CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin hoạt động của Cục > Phỏng vấn PGS.TS Phan Thị Thu Hương nhân Tháng hành động ...

Thứ Bảy, 05/10/2024 | 23:37:13 GMT+7

Phỏng vấn PGS.TS Phan Thị Thu Hương nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022

29/10/2022 | 973 lượt xem | Vân Anh

Hình thái lây nhiễm dịch đang có sự thay đổi rõ rệt trong những năm gần đây. Vì vậy, cần thực hiện những giải pháp hữu hiệu đề ngăn chặn dịch HIV quay trở lại và ngăn sự lây nhiễm mới gia tăng trong cộng đồng.

PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS.
Nhân Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (10/11-10/12), Phóng viên có cuộc trao đổi với PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế để làm rõ hơn về vấn đề này.
Tỉ lệ nam giới nhiễm tăng nhanh
Xin bà cho biết xu hướng dịch HIV và sự thay đổi trong hình thái lây nhiễm dịch tại Việt Nam trong thời gian gần đây?
PGS.TS. Phan Thị Thu Hương: Tính đến cuối tháng 9/2022, số người nhiễm HIV đang còn sống được quản lý là 219.146 trường hợp. Số người nhiễm HIV tử vong lũy tích tính từ đầu vụ dịch đến nay là 112.146 trường hợp.
Riêng từ đầu năm đến tháng 9/2022, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 7.189 trường hợp nhiễm HIV. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV có 85% nam giới. Trong độ tuổi 16 - 29 (48,9%) và 30 - 39 (28,7%).
Xu hướng dịch có dấu hiệu giảm rõ rệt so với 15 năm trước mỗi năm có hơn 30.000 người nhiễm HIV được phát hiện nhiễm HIV thì những năm gần đây giảm khoảng 60% xuống còn số nhiễm phát hiện gần 10-12.000 nhiễm mỗi năm. Tuy nhiên, hình thái dịch có dấu hiệu thay đổi rõ ràng, nếu không có biện pháp phòng chống HIV/AIDS kịp thời phù hợp thì có nguy cơ dịch quay trở lại.
Khoảng 10 năm trở về trước lây truyền HIV chủ yếu qua đường máu qua nhóm nghiện chích ma tuý, tuy nhiên, từ 2013 đến nay, tỉ lệ lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn đã tăng dần từ 65% lên 82,2% vào năm 2022. Đặc biệt tỉ lệ nam giới nhiễm tăng nhanh, trong đó phần lớn là nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM).
Dự phòng trước phơi nhiễm PrEP là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp ngăn ngừa lây nhiễm HIV trong nhóm MSM, xin bà cho biết chương trình này đang được triển khai và đạt hiệu quả thế nào?
PGS.TS. Phan Thị Thu Hương: Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), PrEP đạt hiệu quả bảo vệ 97% qua QHTD và 74% qua đường tiêm chích. Vì thế ngay khi WHO khuyến cáo về hiệu quả PrEP, Việt Nam đã nghiên cứu áp dụng triển khai trong bối cảnh tình hình dịch có sự thay đổi, lây truyền HIV qua quan hệ tình dục là đường lây chính trong những năm gần đây và tỉ lệ nhiễm HIV tăng lên trong nhóm MSM.
Năm 2017, Việt Nam đã triển khai cung cấp dịch vụ PrEP thí điểm tại Hà Nội và TPHCM. Từ năm 2019 đến nay, với sự hỗ trợ từ các dự án PEPFAR và dự án Quỹ Toàn cầu, Bộ Y tế đã mở rộng cung cấp dịch vụ PrEP tại 29 tỉnh, thành phố với 210 cơ sở điều trị (49 cơ sở PrEP tư nhân) và nhiều mô hình cung cấp dịch vụ PrEP đa dạng được triển khai phối hợp.
Cụ thể, bao gồm: PrEP cung cấp trực tiếp tại các cơ sở y tế công lập, cơ sở tư nhân bao gồm cả phòng khám tư nhân do cộng đồng làm chủ (MSM, người chuyển giới làm chủ); PrEP và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho khách hàng (One Stop Shop - OSS); PrEP lưu động; PrEP từ xa (TelePrEP); PrEP tại Trạm y tế xã lồng ghép trong chăm sóc sức khỏe ban đầu; PrEP tại cộng đồng (kết nối CBOs trong xét nghiệm tại cộng đồng và phối hợp với cơ sở y tế trong cung cấp dịch vụ PrEP).
Việc triển khai chương trình dự phòng trước phơi nhiễm PrEP đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Từ năm 2017 đến tháng 9/2022, tổng số khách hàng sử dụng ít nhất 1 lần dịch vụ PrEP là 60.265 khách hàng. Trong số khách hàng hiện đang dung PrEP có 94,6% đang uống PrEP hằng ngày và 5,4% đang uống PrEP theo tình huống; 80% khách hàng là nhóm MSM; 72% là khách hàng trẻ trong độ tuổi từ 20 đến 34 tuổi.
Tăng cường truyền thông giảm kì thị phân biệt đối xử
Xin bà cho biết khó khăn, thách thức khi triển khai chương trình và những giải pháp gì để giải quyết những khó khăn này?
PGS.TS. Phan Thị Thu Hương: Chúng ta có thể đến những khó khăn, thách thức đối với cá nhân, môi trường, dịch vụ, nguồn lực và quy định.
