CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Hợp tác quốc tế > Dự án EPIC > Khẳng định vai trò của cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS

Chủ Nhật, 22/12/2024 | 08:40:32 GMT+7

Khẳng định vai trò của cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS

10/01/2023 | 1420 lượt xem | Tùng Hiếu

Theo đánh giá của Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), thực tế trong thời gian cao điểm xảy ra dịch COVID-19 tại Việt Nam, các tổ chức cộng đồng, các cộng tác viên, đồng đẳng viên đóng một vai trò quan trọng trong quá trình làm giảm bớt sự gián đoạn hệ thống y tế khi các thành viên của nhóm đã kết nối bảo đảm việc điều trị liên tục đối với điều trị bằng thuốc kháng ARV và điều trị P

Thống kê mới nhất cho thấy tại Hải Phòng, CAB đã giúp rút ngắn thời gian chờ khám dịch vụ từ 120 phút xuống còn 45 phút. Tại Bình Dương, thời gian chờ giảm xuống còn 15 phút; tăng tỷ lệ nhận thuốc nhiều tháng từ 67% (tháng 10/2019) lên 91% (tháng 1/2020) tại Thuận An, Bình Dương.
TS. Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Ngành y tế đã triển khai nhiều dịch vụ phòng chống HIV/AIDS, tuy nhiên với nhiều lí do mà các quần thể đích chưa thể tiếp cận và sử dụng các dịch vụ HIV một cách toàn diện. Chính vì vậy, sự tham gia của các tổ chức cộng đồng là cầu nối, là cánh tay đắc lực để giúp cho các đối tượng đích tiếp cận dịch vụ.
Do là người có cùng hoàn cảnh nên việc tiếp xúc và chia sẻ của các đồng đẳng viên với người nhiễm HIV, các đối tượng nguy cơ cao dễ đồng cảm hơn, vì vậy hiệu quả công việc sẽ cao hơn, giúp cho các đối tượng nguy cơ cao, người nhiễm HIV sớm tiếp cận các dịch vụ trong dự phòng và điều trị HIV, qua đó giúp giảm bớt sự lây nhiễm ra cộng đồng.
Ngoài ra, một sáng kiến khác mà nhóm Kết Nối trẻ rất tâm đắc, đó chính là bản đồ dịch vụ HIV Bình Dương (www.ketnoitre.org). Bản đồ có thể giúp cho những người có nhu cầu có thể tiếp cận xét nghiệm, tiếp cận điều trị tìm kiếm địa điểm cung cấp xét nghiệm, tìm kiếm cơ sở điều trị ngay tại nơi mình đang sinh sống, hoặc địa điểm mình đang đứng một cách dễ dàng, thuận tiện.
Trong giai đoạn đỉnh điểm của dịch COVID-19, nhiều tỉnh phía Nam bị phong tỏa do dịch bệnh, nhiều người nhiễm HIV cũng bị phong tỏa ở nơi làm việc, nơi ở cả tháng trời. Vì vậy, nguồn thuốc dành cho những người nhiễm HIV cũng bị ảnh hưởng không nhỏ khi họ không thể ra ngoài để được cấp phát thuốc. Để giúp những người nhiễm HIV tiếp cận điều trị, nhóm Kết Nối trẻ cũng đã hỗ trợ đặc biệt khi vận chuyển mang thuốc đến giao tận nơi cho bệnh nhân. Trong thời gian khó khăn này, nhóm Kết Nối trẻ cũng đã được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Dương hỗ trợ tối đa, cấp thẻ đi lại để các thành viên có thể hỗ trợ được cộng đồng có HIV trên địa bàn một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Nhờ những nỗ lực với nhiều hoạt động hiệu quả, nhóm Kết Nối trẻ đã đạt nhiều giải thưởng, trong đó có giải thưởng Tổ chức Cộng đồng tiêu biểu trong Phong trào K=K… Nhóm Kết nối trẻ đã chính thức có tư cách pháp nhân vào tháng 10/2019. Trải qua 12 năm vận hành và phát triển, Kết nối trẻ hiện là tổ chức mạnh mẽ và đi đầu trong việc cung cấp các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ, chăm sóc cho cộng đồng yếu thế, cộng đồng bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Còn anh Lê Trọng Minh, Trưởng nhóm G-Net Biên Hòa cho biết, do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên nhóm hoạt động chủ yếu qua mạng xã hội. Nhóm đã phát động chiến dịch "Ngàn bước đi vì cộng đồng" nhằm đề cao tinh thần thể dục thể thao, chung tay cùng mọi người trên toàn quốc hưởng ứng phòng, chống HIV/AIDS, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp. Thông qua chiến dịch, nhóm đã nhận hơn 100 video clip từ mọi công dân Việt Nam gửi về. Đó là những thước phim đầy sáng tạo, nhiệt huyết ở từng hoạt động thể chất và cũng rất đầu tư về mặt nội dung, góc quay, dựng để làm bảo đảm đúng yêu cầu của ban tổ chức, mà vẫn thể hiện được sự hết mình của từng cá nhân khi tham gia truyền tải thông điệp "Chấm dứt dịch AIDS: Tiếp cận bình đẳng, Tiếng nói của mọi người" và "Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch COVID-19". Trong năm 2021, nhóm G-Net Biên Hòa cũng vinh dự được nhận giải "huyền sử cộng đồng" - Tổ chức cộng đồng xuất sắc nhất tại Đồng Nai.
Đối diện với nhiều khó khăn…
Khi bắt đầu công việc, anh Sơn, anh Minh đều phải vượt qua các định kiến của gia đình để trở thành những tuyên truyền viên kêu gọi mọi người xung quanh không kỳ thị với người nhiễm HIV. Không chỉ đối diện với khó khăn trong gia đình để giúp cho bệnh nhân tiếp cận xét nghiệm, tiếp cận điều trị, đôi khi các đồng đẳng viên còn phải an ủi, động viên cho cả người nhiễm và người nhà của người nhiễm HIV. Một câu chuyện được Đàm Huy Hoàng, Trưởng nhóm CAB Thái Nguyên chia sẻ về việc làm cầu nối để giải quyết sự "xung khắc tâm lý" giữa người nhiễm HIV với chính bố mẹ họ. Đó là trường hợp một bạn trai N.H.N. 18 tuổi (ở huyện Đình Hóa, Thái Nguyên) vừa đỗ đại học. Khi nhiễm HIV, bạn đã giấu bố mẹ. Nhưng một lần tình cờ, người mẹ phát hiện con uống thuốc nên bà đã lén xem tên thuốc. Người mẹ đã đi hỏi han và hoảng loạn khi biết con mình nhiễm HIV.
 
