CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin bộ, ngành TW > Khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quản lý người sử dụng, ...

Thứ Năm, 28/03/2024 | 21:15:10 GMT+7

Khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quản lý người sử dụng, người nghiện ma túy

10/03/2023 | 8132 lượt xem | Tran T-VB

Số liệu người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy hiện đang quản lý còn thấp, không phản ánh đúng tình hình thực tế. Các cơ sở cai nghiện ma túy công lập mới đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu cai nghiện trong khi công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng chưa được triển khai hiệu quả...

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị và 01 năm thi hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2021
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng chống ma túy ngày 10/3, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đã nêu một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quản lý người sử dụng, người nghiện ma túy và công tác cai nghiện ma túy.
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, Luật Phòng, chống ma túy 2021 đã tạo ra nhiều chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy.
Tính đến tháng 2/2023, tổng số người sử dụng trái phép chất ma túy trên toàn quốc là 48.203 người, 191.410 người nghiện ma túy, trong đó: Tổng số người được xác định tình trạng nghiện năm 2022 là 37.592 người, 31.996 người có kết quả xác định tình trạng nghiện là nghiện ma túy.
Năm 2022, toàn quốc lập 17.285 hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Công tác quản lý sau cai nghiện được 100% các địa phương tổ chức thực hiện với 24.558 người hiện đang được quản lý sau cai tại cộng đồng. Công tác tái hòa nhập cộng đồng và quản lý sau cai nghiện, được nhiều địa phương quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ tìm kiếm việc làm, vay vốn sản xuất, ổn định cuộc sống, phòng, chống tái nghiện.
Tuy nhiên, đánh giá thực tế, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho rằng, trong công tác rà soát thống kê, đưa vào danh sách quản lý, vẫn chưa phát huy vai trò của Ban chỉ đạo 138 vào công tác quản lý người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy và công tác cai nghiện. Vì vậy, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, chủ yếu vẫn do lực lượng Công an thực hiện. Số liệu người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy hiện đang quản lý còn thấp, không phản ánh đúng tình hình thực tế,  gây khó khăn cho công tác dự báo tình hình tội phạm và tệ nạn ma tuý.
Đối với công tác xác định tình trạng nghiện, cơ sở y tế và đội ngũ y bác sỹ đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy trên phạm vi toàn quốc chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Hiện cả nước có 8.831 bác sỹ, y sỹ có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện, 4.422 cơ sở đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện. Trong đó: cấp xã có 3.638 cơ sở (chiếm 27% tổng số xã trong toàn quốc). 27 tỉnh chưa công bố, có 7 tỉnh chỉ có từ 1 đến 3 cơ sở đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện.
Theo Nghị định số 90/NĐ-CP, người nghiện đang điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế thì không phải xác định tình trạng nghiện. Vì vậy, khi bị chấm dứt điều trị không lập được hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 do không có phiếu kết quả xác định tình trạng nghiện ma túy.
Đối với công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai, hiện nay, công suất của các cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên toàn quốc không đáp ứng đủ công tác cai nghiện bắt buộc. Cả nước có 97 cơ sở cai nghiện công lập, công suất chứa 57.896 học viên. Theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH thì các cơ sở cai nghiện ma túy công lập mới đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu cai nghiện.
Các phòng y tế thuộc cơ sở cai nghiện công lập không đủ điều kiện là cơ sở xác định tình trạng nghiện, do không đủ điều kiện là cơ sở khám, chữa bệnh vì bác sỹ không đủ điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh dẫn đến thực trạng: Bác sỹ thực hiện điều trị cai nghiện lại không có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện.
 