Cụ thể, đối với cá nhân: Bản thân các bạn trẻ còn thiếu thông tin và kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, HIV/AIDS và các biện pháp dự phòng bao cao su, PrEP. Có nhiều trường hợp chưa dám bộc lộ/chia sẻ tình trạng nguy cơ của bản thân. Bên cạnh đó, có những trường hợp tự kì thị bản thân khi sử dụng dịch vụ.
Về môi trường: Đối với cộng đồng song tính, đồng tính và chuyển giới LGBTIQ+, sẽ có xuất hiện thêm sự kì thị kép. Sự kì thị kép từ cộng đồng, xã hội bên ngoài và sự kì thị đến từ trong cộng đồng LGBT nói chung và cộng đồng MSM nói riêng. Ngoài ra, kỳ thị liên quan đến HIV/AIDS và định kiến về giới vẫn còn nặng nề và do xã hội đang ngày càng phát triển nên nhiều bạn trẻ dễ bị hấp dẫn bởi nhiều thứ mới lạ.
Do thiếu kiến thức nên một vài người đã tự dán nhãn PrEP là những người có nguy cơ cao, lăng nhăng, nhiều bạn tình.
Bên cạnh đó, các vấn đề về sức khỏe tinh thần của khách hàng gặp phải trong cuộc sống, tình trạng sử dụng ma túy (đá, kẹo,..) gia tăng, tuân thủ điều trị kém hơn…
Về dịch vụ: Các dịch vụ chăm sóc toàn diện khách hàng còn hạn chế và chưa được đầy đủ, phủ rộng như chăm sóc sức khỏe tinh thần, tư vấn nội tiết,…
Đối với khó khăn về nguồn lực: Nguồn lực hạn chế, chưa mở rộng hết độ bao phủ hoạt động PrEP tại 63 tỉnh, thành phố, cũng như tiếp cận các nhóm đích là học sinh, sinh viên, công nhân.
Và cuối cùng là quy định, đó là quy định khám, chữa bệnh cho người dưới 15 tuổi cần người giám hộ, trong khi nhiều bạn trẻ (dưới 15 tuổi) có nhu cầu sử dụng PrEP.
Theo tôi chúng ta cần phải thực hiện những giải pháp sau:
Tăng cường truyền thông, cung cấp thông tin qua các sự kiện cộng đồng, các mạng lưới tại địa phương, nhóm đồng đẳng,…
Tăng cường truyền thông giảm kì thị phân biệt đối xử; Truyền thông đại chúng cung cấp thông tin mới về kiến thức HIV/AIDS, giới và xu hướng tính dục ma túy đá,…; Tăng cường, sáng tạo nhiều mô hình cung cấp dịch vụ, triển khai hiệu quả hơn nữa.
Vận động các nhà tài trợ, ngân sách Nhà nước và địa phương tiếp tục mở rộng độ bao phủ triển khai PrEP, kết hợp đa dạng các mô hình đã triển khai và sáng kiến mới về cung cấp dịch vụ PrEP tại các tỉnh có dự án.
Đẩy mạnh việc phối hợp với các ban ngành liên quan như Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS HCM, Bộ Giáo dục đào tạo, Hội học sinh, sinh viên để tiếp cận nhiều người nguy cơ cao nhiễm HIV được nhận dịch vụ dự phòng.
Tuyên truyền, truyền thông các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV trong trường học như sinh hoạt, ngoại khóa...
Xin bà cho biết, tại sao Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay lấy chủ đề "Chấm dứt dịch AIDS – Thanh niên sẵn sàng"?
PGS.TS. Phan Thị Thu Hương: Trước hết chúng ta cần biết, kết thúc dịch AIDS không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do AIDS mà kết thúc dịch AIDS có nghĩa là khi đó AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng.
Mục tiêu kết thúc dịch AIDS là khi Việt Nam đạt được các tiêu chí sau: Số người nhiễm HIV phát hiện dưới 1.000 ca mỗi năm. (Hiện nay >10.000 ca/năm); Tỉ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến AIDS <1/100.000 dân (Hiện nay, ước tính 3,5 người/100.000 dân); Tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con <2% (Hiện nay 6%).
Số người nhiễm mới và số người tử vong do AIDS đã giảm hơn 2/3 so với 10 năm trước đây. Tuy nhiên, dịch HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ quay trở lại còn cao, có xu hướng gia tăng nhiễm mới nhất là nhóm thanh thiếu niên trẻ, nhóm MSM và các can thiệp cho nhóm này rất khó khăn vì quần thể này ẩn, khó tiếp cận.
Theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2021, tỉ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV ở nam và nữ 15-24 tuổi chỉ dưới 50%. Tỉ lệ có thái độ phân biệt đối xử với HIV ở nam và nữ 15-24 tuổi là gần 40%. Như vậy, nhóm tuổi này có kiến thức, thái độ rất hạn chế so với mục tiêu đặt ra chung của người dân Việt Nam 15-49 tuổi là 80% ở cả hai chỉ số trên.
Đáng lưu ý, việc thiếu các thông tin về phòng chống HIV/AIDS trong thanh thiếu niên, tình trạng kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và với nhóm nguy cơ cao là rào cản việc tiếp cận các dịch vụ và biện pháp can thiệp với nhóm quần thể đích và không thể ngăn chặn được dịch, vì vậy sự vào cuộc và đóng góp của Thanh niên rất quan trọng cần tiên phong cho công cuộc phòng chống AIDS đúng như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn: Đâu cần Thanh niên có, đâu khó có thanh niên.
Xin trân trọng cảm ơn bà!