CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Hỏi đáp > HIV/AIDS - những điều bạn cần biết > Giải pháp giảm tác động tiêu cực của HIV/AIDS đến phát ...

Chủ Nhật, 22/12/2024 | 08:40:58 GMT+7

Giải pháp giảm tác động tiêu cực của HIV/AIDS đến phát triển kinh tế - xã hội

01/12/2023 | 1217 lượt xem | Nguyễn Phương Hà

Số người nhiễm mới HIV gia tăng trong giới trẻ, đặc biệt trong độ tuổi lao động làm ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế gia đình và sự phát triển kinh tế, xã hội.
 

Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tính đến hết tháng 6/2023, cả nước có 228.497 người nhiễm HIV/AIDS còn sống. Trong 6 tháng đầu năm phát hiện nhiễm mới 6.790 trường hợp, tử vong 681 trường hợp. Đáng lưu ý, trong số người nhiễm HIV/AIDS mới, có 21% là công nhân lao động và tình trạng lây truyền HIV/AIDS tăng nhanh trong giới trẻ, tuổi từ 16 - 29, nhất là tại các khu công nghiệp ở nhiều tỉnh, thành phố lớn gây những ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế, xã hội nói chung.
Các chuyên gia cho rằng, số người nhiễm HIV trong độ tuổi lao động gia tăng làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, ảnh hưởng đến hệ thống y tế, làm giảm tuổi thọ trung bình. Cụ thể, gia tăng số người nhiễm HIV trong độ tuổi lao động sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của từng gia đình, cộng đồng. Từ đó, chi phí, gánh nặng cho công tác phòng chống AIDS cũng sẽ gia tăng, tốn kém.
Lây nhiễm HIV gia tăng dẫn đến gia tăng tình trạng phân biệt đối xử. Cuộc sống của gia đình có người bị nhiễm HIV hoặc bệnh AIDS sẽ trở nên căng thẳng, xuất hiện nhiều mâu thuẫn và dần tiến tới sự mất ổn định trong cuộc sống.
 
