Thực hiện kế hoạch hoạt động năm 2023, ngày 8 tháng 8 năm 2023, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương đã có buổi làm việc với tỉnh Bình Định về kết quả 02 năm thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 06/7/2021 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Tham dự đoàn công tác có đồng chí Bùi Ngọc Quý, Vụ trưởng Vụ Xã hội; PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cùng các đồng chí đại diện Lãnh đạo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội; Văn phòng Chính phủ; Cục Y tế, Bộ Công an cùng đại diện các đơn vị chuyên môn thuộc Cục Phòng, chống HIV/AIDS và Vụ Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương.
Về phía tỉnh Bình Định tiếp đoàn có đồng chí Hồ Xuân Ánh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Đại diện Lãnh đạo các Sở, Ban ngành: Sở Y tế; Tài chính; Công an; Tỉnh Đoàn; Hội Liên hiệp phụ nữ; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; Bệnh viện đa khoa tỉnh; Văn phòng Tỉnh ủy; Hội đồng nhân dân tỉnh.
Thay mặt Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định, đồng chí Nguyễn Huỳnh Huyện - Phó trưởng Ban Tuyên giáo đã báo cáo với đoàn công tác về kết quả sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 06/7/2021 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030: Sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức triển khai, quán triệt nội dung Chỉ thị cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh; chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức phổ biến, tuyên truyền sâu rộng nội dung Chỉ thị số 07-CT/TW, và các văn bản về công tác phòng, chống HIV/AIDS đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Huỳnh Huyện - Phó trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Bình Định báo cáo với đoàn làm việc
Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các ngành, hội, đoàn thể đã tổ chức hội nghị nghiên cứu, quán triệt Chỉ thị số 07-CT/TW. Chỉ đạo các tổ chức Cơ sở đảng tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân thông qua các cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; phổ biến trong sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, các buổi nói chuyện chuyên đề, trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thường trực tỉnh ủy đã có Thông báo số 588-TB/TU ngày 12/7/2022 của Tỉnh ủy về ý kiến chỉ đạo của Thường tực Tỉnh ủy (thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 06/7/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030”); chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện. Đồng thời chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương, đơn vị. Đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về phòng, chống HIV/AIDS gắn với phòng, chống các tệ nạn xã hội vào tiêu chí xây dựng thôn, khối phố văn hóa, gia đình văn hóa, tạo sự nhất quán trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành.
Ban Tuyên giáo tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn số 21-HD/BTGTU ngày 13/10/2021 về thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Ban Bí thư về “Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030”. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 2623/QĐ-UBND ngày 16/8/2022 Về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 06/7/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030 của tỉnh Bình Định.
Với sự lãnh đạo sát sao của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, do vậy công tác phòng, chống HIV/AIDS 2 năm qua của tỉnh Bình Định cũng đã đạt nhiều kết quả tích cực: Các chỉ tiêu và nội dung phòng, chống HIV/AIDS đã được lồng ghép vào Nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương bao gồm cả trong tiêu chí đánh giá hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, đảng viên; Việc đầu tư nguồn ngân sách địa phương cho công tác phòng, chống HIV/AIDS cũng được tỉnh quan tâm.
Bên cạnh kinh phí đầu tư cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, việc đầu tư ngân sách mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, viên chức phụ trách công tác phòng, chống HIV/AIDS các cấp cũng được quan tâm. Đảm bảo các điều kiện cần thiết cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; góp phần vào kết quả thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW trên địa bàn toàn tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đã ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí đóng 100% tiền mua bảo hiểm y tế cho đối tượng là người nhiễm HIV có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức bộ máy phụ trách công tác phòng, chống HIV/AIDS được các cấp ủy, chính quyền quan tâm củng cố, kiện toàn. Công tác phối hợp liên ngành thực hiện phòng, chống HIV/AIDS cũng được đẩy mạnh. Công tác kiểm tra, giám sát, triển khai thực hiện Chỉ thị 07-CT/TW cũng đã được Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện.
Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: HIV/AIDS vẫn là dịch toàn cầu và vẫn đang được các quốc gia nói chung và Đảng và nhà nước Việt Nam rất quan tâm. Ban Bí thư đã ba lần ban hành Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS mà gần đây nhất là Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Ban Bí thư về “Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030”. Việt Nam cũng đã có Luật về phòng, chống HIV/AIDS ban hành năm 2006 và được sửa đổi năm 2020. Chính phủ Việt Nam cũng đã ba lần ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và gần đây nhất là Chiến lược quốc gia kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 được ban hành vào năm 2020.
PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS tại buổi làm việc tại Bình Định
Với sự nỗ lực của các cơ quan từ trung ương đến địa phương, các can thiệp và dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đã liên tục được cập nhật cùng các tiến bộ khoa học của thế giới và cùng mở rộng độ bao phủ từ truyền thông, tiếp cận cộng đồng, cung cấp các biện pháp can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV như bơm kim tiêm sạch, bao cao su, chất bôi trơn, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone cho đến điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP); Tư vấn và xét nghiệm HIV tại cộng đồng; Điều trị HIV/AIDS bằng thuốc kháng HIV…Do vậy người có hành vi nguy cơ cao và người nhiễm HIV đã dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ can thiệp dự phòng và điều trị HIV/AIDS.
Mặc dù thời gian qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đã đạt được rất nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên nguy cơ dịch HIV bùng phát trở lại vẫn là một thực tế có thể xảy ra nhất là khi nguy lây nhiễm HIV qua các hành vi không an toàn của nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đặc biệt là nhóm MSM trẻ như học sinh, sinh viên, công nhân trẻ trong các khu công nghiệp mà được phát hiện trong thời gian gần đây. Một nguy cơ lây nhiễm HIV mới nổi trong thời gian gần đây là việc sử dụng ma túy tổng hợp có xu hướng gia tăng trong thanh niên và kết hợp sử dụng chất trong quan hệ tình dục (chemsex) của nhóm MSM.
PGS.TS. Phan Thị Thu Hương cũng đề nghị các cấp lãnh đạo tỉnh Bình Định trong thời gian tới cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát công tác phòng, chống HIV/AIDS thì tăng cường các hoạt động truyền thông trên các kênh sẵn có của tỉnh cũng như tại cộng đồng. Tỉnh Bình Định cũng cần tăng cường giám sát dịch HIV để kịp thời phát hiện sự thay đổi xu hướng của dịch HIV; mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV. Bình Định cũng cần có giải pháp để tổ chức xét nghiệm tải lượng vi rút và có chính sách hỗ trợ phần đồng chi trả xét nghiệm tải lượng vi rút cho người bệnh. Ngoài ra cần huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Đồng chí Bùi Ngọc Quý, Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận buổi làm việc tại Bình Định
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Ngọc Quý, Vụ trưởng Vụ Xã hội đề nghị với Tỉnh ủy và các cấp ủy của tỉnh Bình Định, chính quyền các cấp trong thời gian tới cần tiếp tục quán triệt và nỗ lực tổ chức thực hiện Chỉ thị số 07; Tiếp tục tập trung nâng cao nhận thức cho các cấp Ủy các cấp về công tác phòng, chống HIV/AIDS với mục tiêu tiến tới chấm dứt dịch HIV vào năm 2030.
Đồng chí Bùi Ngọc Quý cũng nhấn mạnh: Công tác phòng, chống HIV/AIDS là công tác liên ngành, do vậy các cấp Ủy cần huy động sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội vào công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tỉnh cũng cần chủ động bố trí ngân sách địa phương để đảm bảo có đầy đủ kinh phí cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, đồng thời đề nghị trung ương tìm kiếm nguồn lực từ các tổ chức quốc tế để hỗ trợ tỉnh Bình Định triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS. Bình Định cần tiếp tục huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, khu vực tư nhân vào công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tỉnh cũng cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và có chính sách đãi ngộ cho các cán bộ tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Buổi chiều cùng ngày, đoàn cũng đến thăm và làm việc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định.
Toàn cảnh buổi làm việc