CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin hoạt động của Cục > Gặp mặt phóng viên báo chí Nhân Tháng hành động quốc gia ...

Thứ Ba, 21/01/2025 | 05:22:37 GMT+7

Gặp mặt phóng viên báo chí Nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024

18/11/2024 | 600 lượt xem | Khiếu Minh

Ngày 18/11, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức gặp mặt phóng viên báo chí nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (10/11 - 10/12/2024).
 

Cuộc gặp mặt có sự tham dự của PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS; Ths. Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS; Ông Raman Hailevich, Giám đốc Quốc gia UNAIDS tại Việt Nam; và đại diện các Phòng thuộc Cục cùng hơn 60 phóng viên các đơn vị báo chí Trung ương và Hà Nội.


Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, trong những năm gần đây, hình thái lây nhiễm HIV tại Việt Nam thay đổi rõ rệt từ lây truyền qua đường máu ở nhóm nghiện chích ma túy sang lây truyền qua đường tình dục. Bên cạnh đó, HIV/AIDS đang có diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng nhiễm nhiều nhất ở nhóm thanh thiếu niên trẻ, nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới).
Trong số ca nhiễm HIV mới, có đến gần 70% tập trung ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Đông Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh và có đến gần 40% số nhiễm mới ở lứa tuổi 15-25, xuất hiện trong nhóm người trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường.
Ngoài ra, xu hướng lây nhiễm ở các tỉnh không phải trọng điểm cũng bắt đầu gia tăng, kèm theo các hành vi nguy cơ phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, "chemsex," và quan hệ tình dục tập thể. Điều này không chỉ làm lây nhiễm HIV mà còn lây truyền các bệnh qua đường tình dục, viêm gan B, C… làm tăng gánh nặng cho ngành y tế.
Trước bối cảnh này, Việt Nam đã nỗ lực triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, như đã thực hiện hơn 2 triệu lượt xét nghiệm HIV, quản lý điều trị ARV cho hơn 176.000 bệnh nhân, duy trì hiệu quả điều trị methadone cho hơn 46.500 người.
Các sáng kiến như cấp phát methadone nhiều ngày và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) được mở rộng, đảm bảo tiếp cận đa dạng các nhóm nguy cơ. Việc chuyển đổi số trong quản lý dịch đã đạt kết quả tích cực với hệ thống HIV-INFO và HMED triển khai trên toàn quốc.


 


Ông Raman Hailevich, Giám đốc Quốc gia UNAIDS tại Việt Nam đánh giá cao những thành quả mà Việt Nam đã đạt được trong những năm qua. Ông cũng cho biết, số nhiễm mới HIV ở Việt Nam đã giảm khoảng 60% kể từ năm 2010. Mức giảm này không những vượt xa mức giảm trung bình của khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà còn cao hơn nhiều so với mức giảm 39% của thế giới.

 
ThS. BS. Nguyễn Quỳnh Mai, Phó trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV báo cáo tại cuộc họp

Thành tựu này cho thấy tác động tích cực của việc đầu tư cả cho dự phòng và điều trị HIV của Việt Nam trong nhiều năm qua. Đây cũng là kết quả của sự quyết tâm và hành động mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tiếp nhận và nhanh chóng triển khai những sáng kiến mới, như việc áp dụng tất cả các chiến lược xét nghiệm HIV hiện có, mở rộng liệu pháp điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP và chiến lược Không phát hiện = Không lây truyền...
Việt Nam cũng liên tục củng cố khung pháp lý về HIV nhằm bảo vệ tốt hơn những người sống chung với HIV và người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV, đảm bảo quyền của người dân Việt Nam được tiếp cận các dịch vụ HIV thiết yếu.
Tại buổi gặp mặt, Ths Bùi Hoàng Đức, Phó Trưởng Phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Tính đến tháng 10/2024, số ca nhiễm HIV trên toàn quốc ước tính là 267.391 trường hợp; riêng trong 9 tháng năm 2024, đã có 11.421 trường hợp phát hiện mới. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV đầu năm đến nay có 82,9% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 15 - 29 (40%) và 30 - 39 (27,3%), đối tượng chiếm tỷ lệ cao nhất là nam quan hệ tình dục đồng giới (42,2%). 
Trong mục tiêu 95-95-95, Việt Nam đã đạt: 87 % người biết tình trạng nhiễm HIV - 79 % người biết tình trạng nhiễm HIV được điều trị ARV - 95 % người được điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế.
Với chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” mà Việt Nam lựa chọn trong năm 2024 có ý nghĩa quan trọng, nhằm nhấn mạnh vai trò của quyền được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Việc chăm sóc y tế lấy con người làm trung tâm, tùy vào nhu cầu, hoàn cảnh của mỗi người, để giúp họ có thể tiếp cận dịch vụ y tế hay dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách dễ dàng nhất sẽ giúp thế giới đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.

Toàn cảnh buổi họp báo