Trong khi người mẹ đau khổ, dằn vặt, chỉ biết khóc, thì người bố không kiềm được cơn giận dữ đã đánh đập, từ con, đuổi con ra khỏi nhà vì đã làm ảnh hưởng đến thanh danh gia đình, dòng họ. Khi tiếp cận N. Hoàng đã tới nhà trọ ở cùng, ăn cùng để tiếp cận trò chuyện và chia sẻ. Sau đó, Hoàng cũng tiếp cận người mẹ của N. để tư vấn, cung cấp cho bà những kiến thức về HIV, thuốc điều trị... để người mẹ hiểu căn bệnh này không có nghĩa là chấm hết. Người bệnh vẫn khỏe mạnh khi được điều trị, vẫn làm việc, sinh hoạt bình thường, giảm nguy cơ lây nhiễm bởi được điều trị ARV... Cuối cùng thì người mẹ cũng đã mở lòng và đón cậu con trai về nhà.
Hoàng cho rằng khó khăn nhất là khi tiếp cận các bệnh nhân nhiễm HIV, người trong cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) để cung cấp cho họ những kiến thức phòng bệnh, bởi hầu hết các bạn trẻ đều rất kín tiếng, e dè vì sợ kỳ thị khi mang trong mình căn bệnh này. Vì vậy, các các thành viên trong nhóm thực sự phải là những người bạn, chân thành hỗ trợ, lắng nghe những sẻ chia để họ tin tưởng, nói lên những khó khăn của bản thân, từ đó giúp đỡ và hỗ trợ họ thoát khỏi mặc cảm, tạo điều kiện để họ hòa nhập cộng đồng.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình làm việc, anh Tùng, nhóm tổ chức cộng đồng ở Cà  Mau cho biết, những trường hợp khi phát hiện nhiễm HIV họ rất mặc cảm, bi quan, thậm chí từng nghĩ đến việc kết thúc mạng sống của mình. Anh nhớ mãi trường hợp ca nhiễm là học sinh, vô tình phát hiện bệnh dẫn đến việc học sa sút, tinh thần rối loạn và có ý định tự tử; sau khi được anh tâm tình, trấn an và dành nhiều thời gian nói chuyện, em học sinh dần mở lòng tiếp nhận điều trị.
Qua nhiều năm tiếp cận với nhiều người nhiễm HIV, anh Tùng nhận thấy, việc không thể chia sẻ cùng gia đình, không biết tâm sự với ai trở thành rào cản lớn nhất, chính vì vậy các tổ chức vì cộng đồng, các đồng đẳng vien đã giúp họ tìm lại niềm tin và có cái nhìn lạc quan, tươi sáng hơn. Anh Tùng chưa từng nhiễm HIV, tuy nhiên để bảo vệ bản thân và chính những người thân yêu của mình, anh đều đặn dùng thuốc PrEP (dự phòng trước phơi nhiễm HIV).
Nhận thấy công việc đang làm góp phần làm cho cộng đồng thêm văn minh và giảm thiểu số ca mắc mới HIV, anh Tùng cho biết sẽ tiếp tục gắn bó với công việc này để giúp cho những người nhiễm HIV sống khỏe, sống có ích. Ngoài tự tìm kiếm thêm thông tin trên Internet để trang bị kiến thức cho mình để tuyên truyền, vận động, anh Tùng còn tham gia các lớp tập huấn về HIV do ngành y tế tỉnh tổ chức.
Nhiều mô hình sáng tạo, cách làm hay trong mùa dịch
Ngoài sự quan tâm của đội ngũ nhân viên y tế thì vai trò của đồng đẳng viên luôn được đánh giá cao khi họ là "những cánh tay nối dài" hỗ trợ ngành y tế phát hiện và vận động những ca nghi nhiễm, nhiễm bệnh có thêm niềm tin và động lực để tiếp tục kiên trì với hành trình chống lại căn bệnh thế kỷ Hiv/AIDS.
Thời gian qua, các nhóm đồng đẳng viên trên nhiều tỉnh thành đã triển khai nhiều hoạt động, nhiều mô hình sáng tạo và cách làm hay để truyền thông, vận động các đối tượng đích tham gia thực hiện các công tác phòng tránh HIV/AIDS; đồng thời giúp họ tiếp cận các dịch vụ y tế như xét nghiệm HIV, kết nối điều trị ARV, điều trị PrEP… Nhờ đó đã góp phần giảm tình trạng lây nhiễm HIV trong cộng đồng. 
Điển hình là nhóm Xuân Hợp, anh Mai Xuân Sơn, Trưởng nhóm Xuân Hợp ở Đồng Nai cho biết, nhóm đã quy tụ được các thành viên tích cực là những người nhiễm HIV và bị ảnh hưởng bởi HIV tham gia hoạt động. Sau 14 năm hoạt động, nhóm đã tiếp xúc, giúp đỡ hàng chục nghìn người là những người nhiễm HIV và các đối tượng nguy cơ cao tiếp cận với các dịch vụ trong phòng và điều trị HIV, đồng thời giúp đỡ nhiều người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn… 
Đặc biệt, trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Đồng Nai phải thực hiện giãn cách xã hội một thời gian để tập trung phòng chống dịch, vì vậy các thành viên trong nhóm không tiếp cận trực tiếp được với người nhiễm HIV để tuyên truyền, nhóm đã xây dựng trang Fanpage riêng của mình, mời các bác sĩ có kinh nghiệm trong lĩnh vực HIV về nói chuyện chuyển tải những kiến thức liên quan đến HIV/AIDS, đến nay đã có hàng ngàn lượt người theo dõi và hàng chục ngàn lượt xem bài viết trên trang Fanpage của nhóm. Đồng thời thực hiện tư vấn qua điện thoại, qua facebook, zalo…
Nhờ được truyền truyền rộng rãi nên trong thời gian qua có rất nhiều bệnh nhân cũng như các đối tượng nguy cơ cao gọi điện đến để tư vấn về cách thức được tham gia điều trị, hướng dẫn các biện pháp phòng và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Qua đó nhóm cũng tìm hiểu hoàn cảnh cũng như công việc của khách hàng để có những tư vấn phù hợp về lựa chọn công việc, tránh xa các tệ nạn xã hội.