CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin hoạt động của Cục > Hội thảo sơ kết kết quả hoạt động đáp ứng y tế công cộng ...

Thứ Bảy, 21/12/2024 | 23:50:50 GMT+7

Hội thảo sơ kết kết quả hoạt động đáp ứng y tế công cộng với chùm lây nhiễm HIV và hỗ trợ kỹ thuật tại Đồng Tháp

12/06/2024 | 420 lượt xem | Văn Trường

Ngày 12/6/2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức Hội thảo sơ kết hoạt động đáp ứng y tế công cộng với chùm lây nhiễm HIV (PHCR) và hỗ trợ kỹ thuật (HTKT) tại TP. Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp. 

 

Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật năm 2024 tại tỉnh Đồng Tháp trong khuôn khổ Dự án EPIC/VAAC do Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) tài trợ. Tham dự Hội thảo có PGS. TS. Phạm Đức Mạnh – Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS, Ông Minesh P Shah - Phó Giám đốc chương trình HIV của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, Ông Hoàng Nam Thái – Phó trưởng ban Dự phòng và điều trị HIV của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, các cán bộ phụ trách chương trình HIV/AIDS của Dự án EPIC. Cùng tham dự còn có  BS. Phan Thanh Tùng, Giám đốc CDC Đồng Tháp và cán bộ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp, Lãnh đạo và các cán bộ phụ trách chương trình HIV/AIDS tại 12 thành phố/huyện/thị xã tỉnh Đồng Tháp, đại diện một số bệnh viện, cơ sở PrEP tư nhân và tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) S66 Lotus của tỉnh Đồng Tháp.  


 
Các đại biểu tham dự Hội thảo sơ kết kết quả hoạt động đáp ứng y tế công cộng với chùm lây nhiễm HIV (PHCR) và HTKT tại Đồng Tháp ngày 12/06/2024.


Theo báo cáo từ CDC Đồng Tháp, tính đến hết tháng 05/2024 Đồng Tháp có tổng tích lũy là 7.815 ca nhiễm HIV, đứng thứ 4 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và đứng thứ 10 cả nước. Trong 5 tháng đầu năm 2024, số ca HIV mới được phát hiện tại Đồng Tháp là khoảng 150 ca, trong đó khoảng 33% là nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). HIV tiếp tục có xu hướng lây truyền mạnh trong nhóm MSM/TG trẻ qua hành vi tình dục không an toàn. Đáng lưu ý là có đến trên 60% các ca nhiễm HIV mới được phát hiện trong giai đoạn này là các ca được phát hiện trong hệ thống bệnh viện, thường ở giai đoạn lâm sàng muộn. Theo CDC Hoa Kỳ, số liệu này cho thấy còn khá nhiều người nhiễm HIV chưa biết tình trạng HIV trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Vì vậy, cần thúc đẩy việc thực hiện dịch vụ tư vấn xét nghiệm bạn tình, bạn chích (PNS) và dịch vụ tư vấn xét nghiệm mạng lưới xã hội (SNS) để sớm tìm ra nhóm người này, kết nối họ với dịch vụ điều trị ARV nhằm giảm nguy cơ lây truyền HIV ra cộng đồng và tiến tới kiểm soát dịch. 
Kết quả triển khai PHCR từ tháng 10/2023 đến tháng 5/2024 so với chỉ tiêu: số người nhiễm HIV phát hiện mới đạt 55%, số người nhiễm HIV dương tính phát hiện mới đồng ý tham gia PNS/SNS đạt 70%, trong đó đã phát hiện được 7 người nhiễm HIV thông qua dịch vụ này. Tỷ lệ khách hàng HIV dương tính được kết nối thành công điều trị ARV đạt 59%. Có 2 chỉ số vượt chỉ tiêu đề ra đó là: số khách hàng HIV âm tính qua PNS/SNS được kết nối điều trị PrEP thành công (đạt 50% trên chỉ tiêu 40%) và tỷ lệ khách hàng PrEP duy trì điều trị ít nhất 3 tháng (đạt 86,3% trên chỉ tiêu 80%).
Theo BS. Nguyễn Ngọc Quý – Phó trưởng Khoa phòng, chống HIV/AIDS của CDC Đồng Tháp, tuy đã đẩy mạnh việc thực hiện tìm ca và triển khai các hoạt động truyền thông, tích cực xét nghiệm…nhưng việc triển khai PHCR tại Đồng Tháp vẫn còn gặp một số hạn chế và khó khăn như: cán bộ chưa có nhiều kinh nghiệm tư vấn PNS/SNS do mới triển khai từ tháng 06/2023, cán bộ kiêm nhiệm chưa dành nhiều thời gian cho hoạt động này; thiếu nhân sự hoặc nhân sự thiếu kỹ năng truyền thông tạo cầu, thiếu kỹ năng điều tra, phỏng vấn sâu, xác minh nguy cơ lây nhiễm, rào cản, khoảng trống dịch vụ; khách hàng chưa sẵn sàng tham gia vì sợ lộ thông tin, chưa muốn bộc lộ tình trạng HIV do lo ngại ảnh hưởng tới bạn tình/bạn chích. Thêm vào đó là kinh phí hoạt động giảm do Thông tư số 26/2018/TT-BYT ngày 21/3/2018 của Bộ Tài chính qui định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 hết hiệu lực nên chưa có hướng dẫn thay thế. 
 


