CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Hợp tác quốc tế > Dự án EPIC > Luôn đảm bảo cung ứng thuốc điều trị HIV/AIDS

Thứ Sáu, 03/01/2025 | 05:12:27 GMT+7

Luôn đảm bảo cung ứng thuốc điều trị HIV/AIDS

07/01/2023 | 1059 lượt xem | Trung Bách

Đối với người nhiễm HIV, liệu pháp điều trị ARV (thuốc kháng vi rút HIV) là một phần quan trọng trong việc kiểm soát nhiễm trùng, hỗ trợ sức khỏe, duy trì hoặc cải thiện chất lượng cuộc sống... Thậm chí trong trường hợp phụ nữ mang thai có tham gia điều trị ARV sớm sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh cho con. Để có thêm cái nhìn đa chiều về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Lãnh đạo Cục phòng chống HIV/AIDS.

Phóng viên: Điều trị ARV đã góp phần đáng kể trong việc kiểm soát gia tăng lây nhiễm HIV, xin ông chia sẻ những kết quả chính về công tác điều trị cho người bệnh trong suốt thời gian qua?

PGS.TS. Phạm Đức Mạnh: Công tác điều trị thuốc ARV cho người nhiễm HIV được triển khai tại Việt Nam đến nay đã hơn 20 năm. Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm có trên 10.000 người nhiễm HIV được đưa vào điều trị thuốc ARV. Từ năm 2019, Việt Nam bắt đầu chuyển giao chi phí thuốc ARV và các dịch vụ điều trị ARV cho bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả.

Từ năm 2020, Việt Nam đã thực hiện phác đồ ARV tối ưu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Hiện, có gần 80% bệnh nhân sử dụng phác đồ tối ưu này, bao gồm cả điều trị cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Đến tháng 9/2022, toàn quốc có 169.455 người nhiễm HIV được điều trị ARV, trong đó có 3.450 trẻ em. Có 499 cơ sở điều trị, trong đó có 442 cơ sở sử dụng thuốc ARV từ nguồn BHYT.

Việt Nam là một trong các quốc gia có chất lượng điều trị ARV cao, với tỷ lệ bệnh nhân có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế luôn được duy trì cao. Năm 2017, tỷ lệ này là 94%. Từ năm 2018 đến nay tỷ lệ này luôn duy trì trên 95%. Về tỷ lệ HIV kháng thuốc mắc phải trong năm 2020 ở mức thấp dưới 5%. Đặc biệt, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc ARV là một trong các ưu tiên của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS. Với việc mở rộng và sử dụng phác đồ ARV tối ưu, số trẻ nhiễm HIV từ mẹ đang giảm dần.

Một điểm đặc biệt, điều trị ARV cho người nhiễm HIV cũng là một trong các biện pháp giảm nguy cơ mắc bệnh lao ở người nhiễm HIV. Trong những năm qua, Cục phòng chống HIV/AIDS đã phối hợp chặt chẽ với Chương trình chống lao Quốc gia triển khai đồng bộ công tác điều trị ARV cho người bệnh lao cũng như điều trị lao tiềm ẩn ở người nhiễm HIV.

Phóng viên: Năm 2022, lần đầu tiên bệnh nhân điều trị ARV và Methadone được hỗ trợ điều trị viêm gan C. Xin ông cho biết kết quả và ý nghĩa của hoạt động này đối với sức khỏe của người dân?

PGS.TS. Phạm Đức Mạnh: Viêm gan C là một trong các căn nguyên hàng đầu dẫn đến bệnh gan mạn tính trên toàn cầu. Đường lây truyền của vi rút viêm gan C tương tự như HIV. Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng sự tiến triển nhanh hơn của bệnh gan ởnhững bệnh nhân đồng nhiễm HIV và viêm gan C. Tỷ lệ tiến triển xơ hóa tăng lên đáng kể ở những bệnh nhân đồng nhiễm HIV và viêm gan C.

Ngoài ra, việc đồng nhiễm viêm gan C làm cho điều trị HIV trở nên phức tạp. Gan bị tổn thương do vi rút viêm gan C có khả năng tổn thương nặng hơn khi dùng một số thuốc ARV…Đồng thời, bệnh lý gan mạn tính cũng là một trong các nguyên nhân gây tử vong và giảm chất lượng sống của bệnh nhân nhiễm HIV. Bởi vậy, việc điều trị viêm gan C cho các bệnh nhân đồng nhiễm HIV sẽ giúp cho họ sống vui khỏe, tiếp tục ổn định điều trị ARV.

Hiện điều trị viêm gan C đã được BHYT chi trả. Tuy nhiên, giá thành điều trị căn bệnh này ở Việt Nam còn cao và BHYT chỉ thanh toán cho các trường hợp điều trị viêm gan C từ tuyến tỉnh trở lên. Đây là rào cản rất lớn đối với người bệnh HIV cũng như người đang điều trị methadone vì phần lớn trong số họ là có điều kiện kinh tế khó khăn và hiện đang điều trị tại các cơ sở y tế tuyến huyện.

Trong năm 2022, Cục Phòng chống HIV/AIDS đã điều trị cho 16.000 bệnh nhân ARV và bệnh nhân methadone bằng thuốc có tác dụng trực tiếp do Dự án Quỹ toàn cầu tài trợ. Tỷ lệ điều trị khỏi viêm gan C lên đến 97,4% ở những người hoàn thành phác đồ và đủ điều kiện làm xét nghiệm tải lượng vi rút viêm gan C. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với sức khỏe người bệnh, gánh nặng y tế và an sinh xã hội.

Phóng viên: Việc cung ứng thuốc ARV, trang thiết bị, vật tư trong năm qua gặp nhiều khó khăn, vậy có ảnh hưởng đến chất lượng điều trị HIV/AIDS như thế nào? Và Cục đã có những giải pháp nào để giải quyết trình trạng trên thưa ông?

PGS.TS. Phạm Đức Mạnh: Việc cung ứng thuốc ARV và thực hiện các xét nghiệm theo dõi điều trị vô cùng quan trọng trong việc duy trì, theo dõi hiệu quả điều trị của người bệnh. Nếu thuốc ARV cung ứng không đầy đủ, người bệnh HIV bị gián đoạn điều trị hoặc duy trì phác đồ điều trị không hiệu quả sẽ có nguy cơ kháng thuốc và thất bại điều trị. Việc kháng thuốc này còn tạo ra hệ lụy nữa là có thể sẽ làm xuất hiện tình trạng nhiễm HIV kháng thuốc. Nguyên nhân là khi điều trị ARV không hiệu quả, xuất hiện chủng HIV kháng thuốc. Điều này sẽ dẫn đến việc lây truyền chủng HIV kháng thuốc sang người khác qua quan hệ tình dục. Và khi người bệnh không được xét nghiệm tải lượng HIV thì cũng sẽ có rất nhiều bất lợi đối với công tác điều trị ARV.

Thực tế trong những năm qua, do nhiều nguyên nhân, bao gồm tác động của dịch Covid-19 đã dẫn việc cung ứng thuốc ARV nguồn BHYT bị chậm; xét nghiệm tải lượng HIV chưa kịp thời, số người được làm xét nghiệm tải lượng giảm.Trong đó, có một số khó khăn chính được kể đến như tác động của các chính sách phòng, chống dịch Covid-19, bệnh nhân bị thất nghiệp làm gián đoạn thẻ BHYT đã tác động đến việc duy trì điều trị ARV và các xét nghiệm hỗ trợ điều trị thanh toán qua BHYT. Đặc biệt, công tác mua sắm, đấu thầu thuốc BHYT, nguồn viện trợ hoặc nguồn ngân sách Nhà nước có nhiều khó khăn, phức tạp dẫn đến không mua được một số loại thuốc trong phác đồ, hoặc cung ứng chậm, không đúng tiến độ làm cho việc điều phối các nguồn thuốc trở lên phức tạp, tuy nhiên chưa để xảy ra tình trạng đứt thuốc của bệnh nhân.

Song song với đó, đối với xét nghiệm tải lượng HIV, tình trạng khan hiếm hoặc chậm cung ứng sinh phẩm là nguyên nhân dẫn đến số người điều trị ARV được xét nghiệm tải lượng HIV còn thấp. Điển hình như tại Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh đã dừng việc xét nghiệm tải lượng HIV từ đầu năm 2022 đến nay do thiếu sinh phẩm. Trong khi Viện Pasteur đang đảm nhiệm nhiệm vụ xét nghiệm cho toàn bộ bệnh nhân tại các trại giam khu vực phía Nam và các tỉnh miền Trung.

Để khắc phục tình trạng này, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã đưa ra một số giải pháp, trong đó, trọng tâm là phối hợp chặt chẽ với các đơn vị mua sắm thuốc ARV của BHYT để thực hiện các kế hoạch mua sắm bổ sung thuốc. Điều tiết thuốc ARV Các nguồn để hỗ trợ cho các cơ sở chưa có thuốc. Đồng thời, Cục sẽ làm việc với Quỹ toàn cầu đề nghị hỗ trợ thuốc ARV đối với các thuốc do BHYT và nguồn ngân sách Nhà nước chi trả nhưng không mua được. Làm việc với các đơn vị cung ứng xét nghiệm tải lượng, hướng dẫn các cơ sở điều trị điều chỉnh đơn vị ký hợp đồng xét nghiệm tải lượng HIV.

Bên cạnh đó, Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ hướng dẫn các địa phương sử dụng nguồn Dự án Quỹ toàn cầu tài trợ hoặc từ ngân sách địa phương trong việc hỗ trợ thẻ BHYT để người bệnh tiếp tục duy trì điều trị. Chúng tôi hy vọng rằng, những nỗ lực trên sẽ đảm bảo vẫn duy trì chất lượng điều trị ARV cho người bệnh.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Ông!