CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin hoạt động của Cục > Sự đóng góp của khu vực tư nhân trong 10 năm công tác ...

Thứ Năm, 25/04/2024 | 21:31:14 GMT+7

Sự đóng góp của khu vực tư nhân trong 10 năm công tác phòng, chống HIV/AIDS

27/11/2022 | 950 lượt xem | Trung Bách

Khu vực tư nhân (gồm doanh nghiệp xã hội trong nước, công ty y tế và dược phẩm đa quốc gia, công ty truyền thông đa phương tiện), đã đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng khả năng tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ HIV với giá cả phải chăng cho cộng đồng của các nhóm nguy cơ cao nhất, trong suốt thập kỷ qua.

Đó là cộng đồng những người nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), chuyển giới, bán dâm, tiêm chích ma túy và bạn tình cũng như gia đình của họ, thanh niên trẻ, và công nhân làm việc trong các khu công nghiệp…
Chính phủ luôn ghi nhận vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS qua nhiều năm qua, cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 và Quốc hội thông qua Luật phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi, trong đó các chính sách và giải pháp về đa dạng nguồn lực tài chính cho chương trình HIV; tăng cường sự tham gia đóng góp và đầu tư của khu vực tư nhân trong chương trình HIV/AIDS; mở rộng cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm là một phần trong các nỗ lực ứng phó với HIV.

Kế hoạch 2129/2022/KH-BYT của Bộ Y tế mới ban hành nhằm Tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS và thảo luận cơ chế hợp tác triển khai kế hoạch và thúc đẩy phối hợp công - tư mạnh mẽ trong những năm tới. Kế hoạch này là hướng dẫn toàn diện đầu tiên của quốc gia chỉ đạo sự tham gia của khu vực tư nhân trong chương trình HIV nhằm hỗ trợ triển khai Chiến lược Chấm dứt dịch bệnh AIDS của Chính phủ Việt Nam vào năm 2030; cung cấp các chỉ số đo lường chính và lộ trình thúc đẩy sự tham gia và đầu tư của khu vực tư nhân.

Vậy vai trò của khu vực tư nhân trong phòng, chống HIV/AIDS là gì?

Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam liên tục đạt ba giảm: giảm số người mới nhiễm HIV, giảm số chuyển sang AIDS và giảm số tử vong liên quan đến HIV/AIDS; kiểm soát tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%. Trong bối cảnh mới, công tác phòng, chống HIV/AIDS cũng đã có những thay đổi nhằm đáp ứng tình hình dịch tễ HIV/AIDS, đó là sự cần thiết phát triển các phương pháp can thiệp dự phòng mới, như điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV cho các nhóm nguy cơ lây nhiễm HIV cao, mở rộng các phương thức xét nghiệm HIV, mở rộng chương trình điều trị thuốc kháng HIV nhằm làm giảm lượng vi rút HIV trong máu đến ngưỡng không lây truyền HIV cho người khác. Tuy nhiên, tình hình lây nhiễm HIV trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam, nhóm vợ, bạn tình của người nhiễm HIV tăng nhanh, trong khi nhóm này khó nhận dạng, khó tiếp cận do kỳ thị. Do đó, cần thay đổi, đa dạng các phương pháp, mô hình để tăng sư tiếp cận và sử dụng dịch vụ dự phòng HIV trong nhóm có hành vi nguy cơ.
Đối với chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, khu vực tư nhân đã tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ, đóng góp đáng kể nguồn lực tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS thời gian vừa qua. Tổng kinh phí khu vực tư nhân cho Chương trình phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013-2020 ước khoảng 258 tỷ đồng, chiếm 1,36% tổng chi cho HIV/AIDS. Để đảm bảo nguồn lực tài chính nhằm kết thúc bệnh dịch AIDS vào năm 2030 trong bối cảnh nguồn viện trợ quốc tế đang cắt giảm nhanh, tự chủ các nguồn lực tài chính trong nước thông qua huy động các nguồn lực đầu tư và thế mạnh cung cấp dịch vụ của khu vực tư nhân cho công tác phòng, chống HIV/AIDS là một ưu tiên bên cạnh việc vận động, huy động nguồn ngân sách nhà nước trung ương và địa phương, nguồn quỹ bảo hiểm y tế (BHYT). Các giải pháp tăng cường huy động các nguồn xã hội hóa từ người sử dụng dịch vụ, các cá nhân, tổ chức và khu vực tư nhân cần được triền khai và mở rộng nhằm duy trì cung cấp bền vững dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV.
Khu vực tư nhân là các doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn hoạt động trong lĩnh vực chính thức và phi chính thức như các công ty đa quốc gia, các công ty trong và ngoài nước kinh doanh về dược phẩm, trang thiết bị y tế, trí tuệ nhân tạo, truyền thông xã hội. Các doanh nghiệp thương mại kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với mục đích tạo thu nhập và góp phần giúp tăng trưởng bền vững cho doanh nghiệp xã hội, các tổ chức phi chính phủ và tổ chức cộng đồng. Khu vực tư nhân đã phát triển vai trò như nhà cung cấp hàng hóa, với việc sản xuất, phân phối và bán bao cao su, bơm kim tiêm và hiện đang tham gia tích cực trong việc cung cấp và đa dạng hóa các sinh phẩm xét nghiệm HIV (test nhanh và tự test), thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV (PrEP), các hoat động tư vấn, nghiên cứu, và vận động chính sách. Bên cạnh đó phải kể đến sự hình thành và phát triển của nhóm cộng đồng, đã có một sự chuyển đổi cơ chế hoạt động từ các nhóm cộng đồng phụ thuộc thuần túy vào kinh phí tài trợ sang mô hình tự chủ, là doanh nghiêp xã hội, phòng khám tư nhân tạo thu nhập để có thể tái đầu tư vào các lĩnh vực họ đang hoạt động như dự phòng, xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm HIV, bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, xét nghiệm và điều trị viêm gan virus, dịch vụ tự xét nghiệm, chăm sóc và điều trị cho những người sống chung với HIV, liên quan đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu thông qua trợ giá hoàn toàn, trợ giá một phần hoặc cung cấp thương mại chăm sóc và hỗ trợ tuân thủ điều trị. Một số khu vực tư nhân đang tham gia dưới hình thức kí hợp đồng với cơ sở y tế nhà nước và các dự án để tăng cường tính bền vững trong cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV. Các hàng hóa và dịch vụ của khu vực tư nhân tạo nên phương pháp tiếp cận thị trường tổng thể (TMA) nhằm đáp ứng các nhu cầu và sở thích đa dạng của cộng đồng đích và người sống chung với HIV, và từ đó có thể tăng tỷ lệ cộng đồng đích và người sống chung với HIV tham gia vào công tác phòng ngừa, xét nghiệm và điều trị.
Các lĩnh vực tiềm năng mà khu vực tư nhân đầu tư, cung cấp cho chương trình HIV có thể mở rộng trong thời gian tới có thể kể đến như:
- Lĩnh vực truyền thông tạo cầu, như phát sóng, quảng bá sản phẩm và dịch vụ, phát triển các ứng dụng, nền tảng đặt dịch vụ, và sử dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo cho tiếp thị và truyền thông, tổ chức các sự kiện.
- Tiếp cận và tư vấn tiếp cận và sử dụng dịch vụ HIV.
- Xét nghiệm HIV và bệnh lây nhiễm qua đường tình dục: Đăng ký sản phẩm; Giảm giá và khuyến mại sản phẩm; Tiếp thị và quảng cáo; Phát triển mạng lưới cung ứng và phân phối, cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV và bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, tự xét nghiệm HIV.
- Dịch vụ dự phòng và điều trị PrEP, nPEP: Đăng ký và phân phối sản phẩm, Giảm giá sản phẩm; Cho/biếu/tặng sản phẩm; Cung cấp dịch vụ PrEP.
- Chăm sóc và điều trị HIV: Đăng ký điều trị ARV và nhiễm trùng cơ hội; Giảm giá sản phẩm; Cho/biếu/tặng sản phẩm; Cung cấp dịch vụ ART.
- Phát triển thị trường bao cao su và chất bôi trơn, bơm kim tiêm: Sản xuất và đăng ký sản phẩm, Tiếp thị và quảng cáo, Giảm giá và tặng sản phẩm, Xây dựng và phát triển mạng lưới phân phối.
- Phát triển các phòng khám tư nhân do cộng đồng/người sống chung với HIV làm chủ cung cấp dịch vụ thân thiện chăm sóc sức khỏe ban đầu và HIV: mở các phòng khám đa khoa, phòng khám nội nhằm cung cấp các dịch vụ toàn diện cho khách hàng.
- Đào tạo và củng cố năng lực cho người cung cấp dịch vụ sức khỏe (chuyên nghiệp và không chuyên): Cung cấp hỗ trợ các đào tạo, hội thảo giáo dục và cố vấn trước và trong khi cung cấp dịch vụ.
- Hệ thống thông tin y tế và các công cụ hệ thống y tế kỹ thuật số: Phát triển bền vững các công cụ dữ liệu/kỹ thuật số cho phép báo cáo, thu thập, sử dụng và hiển thị dữ liệu tốt hơn.

- Tham gia các hoạt động nghiên cứu, cung cấp bằng chứng nhằm vận động, thay đổi chính sách.