Thủ tướng và các lãnh đạo Bộ, ban, ngành trung ương dự Hội nghị tổng kết
Công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng chưa được triển khai thực hiện hiệu quả. Hiện cả nước có 93 tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng thuộc 20 tỉnh, thành phố; có 3.656 người nghiện tham gia cai nghiện. 43 địa phương chưa tổ chức được hoạt động cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo quy định mới.
 Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên do đa số các tỉnh, thành phố chưa quân tâm, chỉ đạo, bố trí nguồn lực để thực hiện. Phòng LĐTB&XH chưa tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp huyện để giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn cung cấp dịch vụ cai nghiện. Cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng phải trả phí. Trong khi đó, phần lớn người nghiện đều có hoàn cảnh khó khăn nên không có khả năng đóng góp chi phí cai nghiện...
Công tác quản lý, tư vấn, hỗ trợ học nghề, tạo công ăn việc làm, hỗ trợ vốn cho người hoàn thành chương trình cai nghiện ở một số địa phương chưa được quan tâm thực hiện, nên hiệu quả còn nhiều hạn chế. Bộ LĐTB&XH hiện nay chưa tham mưu cho Chính phủ có đề án, chính sách cụ thể đối với việc hỗ trợ người bị quản lý sau cai.
Bên cạnh đó, kinh phí bố trí cho việc xét nghiệm ma túy và quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy chưa có quy định cụ thể, gây khó khăn cho các đơn vị trong lập dự toán và không thực hiện được các mục chi trong công tác này.
Ngoài ra, một số đơn vị địa phương chưa quan tâm và thực hiện nghiêm túc công tác rà soát, xác định và đấu tranh triệt xóa điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, giảm nguồn cầu ngay tại địa bàn. Có những địa phương trong cả năm 2022 thống kê không có điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, trong khi đó, vẫn tồn tại nhiều đối tượng bán lẻ, nhiều người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy đang được thống kê quản lý.
Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác cai nghiện và công tác đấu tranh của lực lượng chức năng tại một số đơn vị, địa phương còn thiếu và lạc hậu. Công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực địa phương phục vụ công tác phòng, chống ma túy chưa được chủ động triển khai; hiệu quả còn hạn chế.
 
Công tác cai nghiện và công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy qua hình ảnh
Khai thác hiệu quả CSDLQG về dân cư phục vụ công tác quản lý người nghiện, người sử dụng ma túy
Để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, Bộ Công an - Cơ quan Thường trực phòng, chống ma túy đề nghị các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban Quốc gia về công tác phòng, chống ma túy, trọng tâm là Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị, Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ; khẩn trương phê duyệt, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện 15 dự án thuộc Chương trình. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả Luật Phòng, chống ma túy, Công điện 365/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; ban hành Nghị quyết về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống và kiểm soát ma túy theo từng giai đoạn…
Đồng thời đa dạng hóa các nội dung, hình thức và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác tuyên truyền; tập trung vào các khu vực, địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, các nhóm nguy cơ cao, nhất là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên; phổ biến, nhân rộng các mô hình điểm.
Tăng cường công tác quản lý đối tượng liên quan đến ma túy; thực hiện hiệu quả công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy; các giải pháp giữ vững và nâng cao số xã, phường, trị trấn không có ma túy; giảm số xã, phường, thị trấn có ma túy và trọng điểm về ma túy; tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các kế hoạch, phương án đấu tranh phòng, chống ma túy; triển khai mô hình "03 lớp" đấu tranh phòng, chống ma túy; tổ chức đấu tranh đồng bộ, liên hoàn trên các địa bàn trọng điểm, bắt giữ cả đường dây, đối tượng cầm đầu; ngăn chặn không để tội phạm ma túy lợi dụng Việt Nam làm địa bàn sản xuất, tàng trữ, trung chuyển ma túy quốc tế.
Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự, nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh hành vi mua bán, tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép ma túy, các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy.
Khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác rà soát, phát hiện các cơ sở kinh doanh hoạt động trá hình, biến tướng, thay tên, đổi chủ nhằm phòng ngừa, có biện pháp vô hiệu hóa và chủ động đấu tranh giải quyết.
Phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, thường xuyên rà soát, thống kê, cập nhật số liệu người nghiện ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy để có biện pháp quản lý chặt chẽ; chủ động lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tập trung triển khai các giải pháp, nhằm kiềm chế phát sinh người nghiện mới, người sử dụng trái phép chất ma túy.
Đặc biệt, khai thác hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai; chỉ đạo lực lượng Công an xã, phường, thị trấn triển khai quyết liệt công tác xác định tình trạng nghiện, lập hồ sơ áp dụng các biện pháp cai nghiện, công tác quản lý người nghiện, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai.
Tổ chức đào tạo, tập huấn, cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo chuyên khoa cho đội ngũ y bác sỹ; rà soát cơ sở cai nghiện công lập để quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện phù hợp với thực tiễn.
Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành hướng dẫn việc tổ chức cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo hướng tận dụng tối đa cơ sở vật chất sẵn có; ban hành cơ chế khuyến khích các tổ chức cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng để thu hút người nghiện đăng ký tham gia. Chủ tịch UBND cấp huyện quan tâm bố trí kinh phí và giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện.
Để bảo đảm nguồn lực phòng chống ma túy, theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, cần khẩn trương triển khai Thông tư số 62/2022/TT-BTC ngày 05/10/2022 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.
Ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách của bộ, ngành, địa phương phục vụ có hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, nhất là kinh phí cho công tác đấu tranh, công tác xác định tình trạng nghiện, cai nghiện, quản lý người nghiện, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai.