CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin hoạt động của Cục > Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức Hội nghị tổng kết công ...

Thứ Tư, 15/01/2025 | 11:06:51 GMT+7

Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống HIV/AIDS năm 2022

14/01/2023 | 2907 lượt xem | Trần Trường

Ngày 12/1/2023, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã long trọng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác  phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Hội nghị có sự tham dự và chủ trì của PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Ủy viên Ban cán sự, Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Bí thư đảng ủy, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS; PGS.TS Phạm Đức Mạnh, Phó bí thư đảng ủy, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS. Cùng tham dự còn có đại diện Cục Y tế, Bộ Công an,

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng trong năm qua, ngành y tế vẫn tiếp tục phải đối mặt với các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi như COVID-19, Đậu mùa khỉ, các bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, cúm, tay chân miệng… tình hình dịch HIV đang chuyển sang xu hướng dịch mới, lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục và qua nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới và có xu hướng Gia tăng. Dịch COVID-19 ảnh hưởng đến việc tiếp cận của nhóm nguy cơ cao đến xét nghiệm hay người bệnh tiếp cận với xét nghiệm tải lượng vi rút, nhưng mỗi năm vẫn có hơn 13.000 trường hợp nhiễm mới HIV được báo cáo và việc duy trì điều trị vẫn cố gắng đảm bảo. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành đặc biệt là ngành y tế thì đến nay, về cơ bản dịch bệnh đã được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Trong năm vừa qua Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã tích cực trong công cuộc phòng, chống dịch nói chung và công tác phòng, chống HIV/AIDS nói riêng. Năm 2022 Cục đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Y tế ban hành nhiều văn bản QPPL, hướng dẫn chuyên môn lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS, tiếp tục duy trì và đẩy mạnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương và tổ chức thực thi pháp luật, điều hành, kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và can thiệp giảm tác hại đối với người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy trên phạm vi cả nước. Bên cạnh thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS được Lãnh đạo Bộ phân công, Cục đã luôn cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao theo kế hoạch năm 2022 và luôn là một tập thể đoàn kết nhất trí cao. Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng đã biểu dương và chúc mừng tập thể cấp ủy Đảng, các đồng chí lãnh đạo và toàn thể công chức, người lao động của Cục Phòng, chống HIV/AIDS đồng thời nhấn mạnh hiện nay Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ Y tế và đề nghị Cục cần tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung trọng tâm với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, nắm chắc tình hình, chủ động như sau:
1. Xây dựng chức năng nhiệm vụ của Cục, các phòng, văn phòng Cục theo nhiệm vụ được giao trong Nghị định 95.
2. Khẩn trương, tập trung kiện toàn tổ chức nhân sự của Đảng ủy Cục, Lãnh đạo Cục, lãnh đạo các phòng, văn phòng và tổ chức thi công chức, đảm bảo nhân lực đủ cho quản lý công tác phòng, chống HIV/AIDS.
3. Xây dựng và trình ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch được Lãnh đạo Bộ phê duyệt. Tập trung trình ban hành Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Nghị định số 108/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS; Nghị định số 75/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định điều kiện thực hiện xét nghiệm HIV; Nghị định số 90/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước Bộ Y tế. Tham mưu xây dựng, trình ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung/thay thế Quyết định số 120/2008/QĐ-TTg ngày 01/02/2008 quy định điều kiện người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp; Xây dựng sửa đổi, bổ sung Thông tư số 22/2020/TT-BYT ngày 02/12/2020 của Bộ Y tế quy định việc quản lý thuốc ARV được mua sắm tập trung cấp quốc gia; Xây dựng sửa đối, bổ sung Thông tư số 14/2015/TT-BYT ngày 25/6/2015 của Bộ Y tế về quản lý thuốc Methadone.
4. Tiếp tục mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng và triển khai đồng bộ, toàn diện các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS theo chiến lược tiếp cận từ xét nghiệm, dự phòng đến điều trị HIV/AIDS: Người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận sớm với xét nghiệm HIV; Người nhiễm HIV được tiếp cận sớm với điều trị bằng thuốc kháng vi rút và điều trị các bệnh đồng nhiễm HIV/Lao, HIV/Viêm gan C.
5. Đẩy mạnh truyền thông và can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV như cung cấp bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV. Tổ chức đánh giá kết quả triển khai Đề án thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày. Mở rộng cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày sau thí điểm.
6. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; xây dựng các ISO để tăng cường quản lý chất lượng cho các hoạt động của Cục. 
7. Thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách của nhà nước cho công chức, người lao động; cải thiện, nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức; hỗ trợ, tạo điều kiện cho cán bộ công chức hoàn thành nhiệm vụ. 
 
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Bí thư đảng ủy, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của Ban cán sự, Lãnh đạo Bộ Y tế, đặc biệt là Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương với công tác phòng, chống HIV/AIDS và Cục sẽ tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng để triển khai ngay kế hoạch hoạt động năm 2023 và các hoạt động liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS của Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Đồng thời Cục trưởng cũng đề nghị lãnh đạo các phòng, cán bộ, công chức, người lao động của Cục tiếp tục đoàn kết, sáng tạo để tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ năm 2023 đặt ra.  
 
Trong bài trình bày tổng kết, Ths. Võ Hải Sơn, Trưởng phòng Giám sát, Xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Năm 2022, cả nước phát hiện được hơn 11.000 trường hợp nhiễm HIV. Nhìn chung, tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao đã giảm đáng kể và tỷ lệ chung trong cộng đồng được kiểm soát ở mức dưới 0,3%. Tuy nhiên, tình hình dịch HIV/AIDS trong vài năm gần đây có diễn biến đáng quan ngại. Tỷ lệ nhiễm HIV có xu hướng gia tăng ở một số địa phương, đặc biệt là các tỉnh phía Nam. Đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tăng lên một cách đáng lo ngại, từ 6,7% năm 2014 lên 12,2% (2017) và 13,3% (2020). Một số địa phương, tỷ lệ MSM chiếm đến 50-70% tổng số các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện. Thứ nhất đối với công tác xây dựng văn bản chuyên môn, Cục đã Tham mưu và trình Ban cán sự đảng Bộ Y tế ban hành Kế hoạch số 05/KH - BCSĐ ngày 18/01/2022 của Ban cán sự đảng Bộ Y tế về thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 06/7/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030; sửa đổi thay thế 03 thông tư của Bộ Y tế bao gồm: Thông tư số 03/2015/TT-BYT ngày 16/3/2015 của Bộ Y tế về việc quy định chế độ báo cáo công tác phòng, chống HIV/AIDS; Thông tư số 02/2020/TT-BYT ngày 20/01/2020 của Bộ Y tế quy định trình tự, trách nhiệm thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính; Thông tư số 09/2012/TT-BYT ngày 24/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn giám sát dịch tễ học HIV/AIDS và giám sát các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục và 05 hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Thứ hai là về công tác giám sát xét nghiệm: Cục đã mở rộng và đa dạng dịch vụ xét nghiệm HIV, phát hiện gần 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới qua các giải pháp XN mới như: XN tại các cơ sở y tế, XN dựa vào cộng đồng, tự XN. Sử dụng sinh phẩm mới để phát hiện sớm nhiễm HIV, recency testing, sinh phẩm XN thế hệ 4... Về công tác xét nghiệm sàng lọc HIV đã bao phủ 100% tuyến huyện với hơn 1.300 cơ sở và xét nghiệm khẳng định HIV đã bao phủ 100% tỉnh/thành phố với 204 phòng xét nghiệm khẳng định. Xét nghiệm khẳng định HIV được mở rộng xuống tuyến huyện với 97 phòng xét nghiện khẳng định. Hệ thống phòng xét nghiệm khẳng định HIV cũng đang được triển khai thí điểm sử dụng 3 test nhanh tại các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa. Xét nghiệm nhiễm mới đã được triển khai tại 28 tỉnh/thành phố trên cả nước. Thứ hai, “Hướng dẫn tạm thời về Triển khai đáp ứng y tế công cộng với chùm lây nhiễm HIV” đã được ban hành kèm theo Quyết định số 247/QĐ-AIDS ngày 11/11/2022. Đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý và giám sát dịch HIV. Đến nay, hệ thống thông tin quản lý người nhiễm HIV (HIV-INFO) phiên bản 4.0 và phần mềm quản lý điều trị PREP, ARV, cung ứng thuốc (HMED) đã được triển khai cho 63 tỉnh. Thứ ba về công tác Dự phòng lây nhiễm HIV: công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và truyền thông tạo cầu cho giới trẻ được đa dạng hóa và đạt hiệu quả cao thông qua nhiều sự kiện truyền thông trong khu công nghiệp, trường học và truyền thông đa phương tiện. Tổ chức thành công Mít tinh cấp Quốc gia Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1/12 và các hoạt động Hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS; Duy trì, mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Tính đến 30/9/2022, chương trình Methadone đã được triển khai tại hơn 600 cơ sở điều trị và cấp phát thuốc trên địa bàn 63 tỉnh/thành phố với hơn 51.000 người bệnh tham gia điều trị trong đó gần 3.000 người được cấp thuốc mang về nhà. Điều trị Methadone đã góp phần khống chế được tình hình nhiễm HIV trong người tiêm chích ma túy. Điều trị dự phòng tiền phơi nhiễm (PrEP) triển khai đa dạng thông qua các mô hình TelePrEP, PrEP trực tuyến, OS, lưu động... Tốc độ tăng trưởng khách hàng nhanh hơn so với các nước trong khu vực. Tính đến 31/8/2022, đã có 210 cơ sở PrEP triển khai cung cấp dịch vụ PrEP (nhà nước và tư nhân) tại 29 tỉnh, thành phố. Số khách hàng được tiếp cận với dịch vụ PrEP ít nhất 1 lần trong kỳ báo cáo là 40.020 khách hàng (đạt 88,9% so với chỉ tiêu 45.000 khách hàng vào năm 2022); số khách hàng duy trì trị điều trị PrEP trên 3 tháng liên tiếp đạt 69,6%; 80,4% số khách hàng PrEP là MSM. Thứ tư về công tác điều trị HIV/AIDS: Tiếp tục được mở rộng và hiện có 499 cơ sở ĐT, trong đó 362 cơ sở đang điều trị thuốc ARV BHYT Tổng số: 167.022 BN, trong đó 3.453 BN trẻ em, 163.568 người lớn. Mở rộng điều trị ARV qua Bảo hiểm y tế, phấn đấu tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng vi rút HIV dưới ngưỡng ức chế đạt 95% trở lên. Tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế đạt tới 96% và Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đạt được tỷ lệ này. Điều trị đồng nhiễm viêm gan C đạt 16.000 bệnh nhân. Cuối cùng là đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS: Bộ Y tế đã giao 21,3 tỷ đồng từ nguồn NSNN để thực hiện nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu y tế dân số chuyển về nhiệm vụ chi thường xuyên năm 2022, trong đó 20 tỷ đồng để mua thuốc ARV cho các nhóm đối tượng thụ hưởng theo Luật Phòng, chống HIV/AIDS quy định và 1,3 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động chuyên môn. Nguồn ngân sách địa phương: Trong những năm gần đây, các địa phương thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng và phê duyệt Đề án đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS . Năm 2022 có 51/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt đề án này và phân bổ kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương
Cũng tại hội nghi, công tác Đảng, Chính, Công, Thanh của Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng được tổ chức tổng kết năm 2022.
Một số hình ảnh tại hội nghị

 
PGS.TS Bùi Đức Dương, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS chia sẻ tại hội nghị
 
Các thế hệ cán bộ Cục Phòng, chống HIV/AIDS Chụp ảnh với lưu niệm tại Hội nghị

Ts. Đỗ Thị Nhàn, trưởng phòng Điều trị HIV/AIDS chia sẻ tại hội nghị tổng kết
 
Toàn cảnh hội nghị