Một số thế mạnh của khu vực tư nhân khi tham gia cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS bao gồm:
(i) Tính bảo mật và khả năng tiếp cận
- Mặc dù phải trả phí cho dịch vụ và thuốc men, nhiều người nhiễm HIV/các nhóm nguy cơ cao vẫn chọn khu vực tư nhân để điều trị vì tính bảo mật, riêng tư, khả năng tiếp cận dễ dàng, thời gian mở cửa linh hoạt, ít thủ tục hành chính, thời gian chờ đợi ít, cán bộ y tế thân thiện, ít phán xét, tôn trọng bảo mật thông tin và danh tính của người bệnh.
- Khi chuyển đổi sang điều trị thuốc kháng HIV nguồn quỹ BHYT, ước tính 8-10% người bệnh lựa chọn điều trị tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS tư nhân. Trong khi đó ước tính 5% người sống chung với HIV muốn tự trả tiền túi cho các dịch vụ ART tại phòng khám tư. Những khách hàng ART này lựa chọn cơ sở y tế tư nhân vì lý do đây là nơi cung cấp dich vụ an toàn cho một bộ phận không nhỏ người nhiễm HIV còn lo ngại kỳ thị và không muốn bộc lộ danh tính.
(ii) Dịch vụ thân thiện và đang dạng hóa mô hình cung cấp dịch vụ
- Với khả năng dễ tiếp cận với nhóm nguy cơ cao khu vực tư nhân có thể có những đóng góp quan trọng và hiệu quả trong nhiều chương trình phòng chống và điều trị HIV/AIDS thông qua tiếp cận và xét nghiệm, chuyển gửi tới các dịch vụ HIV/AIDS bao gồm xét nghiệm, PrEP, nPEP, ART, bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, quản lý viêm gan virus, chăm sóc khẳng định giới tính, can thiệp sử dụng chất và chăm sóc sức khỏe tâm thần.
- Các mô hình và hình thức cung cấp hàng hóa và dịch vụ liên quan đến HIV đang được mở rộng và đa dạng hóa với sự tham gia của các phòng khám tư nhân, phòng khám tư nhân do cộng đồng làm chủ, các phòng khám dịch vụ thân thiện, tổ chức dựa vào cộng đồng, các doạnh nghiệp xã hội và các nhà thuốc để đáp ứng các lựa chọn của khách hàng như bán bao cao su, bơm kim tiêm, cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm HIV và tư vấn chuyển gửi khách hàng tiếp cận các dịch vụ PrEP, PEP…
- Khu vực tư nhân tham gia một cách đáng kể trong chẩn đoán và điều trị STI. Các cơ sở y tế cung cấp nhiều dịch vụ từ tư vấn, xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị. Đồng thời, khu vực tư nhân cũng cho thấy họ có năng lực và khả năng thực hiện có hiệu quả trong các trường hợp điều trị STI thông thường. Khu vực tư nhân có thể tham gia cung cấp được nhiều lĩnh vực hơn hơn nữa nếu họ được đào tạo, tăng cường năng lực và có được những cơ chế khuyến khích phù hợp.
(iii) Tính sẵn sàng và thủ tục đơn giản trong cung cấp dịch vụ
- Dịch vụ khám chữa bệnh và cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS có thể thực hiện bất kỳ thời gian nào.
- Thủ tục tiếp cận trong khám chữa bệnh tại các phòng khám tư nhân đơn giản. Rất nhiều phòng khám hiện nay đã ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT nên không có sự khác biệt về chất lượng dịch vụ giữa phòng khám của khu vực tư nhân và phòng khám của nhà nước.

Tuy nhiên bên cạnh đó sư tham gia của khu vực tư nhân vẫn còn những hạn chế:
- Điều kiện là cơ sở khám, chữa bệnh BHYT các cơ sở điều trị HIV/AIDS của tư nhân còn phải hoàn thiện rất nhiều về năng lực, trình độ chuyên môn và khi tham gia cung cấp dịch vụ.
- Dịch vụ khám chữa bệnh của khu vực tư nhân thường không đa dạng toàn diện, chất lượng thường kém hơn y tế nhà nước vì nhân viên được đào tạo ít hơn (đặc biệt những người cung cấp dịch vụ không chuyên), cơ sở vật chất không được trang bị như nhà nước (trừ một số bệnh viện tư ở các thành phố lớn).
- Các bệnh viện tư nhân cung cấp dịch vụ vì mục tiêu lợi nhuận, giá cả thường cao nên cũng có phần làm cho nhóm đối tượng nguy cơ cao, trong đó có những nhóm thu nhập thấp so với dân số chung không có khả năng chi trả khó tiếp cận. Một số phòng khám và bệnh viện tư nhân không muốn tham gia chăm sóc và điều trị ARV vì lo lắng bị phơi nhiễm, hay lo sợ bệnh nhân các bệnh khác của mình bỏ đi vì biết cơ sở điều trị cho người nhiễm. Bên cạnh đó, khu vực tư nhân lo lắng vì sợ không được bảo vệ về mặt pháp lý nếu bệnh nhận HIV không may tử vong hay tai biến tại cơ sở mình.
- Mạng lưới các nhà cung cấp tư nhân cho các dich vụ HIV vẫn đang ở giai đoạn đầu và cần được hỗ trợ thêm để mở rộng và đảm bảo tính bền vững.
- Về mặt pháp lý khu vực tư nhân được khuyến khích tham gia cung ứng các dịch vụ và hàng hóa HIV/AIDS, song nhiều qui định chuyên môn hay qui định hành chính còn chung chung, không rõ ràng cũng như không đầy đủ dẫn đến việc khó áp dụng khi triển khai trên thưc tế, ví dụ các chính sách hỗ trợ doanh nghiêp xã hội tham gia trong công tác phòng chống HIV. Nhiều qui định về điều kiện nhân lực và cơ sở vật chất vượt quá xa so với điều kiện và khả năng của tư nhân có thể tham gia.