CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin hoạt động của Cục > Cập nhật kết quả dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

Chủ Nhật, 05/01/2025 | 09:29:30 GMT+7

Cập nhật kết quả dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

11/12/2022 | 2911 lượt xem | Phương Nga

Từ năm 2013 trở lại đây, các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được lồng ghép triệt để vào hệ thống chăm sóc sức khoẻ sinh sản nhằm tiếp cận với phụ nữ mang thai sớm nhất để có thể khắc phục tình trạng xét nghiệm HIV muộn và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (DPLTMC) bằng ARV muộn ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Hệ thống chăm sóc sức khoẻ sinh sản có mạng lưới “chân rết” đến tuyến xã và thôn bản vì vậy việc chăm sóc và hỗ trợ phụ nữ mang thai và con của họ tốt hơn tro

Hình ảnh mang tính chất minh họa

Nhìn lai kết quả đạt được sau 10 năm, những nỗ lực dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con có những kết quả rất đánh khích lệ. Tác động dễ dàng nhìn thấy nhất là số trẻ em nhiễm HIV dưới 3 tuổi giảm liên tục và chỉ còn chưa bằng 1/5 số trẻ được chẩn đoán nhiễm HIV năm 2012. Chi tiết như biểu đồ dưới đây.

Cũng tương tự như vậy, số trẻ em nhiễm HIV dưới 1 tuổi giảm liên tục trong 10 năm qua. Nếu năm 2012, cả nước phát hiện 127 trẻ nhiễm dưới 1 tuổi thì đến năm 2021 con số này chỉ còn 26 trẻ và 9 tháng năm 2022 là 17 trẻ.  Chi tiết như biểu đồ dưới đây.

Có được kết quả như trên do Việt Nam đã sớm áp dụng các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và vận hành các hoạt động dự phòng và điều trị rất nhuần nhuyễn theo các cấp độ: dự phòng xa và điều trị triệt để.
Thứ nhất: Dự phòng sớm lây nhiễm HIV cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ độ tuổi sinh đẻ. Đây là giai đoạn đầu tiên để giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho những người mẹ trong  tương lai gần thông qua việc nâng cao hiểu biết về HIV/AIDS, các đường lây truyền và cách phòng tránh. Truyền thông đại chúng trong suốt hơn 10 năm qua đã góp phần quan trọng trong truyền thông lĩnh vực này, bên cạnh đó là truyền thông trực tiếp của các tuyên truyền viên các ban ngành như y tế, thanh niên, phụ nữ. 
Thứ 2: Phòng tránh thai ngoài ý muốn cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Đối với nhóm đối tượng phụ nữ đã được chẩn đoán là nhiễm HIV thì cung cấp các biện pháp tránh thai phù hợp với các yếu tố như độ tuổi, số con đã có, tuổi của người con gần nhất để tránh mang thai ngoài ý muốn. Có nghĩa là phải chủ động được thời điểm mang thai khi cơ thể người mẹ có sức đề kháng và điều kiện chăm sóc tốt nhất thì mới mang thai như vậy sẽ giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm HIV sang cho con trong giai đoạn mang thai. Thời điểm có thai tốt nhất của phụ nữ nhiễm HIV là khi họ có tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện (dưới 200 bản sao/mml máu).
Thứ 3: Các can thiệp cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Đây là giai đoạn chăm sóc và điều trị trong thai kỳ. Đảm bảo phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV sớm nhất với phác đồ tối ưu. Hiện nay, Việt Nam đã áp dụng điều trị ngay cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV mà không phụ thuộc vào tuổi thai. Giai đoạn này cần cung cấp dịch vụ tư vấn dinh dưỡng cho mẹ và con sau sinh tùy thuộc vào điều kiện của từng trường hợp cụ thể.
Thứ 4: Cung cấp các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ và điều trị thích hợp cho bà mẹ nhiễm HIV và con của họ sau sinh. Tiếp tục điều trị ARV cho mẹ theo phác đồ và điều trị dự phòng cho con bằng thuốc ARV liên tục trong 6 tuần tuổi đầu tiên. Tư vấn nuôi dưỡng trẻ cần được thực hiện trước khi sinh, để bà mẹ lựa chọn phù hợp với điều kiện của mình. 
Với nuôi bằng sữa mẹ: Trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Mẹ cần tuân thủ điều trị tốt để tải lượng dưới ngưỡng ức chế (<1.000 bản sao/mml máu), tốt nhất là dưới ngưỡng phát hiện. Mẹ có thể cho con bú đến 24 tháng tuổi.
Với nuôi con bằng sữa công thức: Người mẹ chỉ nên nuôi con bằng sữa công thức khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: Đảm bảo đáp ứng đủ sữa công thức hoàn toàn trong 6 tháng đầu; Có nước sạch và chuẩn bị được sữa thay thế đảm bảo an toàn, hợp vệ sinh và đủ số lượng phù hợp với tuổi của trẻ; Có sự hỗ trợ của gia đình.
Các trường hợp nguy cơ cao làm lây truyền HIV sang con khi: Mẹ nhiễm HIV nhưng chưa điều trị ARV hoặc; Mẹ đang điều trị ARV và có kết quả tải lượng HIV trước khi sinh 4 tuần >1000 bản sao/mml máu hoặc; Mẹ nhiễm HIV và điều trị ARV dưới 4 tuần trước khi sinh hoặc; Mẹ được chẩn đoán nhiễm HIV trong vòng 72 giờ trước sinh.

 
Với sự cập nhật liên tục và kịp thời khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại Việt Nam có những kết quả rất đáng khích lệ và mục tiêu loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030 có thể hoàn thành trước hạn. Có được nhận định này khi phân tích số liệu thống kê trong suốt 10 năm qua. Số trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV có xu hướng giảm mạnh, từ 1.500 trẻ xuống còn hơn 600 trẻ mỗi năm; Tỷ lệ trẻ có kết quả chẩn đoán nhiễm HIV bằng CPR giảm mạnh từ 7,4% năm 2012 xuống 2,1 năm 2022. Chi tiết như biểu đồ trên.
Theo tính toán của các chuyên gia, nếu không có bất kỳ can thiệp nào nhằm ngăn chặn sự lây truyền HIV từ mẹ sang con thì tỷ lệ lây truyền HIV từ người mẹ nhiễm HIV sang con của mình là từ 30-40%. Tuy nhiên, nếu được can thiệp kịp thời và toàn diện thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể giảm xuống dưới 5% thậm trí dưới 2%.