BS. Nguyễn Ngọc Quý trình bày kết quả triển khai hoạt động PHCR và HTKT tại Đồng Tháp 


Ngoài ra, huyện Lai Vung và huyện Cao Lãnh là 02 đơn vị triển khai PHCR nhưng chưa có  phòng xét nghiệm khẳng định và cơ sở điều trị ngoại trú (OPC) nên khó khăn trong công tác trả kết quả xét nghiệm khẳng định HIV trong vòng 2 giờ và đưa bệnh nhân vào điều trị trong ngày. Cán bộ khi tư vấn xét nghiệm chưa khai thác đầy đủ thông tin, đối tượng, hành vi nguy cơ của khách hàng nên khó phân tích, đánh giá và kiểm soát tình hình dịch HIV. Bên cạnh đó, do thiếu sinh phẩm tự xét nghiệm, chưa được cấp phát sinh phẩm kép giang mai/HIV nên việc triển khai PHCR vẫn còn nhiều khó khăn.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS. TS. Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS ghi nhận các kết quả đã đạt được của Đồng Tháp, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện truy vết bạn tình/bạn chích khi phát hiện được ca dương tính mới, triển khai xét nghiệm nhiễm mới và chuyển gửi điều trị PrEP/ARV, cũng như các hoạt động truyền thông tạo cầu khác. Bên cạnh đó, PGS. Mạnh yêu cầu mỗi cá nhân/tổ chức cần nâng cao trách nhiệm của bản thân để thực hiện kịp thời các công tác phòng, chống HIV/AIDS, góp phần đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 được ban hành kèm theo Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 14/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ.


 PGS. TS. Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS phát biểu tại Hội thảo


Trao đổi tại Hội thảo, Ông Minesh P Shah - Phó Giám đốc chương trình HIV của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết hiện nay Việt Nam đang có một chương trình tư vấn xét nghiệm HIV có chất lượng và đa dạng (xét nghiệm cộng đồng, xét nghiệm tại cơ sở y tế, tự xét nghiệm…), chương trình điều trị HIV chất lượng tốt với tỷ lệ người bệnh đạt ức chế vi-rút cao, truyền thông K=K và dịch vụ PrEP hiệu quả, hệ thống giám sát dịch kịp thời và công cụ xét nghiệm nhiễm mới HIV. Khi phối hợp tốt những công cụ này, chúng ta có thể tin tưởng vào khả năng sẽ không còn ca nhiễm mới HIV. Ông Minesh nhấn mạnh, Đồng Tháp đang là 1 trong 4 tỉnh tại khu vực ĐBSCL có số ca HIV cao với số lượng người nhiễm MSM là chủ yếu, vì vậy chúng ta cần chủ động hơn trong việc tiếp cận, tìm ca, bằng mọi cách phải tư vấn, xét nghiệm HIV thông qua công cụ PNS/SNS với nhóm này. Bên cạnh đó, Ông cũng bày tỏ mong muốn Đồng Tháp sẽ cố gắng thúc đẩy và dành nhiều nỗ lực hơn nữa để tăng tốc khắc phục khó khăn, thu hẹp khoảng trống để đạt được các mục tiêu trong vài tháng tới. 


Ông Minesh P Shah – Phó Giám đốc chương trình HIV của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo


Ông Hoàng Nam Thái – CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam khuyến nghị các cán bộ y tế khi tư vấn xét nghiệm cần đánh giá đúng nguy cơ, hành vi nguy cơ của khách hàng để phân tích tình hình dịch tốt hơn. Ngoài ra, cần xác định các rào cản, khoảng trống giữa xét nghiệm và điều trị, tìm hiểu nguyên nhân khoảng trống để thiết lập được cách tiếp cận khép kín cho khách hàng. CDC Đồng Tháp cũng cần phối hợp với các cơ sở điều trị ARV/PrEP và các nhóm cộng đồng, huy động sự hợp tác giữa các cơ sở y tế và cộng đồng để thúc đẩy tìm ca, chuyển gửi điều trị ARV/PrEP…
Bế mạc hội thảo, BS. Phan Thanh Tùng - Giám đốc CDC Đồng Tháp bày tỏ sự cảm ơn tới toàn thể đại biểu, cảm ơn sự hỗ trợ từ Cục phòng, chống HIV/AIDS, CDC Hoa Kỳ và Dự án EPIC, cảm ơn đoàn đã chỉ ra những khó khăn, thách thức, những vấn đề cần cải thiện. Đồng thời, hy vọng rằng sau khi kết thúc buổi Hội thảo, Đồng Tháp và đoàn công tác có thể đánh giá lại các vấn đề đang tồn tại và cùng nhau tìm các giải pháp khắc phục để hoạt động phòng, chống HIV đạt kết quả tốt hơn nữa trong thời gian tới.