CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin hoạt động của Cục > Khởi động thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày tại ...

Thứ Bảy, 23/11/2024 | 20:49:48 GMT+7

Khởi động thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày tại Thành phố Hải Phòng

05/04/2021 | 2440 lượt xem

Ngày 5 tháng 4 năm 2021, Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với Sở Y tế thành phố Hải Phòng, với sự tài trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác tổ chức sự kiện “Khởi động cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện” tại thành phố Hải Phòng.

5-4-chu-manh.jpg
Tham dự sự kiện có PGS.TS. Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS; Ông Nguyễn Thanh Cường – Đại diện Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) tại Việt Nam; Đại diện Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI). Về phía thành phố Hải Phòng có TS. Bs. Phan Huy Thục – Phó Giám đốc Sở Y tế; Bs CKII Nguyễn Duy Hùng - Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS; Đại diện các Sở Công an; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; Đại diện các Sở, ban, ngành; Các cơ sở điều trị và cơ sở cấp phát thuốc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone và các tổ chức cộng đồng; Mạng lưới người sử dụng ma túy; Người sống chung với HIV/AIDS v.v…
Phát biểu khai mạc sự kiện, PGS.TS. Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS nhấn mạnh, việc triển khai thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày cấp thuốc sẽ tạo điều kiện thuận lợi, tăng sự hài lòng và tuân thủ điều trị của người bệnh; là cơ sở để Bộ Y tế quyết định triển khai mở rộng sau kết thúc thí điểm. PGS.TS Phạm Đức Mạnh cũng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền UBND các cấp quan tâm chỉ đạo, triển khai đề án thí điểm này, nhất là công tác phối hợp liên ngành giữa ngành Y tế, Công an và Lao động Thương binh Xã hội để việc thí điểm được triển khai thuận lợi. Đối với ngành y tế, cần tăng cường công tác truyền thông về lợi ích của việc cấp thuốc nhiều ngày, các tiêu chí để được cấp thuốc nhiều ngày, tạo điều kiện cho tất cả những người có đủ các tiêu chí được tham gia cũng như có các biện pháp nhằm tăng cường tuân thủ các quy định của Bộ Y tế đối với người bệnh tham gia chương trình thí điểm này. Đối với những người nghiện các chất dạng thuốc phiện: Lãnh đạo Cục Phòng, chống HIV/AIDS động viên họ hãy tin tưởng, kiên trì tham gia điều trị lâu dài bằng Methadone, phấn đấu để đủ điều kiện tham gia chương trình cấp thuốc Methadone nhiều ngày. Với những người đã được tham gia chương trình cấp thuốc nhiều ngày, cần tiếp tục tuân thủ điều trị và tuân thủ các quy định của ngành y tế để tham gia chương trình lâu dài vì cho đến nay Methadone vẫn được các Tổ chức quốc tế coi là tiêu chuẩn vàng trong điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện. Cũng nhân dịp này, PGS.TS Phạm Đức Mạnh cũng gửi lời cảm ơn tới các Tổ chức như UNODC; UNAIDS; WHO; Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét; SCDI và các đối tác khác đã hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật trong quá trình chuẩn bị cũng như triển khai Đề án thí điểm này.

5-4-anh-thuc.jpg
TS. Phan Huy Thục – Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết đây là sự kiện quan trọng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung cũng như chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone nói riêng. Sở Y tế thành phố Hải Phòng cam kết sẽ chỉ đạo sát sao và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chuyên môn hoàn thành tốt chương trình thí điểm trên địa bàn thành phố.
Đại diện bệnh nhân đang sử dụng Methadone được xét chọn được mang thuốc Methadone về trong ngày đầu tiên, anh Đặng Như Tuấn đã phát biểu: “Cơ sở methadone Lê Chân nơi đây là ngôi nhà thứ hai - là nơi đã sinh ra tôi lần thứ hai để tôi có được như ngày hôm nay. Gia đình, người thân, bạn bè, hàng xóm ai cũng mừng cho tôi và gia đình, họ bảo mẹ tôi "Phúc đức tại mẫu", mẹ tôi chỉ cười nói: Phúc đức là nhờ Methadone đấy ạ”.

5-5-benh-nhan.jpg

Anh Đặng Như Tuấn, bệnh nhân đang điều trị tại cơ sở Methadone Lê Chân vui mừng khi là người đầu tiên được lựa chọn mang thuốc Methadone mang về nhà tại Hải Phòng.

