CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin hoạt động của Cục > Điện Biên triển khai thí điểm Đề án cấp thuốc Methadone ...

Thứ Bảy, 05/10/2024 | 22:39:15 GMT+7

Điện Biên triển khai thí điểm Đề án cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế

06/04/2021 | 1170 lượt xem

Ngày 05/4, tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên, Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế phối hợp cùng Sở Y tế Điện Biên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đơn vị có liên quan tổ chức sự kiện triển khai thí điểm Đề án cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

Tham dự sự kiện có Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Ông Lường Văn Kiên, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên; cùng đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật Điện Biên; Đại diện Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI)… Tham dự sự kiện còn có sự tham gia của hơn 40 đại biểu là đại diện người nghiện các chất dạng thuốc phiện đang điều trị Methadone, đại diện mạng lưới người nhiễm HIV; người sử dụng ma túy, tổ chức dựa vào cộng đồng hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn cùng đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và thường trú, báo chí tại Điện Biên.

 
Phát biểu tại sự kiện, Phó Cục trưởng Hoàng Đình Cảnh đánh giá cao sự vào cuộc của Tỉnh Điện Biên trong việc triển khai đề án thí điểm này, đồng thời đề nghị các cấp Ủy Đảng, chính quyền, quan tâm chỉ đạo đặc biệt là công tác phối hợp liên ngành giữa ngành Y tế, công an và lao động thương binh xã hội để việc thí điểm được triển khai thuận lợi; Với ngành y tế cần tăng cường công tác truyền thông về lợi ích của việc cấp thuốc nhiều ngày, các tiêu chí để được cấp thuốc nhiều ngày, tạo điều kiện cho tất cả những người có đủ các tiêu chí được tham gia cũng như có các biện pháp nhằm tăng cường tuân thủ các quy định của Bộ Y tế đối với người bệnh tham gia chương trình thí điểm này; những người nghiện các chất dạng thuốc phiện hãy tin tưởng, kiên trì tham gia điều trị lâu dài bằng Methadone, phấn đấu để đủ điều kiện tham gia chương trình cấp thuốc Methadone nhiều ngày. Với những người đã được tham gia chương trình cấp thuốc nhiều ngày, cần tiếp tục tuân thủ điều trị và tuân thủ các quy định của ngành y tế để tham gia chương trình lâu dài vì cho đến nay Methadone vẫn được các Tổ chức quốc tế coi là tiêu chuẩn vàng trong điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện.
TS Hoàng Đình Cảnh cũng gửi lời cảm ơn tới các tổ chức như UNODC; UNAIDS; WHO; Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét; SCDI, đại học Y Hà Nội và các đối tác khác đã hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật trong quá trình chuẩn bị cũng như triển khai Đề án thí điểm này.

Điện Biên được lựa chọn là tỉnh triển khai thí điểm vì đáp ứng đủ các tiêu chí để lựa chọn tỉnh tham gia thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày. Điện Biên là tỉnh miền núi phía Bắc, địa bàn rộng và đi lại khó khăn, nhiều người bệnh phải đi hàng chục ki lô mét mới đến cơ sở điều trị để uống thuốc hàng ngày. Các điểm cấp phát thuốc Methadone đã được triển khai tại một số tại trạm y tế xã nhưng vẫn không đáp ứng được cho những người bệnh vì các làng, bản quá xa và đường đi đến cơ sở điều trị, cấp phát thuốc miền núi rất khó khăn. Đồng thời, đây cũng là tỉnh rất tích cực và đạt được nhiều kết quả tốt trong việc triển khai điều trị Methadone trong những năm qua.
 
Ông Lường Văn Kiên, Phó Giám đốc Sở Y tế Điện Biên phát biểu thể hiện sự cam kết của Điện Biên trong triển khai thí điểm hoạt động cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày
 
Đại diện bệnh nhân nhận thuốc mang về chia sẻ tại Sự kiện
 
Lãnh đạo Cục và các vị lãnh đạo trao túi đựng thuốc về nhà cho các bệnh nhân tại buổi Lễ

Nghiện ma túy nói chung và nghiện các chất phiện nói riêng hiện được coi là bệnh mạn tính của não bộ, chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị, các giải pháp cai nghiện hiệu quả không cao, tỷ lệ tái nghiện trên 90%. Trên thế giới, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đang được coi là giải pháp ưu việt nhất, đã được triển khai từ năm 1965 và mở rộng ra trên 80 quốc gia.
Tại Việt Nam, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã được triển khai từ năm 2008. Tính đến nay cả nước có hơn 52.000 người bệnh đang được điều trị Methadone ở hơn 330 cơ sở điều trị tại 63 tỉnh/thành phố.
Hiệu quả của điều trị bằng thuốc Methadone đã được chứng minh bởi nhiều nghiên cứu và kết quả triển khai tại nhiều nước trên thế giới, cải thiện cả về sức khỏe (giảm lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu, nâng cao thể lực), cải thiện về an ninh, trật tự xã hội, phát triển kinh tế của gia đình, phục hồi về thể chất và tinh thần. Điều trị Methadone cũng đã giúp nhiều người bệnh có cuộc sống ổn định hơn, kiếm được công ăn việc làm.
Trong nhiều năm qua, đã có nhiều giải pháp để mở rộng và tăng số người tiếp cận chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone như giảm các điều kiện và thủ tục tham gia chương trình, thành lập các điểm cấp phát thuốc Methadone tại trạm y tế xã cho những người bệnh ổn định và tuân thủ điều trị tốt như là biện pháp khuyến khích người bệnh duy trì và thay đổi hành vi tích cực trong quá trình điều trị. Tuy vậy tổng số người bệnh tham gia điều trị không tăng lên. Do vậy, song song với các giải pháp mở rộng sự tiếp cận của chương trình, các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng điều trị thì việc cho người bệnh tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được phép mang thuốc Methadone về sử dụng để giảm thời gian đi lại, giảm các chi phí liên quan đến đi lại, tạo điều kiện cho người bệnh được tiếp cận và tuân thủ điều trị và điều trị liên tục, từ đó giúp cải thiện việc điều trị cho người bệnh.
Hiện nay, nhiều quốc gia trong khu vực (Thái Lan, Trung Quốc, Myanma, Singapore, Malaysia, Indonesia...) và trên thế giới (Mỹ, Úc, NewZeland...) đã và đang triển khai cấp phát thuốc Methadone cho người bệnh mang về áp dụng theo khung hướng dẫn chung của Văn phòng Liên Hiệp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tuy nhiên, tùy thuộc vào đặc thù của từng quốc gia mà mỗi nước lại có những quy định cụ thể riêng biệt. Việc kê thuốc cho bệnh nhân mang về uống được người bệnh rất hài lòng do đáp ứng được mong đợi của người bệnh.

Một số hình ảnh tại sự kiện
 
Các đại biểu tham dự tại sự kiện
 
Ths. Cao Kim Thoa, Phó trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV chia sẻ kế hoạch triển khai đề an thí điểm tại Lễ khởi động
 
Bệnh nhân uống thuốc Methadone tại cơ sở
 
Cán bộ Cục Phòng, chống HIV/AIDS hướng dẫn các sử dụng Túi đựng thuốc mang về