CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin bộ, ngành TW > Hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam rất ấn tượng ...

Thứ Sáu, 26/04/2024 | 06:49:18 GMT+7

Hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam rất ấn tượng tại Khu vực Châu Á.

15/11/2022 | 772 lượt xem | Thái Bình

Đó là chia sẻ của Ông Taoufik Bakkali, Giám đốc UNAIDS khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá cao công tác phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam, nhấn mạnh tỉ lệ người trẻ nhiễm mới HIV ở Việt Nam đã giảm tới 69% trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay.

Việt Nam là một trong những quốc gia có thành tích ấn tượng nhất ở khu vực trong nỗ lực kéo giảm tỉ lệ nhiễm và tử vong do HIV/AIDS.


Đánh giá về công tác phòng, chống HIV/AIDS khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, ông Taoufik Bakkali nhận định: "Việt Nam là một trong những quốc gia có thành tích ấn tượng nhất ở khu vực trong nỗ lực kéo giảm tỉ lệ nhiễm và tử vong do HIV/AIDS. Xin chúc mừng các bạn vì kết quả này. Điều này cho thấy sự lãnh đạo mạnh mẽ, kết hợp đồng bộ và các giải pháp can thiệp hiệu quả của cơ quan quản lý".
Thống kê vào năm 2021 cho thấy, Việt Nam vẫn còn khoảng 240.000 người sống chung với HIV/AIDS. Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) kêu gọi Việt Nam tiếp tục các nỗ lực kiểm soát HIV/AIDS để hướng tới mục tiêu loại bỏ HIV/AIDS khỏi danh sách những căn bệnh đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.
Cảnh báo về tình hình dịch khu vực Đông Nam Á, đại diện UNAIDS khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, tỉ lệ nhiễm mới HIV ở thanh thiếu niên Đông Nam Á tăng đáng quan ngại. Tỉ lệ này đặc biệt tăng ở lứa tuổi từ 15 đến 24. Đây cũng là cảnh báo mới nhất từ UNAIDS.
UNAIDS cũng cảnh báo, nếu tình trạng nhiễm HIV tiếp tục gia tăng ở người trẻ, các quốc gia Đông Nam Á và cả khu vực châu Á sẽ không thể đạt mục tiêu loại bỏ HIV/AIDS vào năm 2030.
Ông Taoufik Bakkali, cho biết, 99% trường hợp lây nhiễm HIV ở người trẻ xảy ra trong nhóm người đồng tính nam, người hành nghề mại dâm và những người tiêm chích ma túy. Với mức độ dễ tổn thương như vậy, những người làm công tác xã hội cần tìm hiểu kỹ tâm lý và có cách tiếp cận phù hợp để họ có kiến thức và nguồn lực cần thiết để tự bảo vệ mình.
Thống kê của UNAIDS cũng cho thấy, trong giai đoạn từ 2010 đến năm 2020, tỉ lệ tăng số ca mắc mới HIV của người trẻ trong nhóm 15 - 24 tuổi tại Philippines lên tới 216%, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Đáng lưu ý, nguyên nhân khiến gia tăng tình trạng lây nhiễm mới HIV trong nhóm này là do thiếu kiến thức phòng tránh.
Nhiều quốc gia trong khu vực, bao gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Philippines và Thái Lan đều ghi nhận hơn 40% số ca mới nhiễm HIV là ở thanh thiếu niên. Nếu xu hướng này không được đảo ngược thì từ giờ đến năm 2030, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể ghi nhận thêm 7 triệu ca HIV mới.
Năm 2022 cũng đánh dấu 10 năm Việt Nam nỗ lực và đã đạt được những bước tiến đáng kể hướng tới mục tiêu bảo đảm nguồn lực tài chính bền vững cho công tác phòng chống HIV. Việt Nam đã và đang chuyển đổi thành công điều trị HIV sang nguồn tài chính từ bảo hiểm y tế. Bước chuyển đổi này không chỉ duy trì bền vững các dịch vụ giúp cứu người và nâng cao chất lượng cuộc sống của người sống với HIV, đóng góp cho sức khỏe cộng đồng của người dân Việt Nam, mà còn cung cấp nhiều bài học kinh nghiệm mà các quốc gia trong và ngoài khu vực châu Á – Thái Bình Dương có thể học hỏi. Việt Nam cũng đang thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội, hướng tới duy trì bền vững các dịch vụ dự phòng HIV do cộng đồng cung cấp thông qua sử dụng nguồn ngân sách nhà nước. Đề án thí điểm và cách tiếp cận mới này cũng sẽ giúp tăng cường tính chủ động, tính bền vững và hiệu suất cao hơn của cộng đồng trong cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cũng như xác lập một mô hình tốt cho việc sử dụng nguồn tài chính trong nước đảm bảo cung cấp dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV. Mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV với các tổ chức xã hội là mô hình được giới thiệu như là một thực hành tốt trong Báo cáo toàn cầu nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm nay để tạo cảm hứng và khuyến khích các quốc gia trong khu vực áp dụng.
Trong Tháng hành động quốc gia phòng chống AIDS của Việt Nam và trước thềm Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm nay, UNAIDS công bố Báo cáo toàn cầu nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS 2022, nêu rõ những bất bình đẳng đang kìm hãm nỗ lực chung hướng tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS để AIDS không còn là một mối nguy cho sức khỏe cộng đồng. Báo cáo có phần phân tích các thách thức đa chiều mà những nhóm dân số chính chịu ảnh hưởng bởi HIV đang phải đối mặt – trong bối cảnh dịch HIV tập trung như ở Viêt Nam, những nhóm này bao gồm người sử dụng và tiêm chích ma túy, người đồng tính nam và những nam giới khác có quan hệ tình dục đồng giới, phụ nữ chuyển giới, người bán dâm và vợ/chồng, bạn tình của những người này. Báo cáo cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có tất cả các quốc gia và mọi người dân cùng đoàn kết, chung tay để có thể vượt qua tất cả thách thức và khắc phục các vấn đề về bất bình đẳng. Rõ ràng đây là một thông điệp rất tương đồng với cách tiếp cận toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS mà Việt Nam đã và đang theo đuổi.