CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Hợp tác quốc tế > Các đối tác khác > CHẶNG ĐƯỜNG ĐẢM BẢO TÀI CHÍNH CHO CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG ...

Thứ Ba, 10/12/2024 | 02:23:28 GMT+7

CHẶNG ĐƯỜNG ĐẢM BẢO TÀI CHÍNH CHO CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS

02/01/2023 | 1447 lượt xem | Thu Thảo

Kể từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam vào năm 1990 đến nay, Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm đương đầu với dịch HIV/AIDS với những thành tựu đầy ấn tượng.

Nhiều thành tựu ấn tượng
Số nhiễm mới HIV đã giảm tới 2/3 trong 10 năm qua, tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng được duy trì dưới 0,3%. Nhờ đó, Việt Nam đã tránh cho gần nửa triệu người nhiễm HIV và hơn 200 ngàn người tử vong do HIV/AIDS.
Những thành tựu này đạt được là nhờ sự cam kết chính trị rất lớn của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế và không thể không kể đến vấn đề đảm bảo tài chính bền vững cho chương trình HIV/AIDS.  
Nhìn lại chặng đường ứng phó với dịch HIV/AIDS của Việt Nam, đặc biệt là thời điểm trước năm 2010 có thể thấy Việt Nam nhận được sự hỗ trợ to lớn về tài chính của các tổ chức quốc tế. Có thời điểm tới hơn 80% kinh phí cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam là do các tổ chức quốc tế viện trợ.. Nhiều tổ chức song phương và đa phương đã chung tay hỗ trợ Việt Nam như Chính phủ Hoa Kỳ (thông qua PEPFAR), Australia (qua AusAID), Chính phủ Anh (qua Bộ Phát triển quốc tế Anh phối hợp với Bộ Ngoại giao Na Uy), Chính phủ Hà Lan (đóng góp cùng AusAID); Chính phủ Thụy Điển, các tổ chức đa phương bao gồm: UNDP, UNFPA, UNAIDS, Tổ chức Y tế Thế giới, UNICEF, UNODC; Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét; Các tổ chức tài chính Quốc tế như Ngân hàng phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới và các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài như FHI, Quỹ Bill Clinton, PSI, PATH hay AHF.
 
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương – Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm Đề án đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS

Mười năm chặng đường đảm bảo tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS
Từ năm 2013, khi Việt Nam ra khỏi nhóm quốc gia có thu nhập thấp, nguồn hỗ trợ quốc tế bắt đầu cắt giảm. Chính phủ Việt Nam xác định huy động nguồn tài chính trong nước là chiến lược để đảm bảo tính bền vững cho chương trình HIV/AIDS. Quyết tâm của Chính phủ được thể hiện bằng sự ra đời của Quyết định 1899/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013-2020, mở ra thời kỳ chuyển đổi cơ cấu tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS với sự tăng lên mạnh mẽ của các nguồn lực tài chính trong nước.
Các nhóm giải pháp chủ chốt đã được chính phủ xác định để huy động nguồn lực cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS là:
•    Huy động ngân sách địa phương cho chương trình HIV/AIDS và tăng cường sự đầu tư của ngân sách trung ương thông qua Chương trình mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS và Chương trình Mục tiêu Y tế, Dân số
•    Mở rộng chi trả BHYT cho dịch vụ khám chữa bệnh HIV/AIDS
•    Tăng cường sự tham gia của khối tư nhân và cộng đồng người sống chung với H trong phòng chống HIV/AIDS;
•    Tiếp tục huy động các nguồn tài trợ quốc tế
•    Quản lý, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn tài chính huy động được.
Huy động ngân sách địa phương được xác định là nguồn tài chính quan trọng nhằm tăng tính chủ động và nhận thức của chính quyền địa phương về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Trong giai đoạn 2013-2020, 63 tỉnh thành trên cả nước đều có kế hoạch đảm bảo tài chính cho chương trình HIV. Cũng trong giai đoạn này, Ngân sách địa phương cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã tăng từ 8% lên hơn 17%. Đây là một nỗ lực, cũng như sự quan tâm rất lớn của các địa phương cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS.
Năm 2020, Chiến lược quốc gia kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030 được Chính phủ phê duyệt, trong đó đặt ra chỉ tiêu năm 2021, 100% các tỉnh, thành phố phải có kế hoạch hoặc đề án bảo đảm tài chính và phân bổ ngân sách địa phương hằng năm cho phòng, chống HIV/AIDS. Đến nay đã có 51/63 tỉnh, thành phố phê duyệt Kế hoạch đảm bảo tài chính chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Một trong những giải pháp đảm bảo tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS quan trọng khác cũng đã được Chính phủ Việt Nam thực hiện rất thành công là Bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV. Hàng loạt giải pháp đã được thực hiện nhằm đảm bảo 100% người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế và Quỹ bảo hiểm y tế chi trả dịch vụ khám chữa bệnh  HIV bao gồm cả thuốc ARV:
•    Năm 2015, Bộ Y tế chỉ đạo kiện toàn các phòng khám ngoại trú HIV, đảm bảo đủ điều kiện cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh BHYT.
•    Năm 2016: Chính phủ ban hành Quyết định 2188 đảm bảo cơ chế đặc thù mua sắm và thanh toán thuốc ARV nguồn BHYT.
•    Năm 2017-2018: Bộ Y tế xây dựng và ban hành Thông tư 28 quy định mua sắm thuốc ARV tập trung sử dụng quỹ BHYT và hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV cho bệnh nhân HIV.
•    Năm 2019: viên thuốc ARV nguồn Quỹ BHYT đầu tiên chính thực được kê đơn tại các cơ sở điều trị ARV.
Kể từ đây, Quỹ bảo hiểm y tế đã ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong việc chi trả thuốc ARV cho người nhiễm HIV, thay thế dần nguồn thuốc ARV do các tổ chức quốc tế viện trợ. Nếu trước năm 2013, 90% chi phí thuốc ARV là do PEPFAR và Quỹ toàn cầu hỗ trợ thì đến nay bảo hiểm y tế đã chi trả tới 70% chi phí này. Việt Nam trở thành một hình mẫu của các quốc gia trên thế giới về việc chi trả thuốc ARV cho bệnh nhân HIV.
Một giải pháp khác để huy động nguồn tài chính bền vững cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam là huy động đóng góp tài chính, nhân lực từ khu vực tư nhân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội cùng cộng đồng người nhiễm HIV. Chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2021 đã có hơn 150 đối tác thuộc khu vực tư nhân tham gia vào chương trình phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam với tổng đầu tư hơn 12.6 triệu đô la Mỹ.
Để đảm bảo sự tham gia bền vững của các tổ chức chức xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cũng đang thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội, Đề án này được thí điểm triển khai tại 7 tỉnh thành phố. Nếu đề án thí điểm thành công và hàng lang pháp lý hoàn thiện, các tổ chức xã hội có thêm cơ hội tham gia một cách bền vững và đóng góp cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS từ nguồn ngân sách trong nước.
Việt Nam vẫn đang là quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Nhận thức được điều này, bên cạnh việc chủ động chuyển giao tài chính từ các tổ chức quốc tế sang nguồn lực trong nước, Chính phủ Việt Nam vẫn xác định tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả nguồn viện trợ quốc tế. Mặc dù từ năm 2013 đến nay viện trợ quốc tế đã giảm đi nhưng một số nhà tài trợ quốc tế vẫn đồng hành cùng Việt Nam. Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ thông qua PEPFAR và các đối tác thực hiện; Quỹ Toàn Cầu tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong suốt quá trình chuyển giao. Ngoài ra các tổ chức Liên hợp quốc như UNAIDS, UNODC và WHO cũng tiếp tục cung cấp nguồn lực quan trong cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam.
Trong những năm gần đây, để quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, Chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã xây dựng kế hoạch thống nhất hàng năm cho cả nguồn viện trợ và nguồn ngân sách nhà nước, với kinh phí ưu tiên tập trung cho các tỉnh thành trọng điểm. Việc quản lý và điều phối các nguồn lực cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS đảm bảo tính hợp lý và chặt chẽ theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam và các nhà tài trợ.
Nhìn lại chặng đường một thập kỷ nỗ lực chuyển đổi cơ cấu tài chính, huy động nguồn lực trong nước cho chương trình phòng chống HIV/AIDS, tổng chi tiêu cho HIV/AIDS từ các nguồn lực trong nước đã tăng lên một cách ngoạn mục, nếu trước năm 2013, ngân sách trong nước cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS chỉ khoảng hơn 20% thì năm 2018 đánh dấu mốc quan trọng khi nguồn tài chính trong nước cho chương trình HIV/AIDS đạt hơn 50%, lần đầu tiên vượt tỷ trọng nguồn viện trợ quốc tế.

