CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Hỏi đáp > HIV/AIDS - những điều bạn cần biết > Hiệu quả của điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV tại ...

Thứ Bảy, 21/12/2024 | 23:54:16 GMT+7

Hiệu quả của điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV tại Việt Nam

17/08/2021 | 2999 lượt xem | Trần Huyền

Vào năm 2017, với những bằng chứng khoa học mạnh mẽ từ những nghiên cứu được công bố, Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra khuyến cáo các quốc gia rằng Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) là biện pháp hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm HIV cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao đặc biệt với đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Điều trị PrEP là một phần của chiến lược dự phòng HIV toàn diện cho những người có nguy cơ cao nhiễm HIV.

Ngay sau đó, Bộ Y tế đã triển khai thí điểm điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV tại thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh. Sau gần hai năm triển khai thí điểm nhận thấy tính phù hợp và sự chấp nhận của cộng đồng người có nguy cơ lây nhiễm HIV. Đến nay, PrEP đã được triển khai ở giai đoạn mở rộng tại 27 tỉnh, thành phố.  Đã có 13.256 khách hàng sử dụng ít nhất 1 lần dịch vụ PrEP và 10.097 người đang tiếp trục điều trị, đạt 86,7% chỉ tiêu đã đặt ra cho năm 2020. Trong số khách hàng điều trị PrEP, có 78,6% là MSM có nguy cơ cao nhiễm HIV.
Từ 8 cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP đến nay đã có 111 cơ sở, trong đó có 28 cơ sở tư nhân (chiếm 25,2%). Tuy nhiên, số khách hàng trong các cơ sở tư nhân chiếm hơn 50%. Nhận thức về PrEP của các nhà lãnh đạo, cán bộ y tế, các tổ chức dựa vào cộng đồng, tổ chức xã hội, khách hàng có nguy cơ cao nhiễm HIV và người dân ngày càng được nâng cao.
Theo báo cáo sơ kết hai năm triển khai hoạt động này của Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho thấy, phần lớn khách hàng là nam giới, ở độ tuổi 20-34 tuổi, tuy nhiên cũng có gần 800 khách hàng ở độ tuổi rất trẻ từ 15-19 tuổi. Khách hàng chủ yếu là người nam quan hệ tình dục đồng tính nam chiếm 78,5%, kế đến là bạn tình dị nhiễm chiếm 14,3%. Trong tổng số hơn 10.000 khách hàng đã sử dụng PrEP chỉ có 8 trường hợp nhiễm HIV (chiếm 0,08%). Tìm hiểu nguyên nhân, thấy rằng có một trường hợp có gen kháng thuốc, còn lại 7 trường hợp do không tuân thủ điều trị. Điều đó cho thấy rằng, tuân thủ điều trị thì PrEP có vai trò như “vắc xin” phòng lây nhiễm HIV.


PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, “Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Theo đó đến năm 2025 có 30% và năm 2030 có 40% số MSM được tiếp cận điều trị PrEP tương ứng với khoảng 72.000 người cần được điều trị PrEP trong 5 năm tới. Để góp phần ngăn chặn dịch HIV có xu hướng tăng nhanh ở nhóm MSM và ở những người có hành vi nguy cơ cao, việc triển khai điều trị PrEP là hiệu quả, kịp thời và phù hợp trong bối cảnh hình thái dịch đang dần chuyển sang lây truyền qua đường tình dục, trên nhóm tỷ lệ nhiễm HIV mới cao trong nhóm Nam (tập trung nhóm MSM). Thời gian tới Bộ Y tế sẽ mở rộng nhanh chương trình như là một trong những can thiệp dự phòng mũi nhọn hiện nay để giảm tỷ lệ nhiễm mới HIV. Với quan điểm thay đổi cách tiếp cận truyền thống, Bộ Y tế sẽ linh hoạt tổ chức các mô hình cung cấp dịch vụ hoặc kết hợp, đa dạng hoá nhiều mô hình trong cung cấp dịch vụ điều trị PrEP để đảm bảo phù hợp với khách hàng; Chúng tôi sẽ chú trọng các giải pháp tiếp cận đối với nhóm người trẻ tuổi có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV hiện nay, đặc biệt là các MSM trẻ tuổi; Đồng thời thúc đẩy các chính sách đảm bảo bền vững khi chương trình kết thúc tài trợ cụ thể: Phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc với các doanh nghiệp dược, sinh phẩm để thúc đẩy sự sẵn có của thuốc PrEP và sinh phẩm xét nghiệm tại các địa phương với chi phí và giá thành hợp lý”.