CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Hỏi đáp > HIV/AIDS - những điều bạn cần biết > Giải quyết rào cản về tiếp cận dịch vụ y tế phòng chống ...

Thứ Ba, 21/01/2025 | 05:34:48 GMT+7

Giải quyết rào cản về tiếp cận dịch vụ y tế phòng chống HIV/AIDS

13/01/2023 | 1314 lượt xem | Trung Bách

HIV/AIDS là vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng, bởi đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều rào cản về tiếp cận với các dịch vụ y tế liên quan đến công tác phòng, chống HIV/AIDS.
 

Một trong những rào cản đó là do đại dịch COVID-19 vẫn chưa chấm dứt, cùng các yếu tố như nguồn tài chính eo hẹp, quy trình cung cấp dịch vụ cho các đối tượng có nguy cơ cao còn phức tạp, tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn còn hiện hữu.
Dịch HIV vẫn diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng
Theo số liệu thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), ước tính và dự báo dịch HIV/AIDS của Việt Nam năm 2022, số người nhiễm HIV/AIDS còn sống là khoảng 242.000 người. Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay; tỉ lệ hiện nhiễm HIV tăng rõ rệt; tỉ lệ nhiễm mới HIV cao, tăng lên từng năm; MSM và nhóm chuyển giới (TG) được dự báo có thể trở thành nhóm chiếm tỉ lệ lớn nhất trong tổng số người nhiễm HIV mới được ước tính hàng năm trong thời gian tới.
Đáng chú ý, MSM là nhóm nguy cơ cao duy nhất tại Việt Nam có tỉ lệ nhiễm mới HIV tăng liên tiếp trong 20 năm qua. Về xu hướng số trường hợp nhiễm mới HIV vẫn có xu hướng giảm, nhưng tốc độ giảm chậm hơn nhiều, hiện số ca nhiễm mới HIV ước tính khoảng 5.700 người.
HIV/AIDS là vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng, bởi đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Đáng lưu ý, dịch HIV vẫn đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng nhiễm mới nhất là nhóm thanh thiếu niên trẻ.
PGS. TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho hay, những năm qua, quỹ bảo hiểm y tế là bước đột phá của chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, với 95% người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế và tăng gấp 2 lần trong vòng 5 năm. Quỹ bảo hiểm y tế đến nay trung bình chi trả 400 tỷ đồng/năm, trong đó khoảng 200 tỷ đồng cho dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và 200 tỷ đồng cho thuốc ARV từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nâng tỷ trọng của quỹ bảo hiểm y tế trong tổng chi cho HIV/AIDS tăng từ 4% lên tới 9%, chiếm tới 25% nguồn lực trong nước cho HIV.
Thực trạng tiếp cận các dịch vụ liên quan đến an sinh xã hội cho các đối tượng trên, về mặt chủ trương và chính sách, an sinh xã hội cho những người có nguy cơ nhiễm HIV và những người nhiễm HIV đã được quan tâm và đầu tư. Tuy nhiên, theo Cục trưởng Phan Thị Thu Hương, thực tế cho thấy nguồn tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn phụ thuộc tới gần 50% vào các dự án quốc tế, nhất là các hoạt động thuộc lĩnh vực dự phòng lây nhiễm HIV hiện quỹ bảo hiểm y tế không chi trả, do vậy việc cung cấp các dịch vụ dự phòng còn rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó, quá trình chuyển giao tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS trước mắt cũng vẫn còn nhiều vướng mắc.
Liên quan đến tiếp cận các dịch vụ y tế trong phòng, chống HIV/AIDS, đại diện nhóm chuyên gia của Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS cho biết, đại dịch COVID-19 xuất hiện khiến cho công tác phòng chống HIV/AIDS trở nên khó khăn hơn. Các rào cản rõ hơn trong thời gian giãn cách vì dịch bệnh COVID-19 như: Các đối tượng không được ra ngoài, không có/thiếu tiền, bị kỳ thị xã hội, thiếu thông tin về các gói dịch vụ y tế, thủ tục nhận hỗ trợ phức tạp, sức khỏe tâm thần không bảo đảm để tiếp cận các dịch vụ, không đủ dụng cụ bảo hộ y tế phòng chống COVID-19… Những cản trở này vô hình chung đã làm ảnh hưởng đến những kết quả trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Ngoài ra, việc kỳ thị, phân biệt đối xử cũng là một trong những rào cản làm ảnh hưởng đến kết quả công tác phòng, chống HIV và tiếp cận dịch vụ y tế. Bởi ở nhiều nơi trên thế giới cũng như ở nước ta hiện nay, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV vẫn còn xảy ra, với các biểu hiện công khai hoặc ngấm ngầm, thô bạo hoặc tế nhị, ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau.
Thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết không đúng, không đầy đủ về HIV/AIDS là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nhiều người vẫn cho rằng HIV/AIDS là bệnh rất dễ lây, kể cả qua tiếp xúc thông thường hoặc nhiều người lại cho rằng chỉ có những người tiêm chích ma túy hoặc người mua, bán dâm... tức là những người cho là xấu mới bị nhiễm HIV/AIDS, coi nhiễm HIV/AIDS là tệ nạn xã hội, chứ không phải là một bệnh mạn tính.
Theo các chuyên gia về phòng, chống HIV/AIDS, do sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử, người nhiễm HIV/AIDS thường giấu giếm tình trạng bệnh tật, mặc cảm, không dám tiếp xúc với cộng đồng, không hợp tác với chương trình phòng chống HIV/AIDS.
Do không tiếp cận được với người nhiễm HIV nên cũng khó có được số ca bệnh chính xác, từ đó khó ước tính và dự báo chính xác được về tình hình dịch… gây khó khăn cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Việc không kỳ thị sẽ giúp người nhiễm HIV tuân thủ tốt điều trị, sống khỏe mạnh và cống hiến cho gia đình và xã hội. Họ còn là những tuyên truyền viên tích cực, hiệu quả góp phần quan trọng vào sự thành công trong phòng, chống HIV/AIDS…
Tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong phòng, chống HIV
Chia sẻ nhận định về những khó khăn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: Nguồn tài chính cho chương trình phòng chống HIV/AIDS vẫn còn phụ thuộc tới gần 50% các dự án quốc tế, nhất là các hoạt động dự phòng lẫy nhiễm HIV hiện quỹ bảo hiểm y tế chưa chi trả. Nội dung chi và mức chi một số hoạt động đặc thù cho chương trình phòng chống HIV/AIDS đã phân cấp cho ngân sách địa phương đảm nhiệm. Tuy nhiên, nhiều địa phương còn lúng túng trong việc lập dự toán cũng như phê duyệt. Do vậy, quá trình chuyển giao tài chính cho phòng chống HIV/AIDS trước mắt còn nhiều khó khăn.