CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin bộ, ngành TW > Chuyển biến tích cực sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 36 của Bộ ...

Thứ Năm, 25/04/2024 | 02:58:41 GMT+7

Chuyển biến tích cực sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị về phòng chống ma túy

08/10/2022 | 1897 lượt xem | Trần Trường

Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 36-CT/TW, công tác phòng, chống ma túy đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và đối ngoại của đất nước.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chỉ thị 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy
Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy được ban hành, tổ chức triển khai thực hiện trong bối cảnh tình hình tội phạm trên thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường. Hoạt động sản xuất, mua bán, vận chuyển và sử dụng trái phép các loại ma túy tổng hợp, chất hướng thần có xu hướng gia tăng ở hầu hết các khu vực, quốc gia, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó kiểm soát.
Ở trong nước, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy có nhiều diễn biến phức tạp; nguồn ma túy chủ yếu từ nước ngoài được mua bán, vận chuyển vào Việt Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba qua các tuyến biên giới đường bộ, đường biển và đường hàng không. Phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội ma túy ngày càng tinh vi, manh động, thường xuyên thay đổi để đối phó với lực lượng chức năng.
Bên cạnh đó, "nguồn cầu" tiêu thụ ma túy vẫn còn rất lớn với hơn 200 nghìn người nghiện có hồ sơ quản lý, là nguy cơ gây mất ANTT, nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm và tệ nạn xã hội và gây bức xúc trong xã hội. Đáng chú ý, tình hình sử dụng trái phép chất ma túy có dấu hiệu gia tăng, nhất là tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT, dịch vụ nhạy cảm; tình trạng trồng, tái trồng trái phép cây có chứa chất ma túy vẫn xảy ra tại một số địa phương, tập trung tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị
Đứng trước tình hình đó, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 36, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chỉ thị tới Thường trực tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng các Bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 291/QĐ-TTg ngày 21/02/2020 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 36 nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ đồng bộ của các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị- xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống.
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch UBQG phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm phát biểu tại hội nghị triển khai Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị
Ban Cán sự đảng Chính phủ đã chỉ đạo tổng kết Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020 và ban hành Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 để cụ thể hóa quan điểm, nội dung chỉ đạo công tác phòng, chống trong Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị; tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; chỉ đạo Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành thành viên và các địa phương.
Với vai trò thường trực tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết việc thực hiện Chỉ thị 36, Đảng ủy Công an Trung ương đã tham mưu ban hành nhiều chủ trương, giải pháp quan trọng có ý nghĩa cơ bản, chiến lược trong công tác phòng, chống ma túy; chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương phát huy vai trò chủ trì, nòng cốt; triển khai quyết liệt, hiệu quả các kế hoạch, phương án nghiệp vụ; mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm về ma túy trong phạm vi toàn quốc và trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; đẩy mạnh hoàn thiện ứng dụng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ có hiệu quả công tác quản lý địa bàn, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật…
Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc trung ương, 100% tỉnh ủy, thành ủy đã ban hành các văn bản chỉ đạo tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị; ban hành các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể phù hợp với tình hình thực tế, tạo đợt sinh hoạt chính trị sôi nổi, rộng khắp trên phạm vi toàn quốc trong công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy.
Kết quả sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở đã tổ chức quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kịp thời, nghiêm túc; tạo được sự chuyển biến cả về nhận thức và hành động; đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia vào công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.
Công tác tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa ma túy được đẩy mạnh, đổi mới, đa dạng về nội dung, hình thức và tập trung hướng về địa bàn cơ sở; đã xây dựng, nhân rộng được nhiều mô hình phòng, chống ma túy hoạt động hiệu quả. Hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy được bổ sung, hoàn thiện theo hướng đồng bộ, thống nhất; đã thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng nêu trong Chỉ thị, trong đó đã ban hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành, góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác phòng, chống ma túy.
Công tác đấu tranh chống tội phạm về ma túy được triển khai quyết liệt hơn. Lực lượng Công an đã phát huy vai trò chủ trì, nòng cốt; phối hợp với các lực lượng chuyên trách thuộc Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển tăng cường công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm ma túy. Số vụ và đối tượng phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ tăng qua mỗi năm và tăng đáng kể so với giai đoạn trước khi thực hiện Chỉ thị 36 (tăng gần 17% số vụ và hơn 14% số đối tượng), trong đó đã triệt phá được nhiều đường dây, tổ chức tội phạm ma túy hoạt động xuyên quốc gia, bắt giữ đối tượng chủ mưu, cầm đầu, đối tượng truy nã về ma túy; thu giữ số lượng ma túy rất lớn.
Riêng lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phát hiện, đấu tranh trên 65 nghìn vụ, với gần 97 nghìn đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ vật chứng gần 2 tấn heroin; 7,6 tấn và trên 7 triệu viên ma túy tổng hợp; gần 1,4 tấn cần sa; đấu tranh triệt xóa trên 2 nghìn điểm, 150 tụ điểm phức tạp về ma túy; xử lý hành chính trên 10 nghìn vụ với trên 20 nghìn đối tượng. Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về ma túy đạt tỉ lệ cao; bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật và có tác dụng răn đe, phòng ngừa hiệu quả tội phạm ma túy.
Bên cạnh đó, công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy và phòng, chống trồng cây chứa chất ma túy có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động hợp tác quốc tế, nhất là với các nước láng giềng được tăng cường thông qua công tác phối hợp điều tra cơ bản và đấu tranh chuyên án chung để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm ma túy từ sớm, từ xa. Công tác cai nghiện, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai được quan tâm chỉ đạo thực hiện thống nhất, đồng bộ, nhất là sau khi Luật Phòng, chống ma túy có hiệu lực.
Tính đến tháng 6/2022, các lực lượng chức năng đã xác định toàn quốc còn 189.963 người nghiện có hồ sơ quản lý; 27.096 người bị quản lý sau cai nghiện ma túy và 59.537 người sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó có số đối tượng loạn thần, ngáo đá do sử dụng ma túy để hạn chế "nguồn cầu" ma túy và phòng ngừa hiệu quả tội phạm và vi phạm pháp luật do nhóm đối tượng này gây ra.
Những kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 36-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy đã khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời và quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân. Qua đó, đã góp phần bảo đảm vững chắc an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân và phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay.