CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin hoạt động của Cục > Dịch Covid – 19 đã tác động đến hoạt động dự phòng trước ...

Chủ Nhật, 05/01/2025 | 09:16:36 GMT+7

Dịch Covid – 19 đã tác động đến hoạt động dự phòng trước phơi nhiễm HIV và điều trị HIV như thế nào?

30/07/2021 | 1887 lượt xem | Bích Phượng

Dịch COVID-19 đã tác động trực tiếp toàn bộ các vấn đế kinh tế xã hội  bao gồm cả công tác phòng, chống HIV/AIDS. Vậy dịch Covid-19 tác động đến việc tiếp cận và duy trì điều trị cho người nhiễm HIV và người điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) ra sao?

Tác động với người nhiễm HIV, người sử dụng dịch vụ PrEP
Giãn cách xã hội, sống tại khu vực bị cách ly, phong tỏa đã dẫn đến tình trạng người bệnh không thể đến được các cơ sở điều trị để khám, lĩnh thuốc hoặc làm xét nghiệm định kỳ. Một điểm rất lưu ý ở đây là do kỳ thị và tự kỳ thị vẫn là rào cản dẫn đến việc nhiều người nhiễm HIV đã lựa chọn giải pháp đi đến các cơ sở điều trị xa nơi mình ở để điều trị, thậm chí là đến tỉnh/thành phố khác. Do đó, giãn cách xã hội do COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến việc duy trì điều trị ở những trường hợp này.
 
Người nhiễm HIV mắc COVID, đặc biệt là người điều trị thuốc ARV chưa ổn định, thì nguy cơ điều trị nội trú, nguy cơ tử vong do COVID-19 cao hơn người không nhiễm HIV. Hiện chúng tôi chưa có đánh giá chính thức nhưng qua các phản ảnh riêng lẻ, thì đã có một số người nhiễm HIV bị tử vong vì COVID-19.
Tình trạng các doanh nghiệp bị đóng cửa do tác động của COVID-19 đã dẫn đến nhiều người nhiễm HIV thất nghiệp, thẻ BHYT bị gián đoạn, hết hiệu lực. Điều này đã dẫn đến việc người nhiễm HIV không thể tiếp cận được với dịch vụ khám chữa bệnh BHYT, trong đó có điều trị thuốc ARV. Ngoài ra, tại các thành phố lớn, có nhiều khu công nghiệp như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương…, nhiều người nhiễm HIV là công nhân trong doanh nghiệp đã lựa chọn phương án quay trở về quê hương, không tiếp tục điều trị tại các cơ sở y tế mà họ đang điều trị.
Tác động với các đơn vị cung cấp dịch vụ
Một số cơ sở điều trị cho người nhiễm HIV bị phong tỏa, cách ly do COVID -19, một số cơ sở y tế điều động sang thành bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19. Điều này dẫn đến việc người nhiễm HIV đang điều trị thuốc ARV, điều trị PrEP tại các cơ sở này phải chuyển sang điều trị tại các cơ sở khác.
Nỗ lực để vượt qua thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19
Chúng ta biết rằng người bệnh HIV/AIDS là bệnh mãn tính, nếu vì lý do nào đó không được duy trì điều trị thuốc kháng vi rút HIV (ARV) liên lục họ có nguy cơ cao kháng thuốc và dẫn đến thất bại điều trị.
 