Tư vấn điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV trong độ tuổi lao động. Ảnh: Thùy Chi
Đối với hệ thống y tế, phần nhiều hệ thống y tế bị quá tải, phát sinh các nguy cơ lây nhiễm HIV trong môi trường y tế. Thuốc đặc trị không có nhưng vẫn phải tiến hành việc điều trị cho các bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS dẫn đến chi phí cho điều trị lớn nhưng không đạt hiệu quả, bệnh nhân vẫn tử vong.
Nếu không kiểm soát tốt tình trạng lây nhiễm HIV, làm gia tăng số người nhiễm HIV trong cộng đồng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, từ đó HIV làm giảm tuổi thọ trung bình, làm nảy sinh các vấn đề về trẻ mồ côi, bảo tồn nòi giống.
TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho biết, gia đình có người nhiễm HIV thường bị sa sút nghiêm trọng. Trong số những người hiện đang sống chung với HIV ở nước ta phần lớn còn đang ở trong độ tuổi lao động, nhiều người lại là trụ cột của gia đình. Khi người trụ cột tử vong do AIDS thì chắc chắn đó là tổn thất rất lớn về kinh tế cho gia đình.
Người nhiễm HIV thường khó duy trì được công việc vốn có trước khi bị nhiễm do sức khỏe giảm sút hoặc vì họ bị kỳ thị tại nơi làm việc. Họ thường bị mất việc hoặc bi chuyển sang công việc khác không phù hợp dẫn đến mất hoặc giảm thu nhập.
Khi người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS thì một hoặc nhiều hơn một thành viên trong gia đình buộc phải nghỉ việc hoặc thay đổi công việc khác để chăm sóc người bệnh. Hơn nữa, một phần đáng kể thu nhập của gia đình phải dành cho việc điều trị người bệnh. Nếu không nhận được hỗ trợ từ cộng đồng thì gia đình đó không thể tránh khỏi tình trạng nghèo đói, không lối thoát.
Không chỉ tác động đến từng hộ gia đình. HIV còn ảnh hưởng đến an sinh của thế hệ sau, bởi HIV/AIDS còn là nguyên nhân làm gia tăng số trẻ em mồ côi. Năm 2022, trên toàn thế giới, 13,88 triệu trẻ em có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ đều chết do AIDS. Ở Việt Nam con số này là 76.420.
Khi bố hoặc mẹ, hoặc cả bố mẹ nhiễm HIV/AIDS có thể gây ra những ảnh hưởng lâu dài đến phúc lợi của các thành viên khác, đặc biệt, là trẻ em. Nhiều trẻ là con của người nhiễm HIV phải nghỉ học vì lý do tài chính hoặc để chăm sóc người thân bị bệnh, hoặc do bị kỳ thị. Điều đó đồng nghĩa với việc những đứa trẻ này phải đổi diện với một tương lai bấp bênh do không được đào tạo, không có nghề nghiệp ổn định và không có công việc mang lại thu nhập đảm bảo cuộc sống.
Ngoài ra, HIV cũng làm ảnh hưởng tiêu cực đến lực lượng lao động quốc gia. Số thống kê cho thấy, đại đa số những người nhiễm HIV/AIDS đang ở lứa tuổi 20 đến 40 là tuổi lao động tích cực. Theo Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), HIV/AIDS có tác động tiêu cực đến lực lượng lao động của các quốc gia. Người lao động nhiễm HIV do sức khỏe giảm sút sẽ khó duy trì được năng suất lao động (tốc độ làm việc giảm và thời gian nghỉ việc chữa bệnh ngày càng kéo dài) và không đảm bảo chất lượng công việc.
Đáng nói, HIV/AIDS còn cướp đi mạng sống của những công nhân lành nghề, làm giảm nguồn cung lao động có kinh nghiệm, tăng chi phí lao động do phải đào tạo lại. Một số nước châu Phi đã có những giai đoạn thiếu trầm trọng giáo viên và người lao động có tay nghề cao do tỷ lệ tử vọng vì HIV/AIDS tăng mạnh.
Từ những tác động tiêu cực trên cho thấy HIV/AIDS làm ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự phát triển kinh tế, xã hội. Theo TS. Khuất Thu Hồng, khi số người nhiễm HIV và tử vong do AIDS trong độ tuổi lao động tăng lên không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế hộ gia đình, cộng đồng và xã hội mà còn làm tăng chi phí dành cho công tác phòng chống HIV/AIDS. Điều trị cho một số lượng lớn người bệnh cũng là một gánh nặng lớn đối với hệ thống y tế vì đây là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất nhưng chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn nên thời gian điều trị phải kéo dài suốt cuộc đời người bệnh, đòi hỏi nguồn lực lớn.
Ngoài ra, HIV/AIDS còn gây chia rẽ trong xã hội do sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV bởi sự thiếu hiểu biết và tâm lý nghi kỵ, sợ hãi. Cuộc sống của người nhiễm HIV và gia đình họ nói riêng cũng như cộng đồng nói chung trở nên căng thẳng, dễ mất đoàn kểt.
HIV/AIDS còn là nguyên nhân làm giảm tuổi thọ trung bình của quốc gia, ảnh hưởng đến sức khỏe của một bộ phận dân cư, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em do tình trạng dễ bị tổn thương của hai nhóm này.
TS. Khuất Thu Hồng cho rằng, để giảm thiểu tác động tiêu cực của HIV/AIDS đến từng gia đình cũng như sự phát triển kinh tế xã hội, cần thực hiện tốt công tác phòng chống HIV/AIDS, hướng tới tầm nhìn "3 không" của Liên Hợp Quốc. Đó là, không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử với HIV/AIDS.
Bên cạnh đó, cần tăng cường xét nghiệm HIV, mở rộng can thiệp giảm hại và dự phòng lây nhiễm HIV, mở rộng, bảo đảm chất lượng điều trị HIV/AIDS để khống chế, giảm tỉ lệ nhiễm mới HIV trong cộng đồng, để giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế xã hội.