CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin hoạt động của Cục > Dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho nam quan hệ tình dục đồng ...

Chủ Nhật, 08/09/2024 | 23:18:17 GMT+7

Dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho nam quan hệ tình dục đồng giới

18/11/2021 | 4548 lượt xem | Nguyễn Vũ Quốc Long

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo sử dụng thuốc kháng HIV để điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) như một biện pháp dự phòng bổ sung trong gói dự phòng tổng thể cho những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.

Tình hình nhiễm HIV trong nhóm MSM
Theo kết quả GSTĐ, tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM tăng nhanh trong vài năm trở lại đây từ 5.1% năm 2015 lên 12,2% năm 2017 và lên tới 13,3% năm 2020.  Năm 2020, Cần Thơ có tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM cao nhất lên tới 22,7%, tiếp đó là Hồ Chí Minh và Kiên Giang là 14,7%, An Giang là 13,5% và Khánh Hòa 12%. Ước tính tỷ lệ nhiễm HIV mới hàng năm trong nhóm MSM tăng gấp 4 lần (0,62% năm 2012 lên 2.5% năm 2020).
Tỷ lệ nhiễm giang mai trong nhóm MSM cũng tăng nhanh từ 2,6% năm 2015 lên 9,3% năm 2017 và 12,5% năm 2020

Biểu đồ 1: Tỷ lệ nhiễm HIV và Giang mai trong nhóm MSM (Nguồn: GSTĐ-VAAC))

Kết quả phân tích số liệu giám sát trọng điểm về các chỉ số hành vi của nhóm MSM cho thấy: Tỷ lệ sử dụng bao cao su (BCS) trong lần quan hệ tình dục (QHTD) đồng giới gần nhất chỉ khoảng 65% trong 5 năm gần đây; tỷ lệ QHTD tập thể tăng từ 8% năm 2015 lên 13,5% năm 2020; tỷ lệ đã từng dùng ma túy và tiêm chích ma túy năm 2020 lần lượt là 11,6% và 2,9%.
Về các chỉ số tiếp cận chương trình dự phòng của nhóm MSM: tỷ lệ được xét nghiệm HIV tăng từ 60,1% năm 2015 lên 77,2% năm 2020; khám STIs trong vòng 3 tháng qua cũng tăng từ 14,0% năm 2015 lên 24,5% năm 2020; tỷ lệ có thẻ BHYT cũng tăng từ 67,4% năm 2017 lên 79,2% năm 2020; tỷ lệ nhận được BCS miễn phí và chất bôi trơn miễn phí trong 6 tháng cũng tăng từ 21% năm 2015 lên 42% năm 2020.
Các can thiệp dự phòng đang triển khai cho nhóm MSM trong bối cảnh Covid-19
Hầu hết các hoạt động trực tiếp chuyển sang trực tuyến; các thuốc điều trị được cấp phát nhiều ngày, nhiều tháng hơn. Tăng cường các mô hình ở cộng đồng do cộng đồng tổ chức dưới nhiều hình thức đa dạng: online, lưu động hoặc tự xét nghiệm. Đồng thời, tại các cơ sở cung cấp dịch vụ đảm bảo đầy đủ khẩu trang, nước rửa tay và máy đo thân nhiệt để giảm nguy cơ lây nhiễm covid cho người sử dụng dịch vụ và đảm bảo hoạt động tại các CSYT diễn ra bình thường.
Về truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS cho nhóm MSM: Sử dụng đa kênh: trực tiếp, truyền thông nhóm, đặc biệt là sử dụng các trang xã hội (các nhóm trên facebook đặc biệt là các nhóm kín: livestream, video hoặc các bài viết), các trang web của cộng đồng hay trang cá nhân của những người có ảnh hưởng trong cộng đồng. Lồng ghép trong các sự kiện cộng đồng kết hợp với các nhóm CBOs, phòng khám để truyền thông.
Tư vấn và xét nghiệm HIV: Tăng cường và đa dạng hóa các hình thức xét nghiệm HIV: do các nhóm cộng đồng thực hiện, các phòng khám tư nhân, đặc biệt là hoạt động tự xét nghiệm HIV trong bối cảnh covid mọi người hạn chế tới các cơ sở y tế hoặc tập trung đông người (nhận test qua thư/ chuyển phát nhanh).
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm và điều trị ARV cho MSM nhiễm HIV:  Duy trì và mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) và thuốc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV trong vòng 72 giờ (PEP) và khách hàng có thể được cấp phát lên tới 3 tháng. Duy trì và mở rộng việc cấp thuốc điều trị ARV từ 30 ngày lên tới 60 ngày hoặc 90 ngày tùy từng địa phương.
Can thiệp giảm hại:  Cung ứng BCS và chất bôi trơn: chuyển từ cấp phát trực tiếp sang qua thư/ chuyển phát nhanh. Can thiệp cho MSM sử dụng hoặc nghiện ma túy: Methadone cũng được cấp phát nhiều ngày thay vì bệnh nhân tới cơ sở uống hằng ngày.
Dịch vụ y tế khác: Triển khai hệ thống khám bệnh từ xa hoặc lấy mẫu tại nhà giúp cho khách hàng tiếp cận được với các chương trình y tế.
Dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho nam quan hệ tình dục đồng giới  
Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, nhóm khách hàng sử dụng PreP hiện nay khá đa dạng. Tuy nhiên chủ yếu (tới 80%) khách hàng sử dụng PrEP là MSM.
 
Biểu đồ 2: Phân bố khách hàng sử dụng PrEP theo nhóm đối tượng, tuổi và giới (Nguồn: VAAC)
Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, nhóm khách hàng sử dụng PreP hiện nay khá đa dạng. Tuy nhiên chủ yếu (tới 80%) khách hàng sử dụng PrEP là MSM. Qua đó có thể thấy MSM là nhóm khách hàng chính và là nhóm thích hợp nhất để áp dụng dự phòng trước phơi nhiễm HIV hiện nay. Một vấn đề nữa hiện nay nhóm MSM là nhóm khách hàng duy nhất có thể linh hoạt chuyển đổi phác đồ từ sử dụng PrEP sử dụng hàng ngày (tức uống thuốc liên tục hàng ngày) sang phác đồ sử dụng PrEP theo tình huống (khi nào có nguy cơ nhiễm HIV qua quan hệ tình dục mới sử dụng – thường áp dụng cho những MSM có tần suất quan hệ tình dục dưới 2 lần/tuần) và ngược lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế.