CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin hoạt động của Cục > Dịch HIV/AIDS có gì thay đổi trong năm 2021

Thứ Ba, 24/12/2024 | 19:16:51 GMT+7

Dịch HIV/AIDS có gì thay đổi trong năm 2021

14/11/2021 | 47486 lượt xem | Bích phượng

Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là kết thúc năm 2021, một năm dịch Covid 19 tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống xã hội trong đó có cả chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Vậy dịch HIV/AIDS có gì thay đổi trong năm 2021?

Tình hình dịch HIV trên thế giới
Năm 2021 đánh dấu 40 năm kể từ khi 5 trường hợp đầu tiên trên thế giới được báo cáo chính thức bị mắc bệnh suy giảm miễn dịch mắc phải mà sau này được gọi là AIDS.  Theo báo cáo của UNAIDS, tính đến năm 2020, số người nhiễm HIV trên thế giới hiện đang sống chung với HIV là khoảng 37,7 triệu người, trong đó có khoảng 1,8 triệu là trẻ em dưới 15 tuổi. Trong năm 2020, cả thế giới phát hiện mới 1,5 triệu người nhiễm HIV, trong đó có khoảng 150.000 trẻ em nhiễm HIV. Trong năm có khoảng 680.000 người nhiễm HIV tử vong. Kể từ đầu vụ dịch đến nay cũng đã có tới khoảng 38 triệu người chết do HIV. Mặc dù gánh nặng của dịch HIV tiếp tục thay đổi đáng kể giữa các quốc gia và khu vực. Khu vực châu Phi vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, cứ 25 người trưởng thành thì có gần 1 người (3,6%) sống chung với HIV và chiếm hơn 2/3 số người nhiễm HIV trên toàn thế giới.
Nhóm quần thể chính nhiễm HIV năm 2020 là người bán dâm và khách hàng của họ, những người nam quan hệ tình dục đồng giới, người tiêm chích ma túy, người chuyển giới và bạn tình của họ chiếm 65% số ca nhiễm HIV trên toàn cầu. Cũng theo UNAIDS, nguy cơ nhiễm HIV ở những người tiêm chích ma tuý cao hơn 35 lần; đối với phụ nữ chuyển giới cao hơn 34 lần; cao gấp 26 lần đối với người bán dâm và cao hơn 25 lần ở nhóm đồng tính nam và nam quan hệ tình dục đồng giới khác khi so sánh với quần thể người dân nói chung.
Tình hình dịch HIV tại Việt Nam
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, số người nhiễm HIV hiện đang còn sống được báo cáo đến thời điểm 30/9/2021 là 212.769 trường hợp. Số người nhiễm HIV tử vong lũy tích tính từ đầu vụ dịch đến nay là 108.849 trường hợp. Trong năm 2021, các tỉnh tiếp tục rà soát các trường hợp nhiễm HIV chưa tham gia điều trị để tư vấn điều trị, trong quá trình rà soát phát hiện nhiều trường hợp tử vong chưa được báo cáo và cũng trong quá trình rà soát có một số trùng lặp và đã được  loại bỏ.
Cũng theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, trong 10 tháng đầu năm 2021 tới nay cả nước ghi nhận 10.925 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV có 84,8% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 16 - 29 (46%) và 30 - 39 (29%), đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (79,1%) và qua đường máu (9,9%). Cũng từ đầu năm 2021 tới nay ghi nhận 1.528 trường hợp tử vong. Ước tính đến hết năm 2021, cả nước phát hiện khoảng 13.000 trường hợp HIV dương tính và 2000 trường hợp tử vong. Như vậy so với năm 2020 số người nhiễm HIV được phát hiện có xu hướng gia tăng mặc dù dịch covid 19 đã ảnh hưởng đến việc tiếp cận xét nghiệm HIV của các quần thể có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.
 
Tự xét nghiệm HIV
Lây truyền qua đường quan hệ tình dục không an toàn tiếp tục là đường lây chính trong lây nhiễm HIV và tỷ lệ này ngày càng tăng (từ 65,1% vào năm 2019 tăng lên 75,8 vào năm 2020 và hiện tại là 79,1%). Đáng chú ý, tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao giảm nhưng tỷ lệ này trong nhóm MSM đang có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây. Theo số liệu giám sát trọng điểm HIV, năm 2014 tỷ lệ nhiễm HIV trung bình tại 8 tỉnh/thành phố là 6,7%, năm 2017 triển khai GSTĐ tại 9 tỉnh/thành phố tỷ lệ hiện nhiễm trung bình là 12,2%, tỷ lệ này năm 2020 là 13,3%. Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay.