năm của Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh giang mai chiếm khoảng 2 - 5% tổng số các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục.
Bệnh gây nên do xoắn khuẩn giang mai, xoắn khuẩn này rất yếu, ra ngoài cơ thể chỉ sống được vài giờ, chết nhanh chóng ở nơi khô; ở nơi ẩm ướt có thể sống được 2 ngày. Nó có thể sống rất lâu ở nhiệt độ lạnh. Ở 56 độ C, xoắn khuẩn giang mai chết trong vòng 15 phút. Nhiệt độ thích hợp là 37 độ C. Xà phòng và các chất sát khuẩn có thể diệt được xoắn khuẩn trong vài phút.
Xoắn khuẩn giang mai xâm nhập vào cơ thể người lành qua giao hợp đường âm đạo, đường hậu môn hoặc đường miệng. Ngoài ra, bệnh có thể lây gián tiếp qua các đồ dùng, vật dụng bị nhiễm xoắn trùng. Lây qua các vết xước trên da - niêm mạc khi thầy thuốc tiếp xúc mà không có bảo hiểm. Lây do truyền máu: truyền máu hoặc tiêm chích mà bơm kim tiêm không vô khuẩn. Lây từ mẹ sang con, thường sau tháng thứ 3 của thai kỳ và gây bệnh giang mai bẩm sinh.
 
Triệu chứng của bệnh giang mai: 
Tùy theo từng giai đoạn hoặc thời kỳ khác nhau mà có các triệu chứng khác nhau:
-    Giang mai thời kỳ I
Săng (chancre) giang mai: Là vết trợt nông, hình tròn hay bầu dục, không có bờ nổi gờ lên hoặc lõm xuống, bề mặt bằng phẳng. Vị trí thường thấy ở bộ phận sinh dục Với những người quan hệ tình dục qua hậu môn, săng có thể ở trực tràng hoặc quanh hậu môn. Săng còn có thể xuất hiện ở một số vị trí khác như: môi, lưỡi, amidan (do quan hệ miệng - sinh dục), ngón tay v.v…
Hạch: Các hạch vùng bẹn thường bị viêm, họp thành chùm
-    Giang mai thời kỳ II: 
Thường khoảng 6 - 8 tuần sau khi có săng.
Có thể có các biểu hiện như: Đào ban; Tổn thương da do giang mai; Mảng niêm mạc; Vết loang trắng đen; Viêm hạch lan tỏa; Nhức đầu; Rụng tóc...
-    Giang mai thời kỳ III: 
Thường khi không được điều trị hay điều trị không đúng phác đồ, có thể có các biểu hiện như đào ban, củ giang mai, gôm giang mai… Đồng thời, có thể xâm nhập vào phủ tạng như tim, mắt, thần kinh...
Tác động qua lại giữa bệnh giang mai và HIV
Nguy cơ lây nhiễm HIV qua con đường tình dục phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là quan hệ với người bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có giang mai.
Nhiều nghiên cứu cho thấy có mối liên quan chặt chẽ giữa HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt là các bệnh có loét ở sinh dục (giang mai, herpes, HPV, hạ cam…). Ở đâu có tỉ lệ các bệnh lây truyền qua đường tình dục cao ở đó có sự gia tăng HIV.
Có thể nói giang mai vừa là "bạn đồng hành", vừa là yếu tố nguy cơ, vừa là yếu tố chỉ điểm của HIV. Hay nói cách khác các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV đều có chung các yếu tố nguy cơ cao là quan hệ tình dục không an toàn, quan hệ tình dục với nhiều người. Chính vì vậy người ta cũng coi HIV là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục nguy hiểm nhất.
Có thể trị dứt điểm bệnh giang mai không?
Có thể điều trị dứt điểm bệnh giang mai bằng kháng sinh phù hợp theo chỉ định của bác sĩ.
Tuy nhiên, bị bệnh giang mai một lần sẽ không bảo vệ bạn khỏi bị lần nữa. Ngay cả sau khi đã chữa trị dứt điểm thì bạn vẫn có thể bị tái phát. Chỉ có xét nghiệm phòng lab mới xác nhận được bạn có bị giang mai hay không.
Do vết loét giang mai có thể ẩn trong âm đạo, hậu môn, và dưới bao quy đầu dương vật, hay trong miệng, nên bạn có thể không biết bạn tình bị giang mai. Nếu không biết rõ (các) bạn tình của mình đã xét nghiệm và được chữa trị, bạn có thể có nguy cơ bị giang mai lại từ bạn tình không được chữa trị.
Phòng giang mai và HIV như thế nào?

Giang mai và HIV có cơ chế lây truyền giống nhau là qua quan hệ tình dục không an toàn, đường máu và từ mẹ sang con.
Để phòng bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có giang mai, bác sĩ khuyến cáo cần thực hiện quan hệ tình dục an toàn; sử dụng bao cao su đúng cách trong mỗi lần quan hệ tình dục, đặc biệt khi quan hệ tình dục với các bạn tình mà không biết tình trạng nhiễm HIV hoặc giang mai của họ; chung thủy một vợ - một chồng và thường xuyên kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm vấn đề bất thường,
Yêu cầu xét nghiệm HIV đồng thời với xét nghiệm sàng lọc giang mai định kỳ cũng là cần thiết để đảm bảo không mắc các bệnh này hoặc nếu mắc bệnh sẽ điều trị sớm, kịp thời để tránh các biến chứng cũng như không làm lây truyền bệnh cho người khác.
Một điều cần lưu ý là hiện nay có thuốc kháng virus điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) có thể dự phòng để không bị lây nhiễm HIV, tuy nhiên thuốc này không dự phòng được giang mai và các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục khác như lậu, viêm gan… Do vậy thực hiện tình dục an toàn hay sử dụng bao cao su thường xuyên đúng cách vẫn là biện pháp dự phòng hữu hiệu với cả giang mai và HIV.
Tất cả bệnh nhân có biểu hiện bệnh giang mai nên được xét nghiệm HIV và tất cả các bệnh nhân nhiễm HIV cần được thường xuyên sàng lọc giang mai, bởi giang mai có thể tăng cường việc lây nhiễm HIV thông qua việc tăng tỷ lệ loét bộ phận sinh dục. Phát hiện và điều trị giang mai có thể giúp giảm lây nhiễm HIV.