Nhằm giảm tác động của COVID dẫn đến việc gián đoạn điều trị ở người nhiễm HIV, người sử dụng dịch vụ PrEP, một loạt các can thiệp đã và đang được thực hiện như sau:
Thứ nhất, Bộ Y tế và Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã ban hành một loạt các công văn hướng dẫn về việc cung cấp thuốc ARV cho người bệnh như cấp phát thuốc ARV nhiều tháng, gửi thuốc qua đơn vị vận chuyển, thông qua nhân viên y tế, nhân viên tình nguyện, đơn giản thủ tục khi tiếp nhận người bệnh chuyển về từ cơ sở khác… Điểm đặc biệt là Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành các văn bản hướng dẫn khám chữa bệnh và thanh toán BHYT trong bối cảnh COVID-19, trong đó có mục riêng đối với người bệnh HIV, người bệnh lao đối với các trường hợp người bệnh không thể đến được cơ sở khám chữa bệnh theo hẹn để khám và lĩnh thuốc ARV.
Cục Phòng, chống HIV/AIDS đồng thời xây dựng các kịch bản cho các tình huống có thể xảy ra trong bối cảnh COVID-19 và hướng xử trí cho từng tình huống. Bên cạnh việc ban hành văn bản hướng dẫn, việc tập huấn trực tuyến cho CDC các tỉnh/thành phố thực hiện đáp ứng nhanh khi các tình huống có thể xảy ra đã được thực hiện.
Thứ hai, Cục Phòng, chống HIV đã thành lập nhóm đáp ứng nhanh trong cung cấp thuốc ARV điều trị người nhiễm với phương châm không để người nhiễm HIV nào bị dừng thuốc vì tác động của COVID-19. Thường trực của nhóm đặt tại Cục Phòng, chống HIV/AIDS, với sự tham gia của các bộ thuộc Cục Phòng, chống HIV/AIDS, các dự án, CDC các tỉnh/thành phố, bệnh viện trung ương, đại diện mạng lưới người sống chung với HIV, doanh nghiệp xã hội. Mạng lưới này đã kết nối các cơ sở điều trị có người nhiễm HIV chịu tác động của dịch COVID-19 với đại diện người số chung với HIV, các cơ quan quản lý…. Mạng lưới hoạt động rất hiệu quả, hỗ trợ trực tiếp cho từng người bệnh khi họ không thể đến được cơ sở điều trị để lĩnh thuốc. Danh sách cán bộ hỗ trợ, điện thoại liên hệ của các cán bộ hỗ trợ và của gần 500 cơ sở điều trị trên toàn quốc được đăng tải trên trang web của Cục Phòng, chống HIV/AIDS nhằm hỗ trợ cho người nhiễm nhanh nhất có thể.
Thứ ba, huy động nguồn thuốc ARV viện trợ để cung cấp điều trị cho người nhiễm HIV không thể tham gia BHYT nhằm đáp ứng khẩn cấp nhu cầu điều trị thuốc ARV của người bệnh.
Thứ tư, Phòng, chống HIV/AIDS có văn bản gửi CDC các tỉnh thành phố khẩn trương rà soát tình hình, mua thẻ và hỗ trợ người nhiễm HIV mua thẻ BHYT khi họ bị gián đoạn thẻ.
Thứ năm, về phía địa phương, các đơn vị đã thực hiện rất nghiêm túc hướng dẫn của Bộ Y tế như cấp thuốc nhiều tháng, tiếp nhận, phát thuốc cho người bệnh đang điều trị tại cơ sở y tế khác, cấp ARV qua đơn vị vận chuyển, nhóm tình nguyện, nhóm đồng đẳng, chuyển đến CSYT nơi họ đang điều trị nội trú/cách ly, kể cả NVYT trực tiếp chuyển thuốc. CDC một số tỉnh, thành phố chủ động lựa chọn phương án để chuyển thuốc cho người bệnh: cấp giấy đi đường cho nhân viên tiếp cận cộng đồng, xét nghiệm Covid 3 ngày/lần cho nhóm này để đảm bảo họ đủ điều kiện tham gia gia thông chuyển thuốc cho người bệnh.
Có gì mới trong triển khai công tác điều trị HIV/AIDS trong bối cảnh dịch Covid?
•    Tiếp tục tối ưu hoá phác đồ điều tri thuốc ARV cho người bệnh, lựa chọn thuốc ARV có khả năng ức chế vi rút cao, ít tác dụng phụ, giảm số lượng viên thuốc, giảm số lần uống.
•    Chuyển phần lớn người nhiễm HIV sang sử dụng thuốc ARV nguồn Quỹ BHYT để đảm bảo người bệnh được duy trì điều trị thuốc ARV liên tục khi không còn nguồn thuốc viện trợ miễn phí.
•    Điều trị thuốc ARV sớm cho người nhiễm mới phát hiện (điều trị trong ngày).
•    Cấp thuốc ARV tối đa 90 ngày cho người bệnh ổn định.
•    Mở rộng quản lý điều trị bệnh đồng nhiễm như đồng nhiễm HIV/lao, đồng nhiềm HIV/Viêm gan C, bệnh không lây nhiễm ở người nhiễm HIV nhằm giảm tử vong ở người nhiễm HIV.