Vẫn còn nhiều thách thức để đảm bảo tài chính bền vững cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới
Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 ở Việt Nam đã được Chính phủ ban hành với mục tiêu đến năm 2030, khi đó HIV/AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại với mỗi cá nhân và cộng đồng. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn khi dần trở thành nước phát triển, ngân sách trong nước chi cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Tuy vậy thách thức về tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS cũng không nhỏ trong bối cảnh đầu tư công cần tăng cao.
Chia sẻ về giải pháp cho vấn đề này, Bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Để đạt được mục tiêu mà Chiến lược kết thúc dịch bệnh AIDS đã được Chính phủ đề ra, trong bối cảnh các nguồn tài trợ quốc tế cắt giảm và chuyển sang tập trung hỗ trợ kỹ thuật, mô hình dịch thay đổi phức tạp, chương trình dự phòng còn lệ thuộc nhiều vào nguồn hỗ trợ quốc tế, Việt Nam cần tiếp tục tăng cường huy động nguồn lực trong nước, trong đó ngân sách nhà nước đảm bảo các hạng mục thiết yếu như thuốc và vật dụng can thiệp giảm tác hại. Ngân sách địa phương cần là nguồn lực chính tại các tỉnh, thành phố. Quỹ BHYT chi trả đầy đủ các dịch vụ KCB HIV/AIDS cho người bệnh có thẻ BHYT. Đặc biệt phải xây dựng cơ chế tài chính đảm bảo cho chương trình dự phòng lây nhiễm HIV. Ngoài ra, đẩy mạnh khu vực tư nhân, các tổ chức cộng đồng tham gia đầu tư , cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, song song với việc triển khai mạnh mẽ các giải pháp điều phối sử dụng nguồn lực hiệu quả, đầu tư vào các địa bàn và đối tượng nguy cơ cao để đảm bảo nguồn lực tài chính, tiến tới kết thúc dịch bệnh AIDS tại Việt Nam.

Hành trình từng bước chuyển giao tài chính bền vững trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam suốt một thập kỉ qua với những kết quả nổi bật đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Có thể nói, những kết quả này một lần nữa khẳng định quyết tâm và chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước không chỉ trong sự lãnh đạo, chỉ đạo mà cả trong việc đầu tư cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Bằng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự tiếp tục đồng hành và chuyển giao có lộ trình của các tổ chức quốc tế, chúng ta hoàn toàn tin tưởng về một Việt Nam có thể kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.