Anh Tuấn nói thêm: "Nếu như nói Methadone là phao cứu sinh thì chương trình Mang thuốc Methadone nhiều ngày về nhà là con tàu cứu hộ. Vì có chương trình này, hành trình cuộc đời của tôi sau này cũng như của các bệnh nhân đang điều trị methadone hứa hẹn sẽ có nhiều khởi sắc, nhiều hi vọng tốt đẹp về một tương lai. Một tương lai mà chúng tôi có thể đi làm các công việc phù hợp với bản thân, một tương lai mà chúng tôi có thể thực hiện sự hiếu đạo với gia đình khi có thể tham gia đầy đủ các việc như: hiếu hỉ, các sự kiện trọng đại của gia đình, của họ tộc một tương lai mà cơ hội được giao lưu bạn bè, thăm quan du lịch, nâng cao chất lượng cuộc sống, hoàn thiện bản thân, một tương lai mà chúng tôi sẽ biết rằng mình sẽ gắn bó với Methadone lâu dài và cũng có thể là trọn đời ... mà không cần phải lo lắng sẽ bị nhỡ liều, sẽ mệt mỏi do chưa kịp đến uống thuốc, sẽ có nguy cơ tái sử dụng lại ma túy khi quên uống thuốc."

5-5-chu-thuy.jpg

ThS. BS. Đỗ Hữu Thủy, Phó Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV trình bày về đề án thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày.

Nghiện ma túy nói chung và nghiện các chất phiện nói riêng hiện được coi là bệnh mạn tính của não bộ, chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị, các giải pháp cai nghiện hiệu quả không cao. Trên thế giới, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đang được coi là giải pháp ưu việt nhất, đã được triển khai từ năm 1965 và mở rộng ra trên 80 quốc gia. Điều trị bằng thuốc Methadone đã được chứng minh là rất hiệu quả. Điều trị Methadone giúp người bệnh giảm và tiến tới dừng sử dụng ma túy bất hợp pháp, cải thiện về sức khỏe, giảm lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu, nâng cao thể lực, phục hồi về thể chất và tâm thần, cảỉ thiện về an ninh, trật tự xã hội, đem lại hiệu quả về kinh tế cho người bệnh, gia đình và cộng đồng.
Tại Việt Nam, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã được triển khai từ năm 2008. Tính đến nay cả nước có hơn 52.000 người bệnh đang được điều trị Methadone ở hơn 330 cơ sở điều trị tại 63 tỉnh/thành phố. Độ bảo phủ của chương trình đã đạt tới 28% tổng số người nghiện các chất dạng thuốc phiện, tỷ lệ tuân thủ điều trị sau 6 tháng đạt tới 83%, được đánh giá xếp loại tốt (theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới là 80%).

Tuy nhiên, sau hơn 12 năm triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cũng đã bộc lộ một số hạn chế đó là tỷ lệ tiếp cận điều trị còn thấp, tỷ lệ người bệnh bỏ điều trị khá cao. Một trong những nguyên nhân chính là do người bệnh không đủ kiên trì để tiếp tục điều trị khi phải đến cơ sở y tế uống thuốc hàng ngày trong một thời gian liên tục nhiều năm. Một số người bỏ trị do đặc thù công việc như là công nhân nên không có thời gian đi uống thuốc hàng ngày trong giờ hành chính; hoặc lái xe, ngư dân phải đi làm việc xa nhà thường xuyên không thể đến uống thuốc hàng ngày; hoặc một số người bệnh không thể tuân thủ điều trị do phải đi công tác, du lịch hoặc có việc đột xuất…

Để giảm vấn đề bỏ trị do phải đến cơ sở y tế uống thuốc hàng ngày, các quốc gia trên thế giới đã triển khai cho người bệnh tuân thủ điều trị tốt được mang thuốc Methadone về sử dụng tại nhà. Việc cho người bệnh mang thuốc Methadone nhiều ngày sẽ giảm thời gian đi lại, giảm các chi phí liên quan đến đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh được tiếp cận, duy trì và tuân thủ điều trị mà vẫn đảm bảo thời gian cho công việc, sinh hoạt, từ đó giúp cải thiện việc điều trị cho người bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng sự hài lòng của bệnh nhân và gia đình đối với cơ sở điều trị Methadone. Việc cấp thuốc Methadone cho người bệnh mang về cũng rất có ý nghĩa trong tình hình có nhiều dịch bệnh mới nổi như COVID 19 - nó ảnh hưởng đến việc đi lại của người bệnh và hoạt động của cơ sở y tế nhất là khi người bệnh bị cách ly hay cơ sở điều trị Methadone bị phong tỏa do dịch bệnh.
Với những lý do đó, Bộ Y tế có chủ trương cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh mang về điều trị. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới ở Việt Nam nên việc triển khai cần đảm bảo sự an toàn về sức khỏe cho người bệnh và cộng đồng. Do vậy, cần thiết phải triển khai thí điểm.
Cùng thời điểm ngày hôm nay, ngày 5 tháng 4, các tỉnh Lai Châu và Điện Biên cũng tổ chức triển khai chương trình thí điểm cấp phát thuốc Methadone mang về nhà.

5-4-trao-thuoc.jpg

Các bệnh nhân đầu tiên được trao thuốc MMT mang về nhà tại buổi lễ

5-4-toan-canh.jpg

Toàn cảnh buổi lễ

 

5-4-benh-nhan-nhan-thuoc-tai-co-so.jpg

Những bệnh nhân đầu tiên được trao thuốc MMT mang về nhà tại cơ sở điều trị MMT Lê Chân