CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin địa phương > Tăng cường điều trị đồng nhiễm Viêm gan C với HIV

Thứ Ba, 21/01/2025 | 08:39:46 GMT+7

Tăng cường điều trị đồng nhiễm Viêm gan C với HIV

24/10/2022 | 3188 lượt xem | Vân Anh

Hiện nay, BHYT chỉ thanh toán cho các trường hợp điều trị viêm gan C từ tuyến tỉnh trở lên. Đây là rào cản rất lớn đối với bệnh nhân đồng nhiễm viêm gan C/HIV, cũng như bệnh nhân viêm gan C đang điều trị Methadone.

Ước tính trên 50.000 người nhiễm HIV mắc viêm gan C mạn tính
Bệnh viêm gan C hiện vẫn đang là vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng, ảnh hưởng tới 185 triệu người trên thế giới. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 3% dân số mắc và có khoảng 130-170 triệu người bị nhiễm viêm gan C. Trong số này, có 70% người chuyển thành viêm gan C mạn tính. Năm 2019, toàn cầu có 1,5 triệu người nhiễm mới viêm gan virus C và 290.000 người tử vong vì viêm gan virus C.
Hiện Việt Nam là quốc gia đứng thứ 5 trong số 10 quốc gia có tỉ lệ tử vong do ung thư gan cao nhất trên toàn cầu. Theo ước tính của Tổ chức Y tế và Bộ Y tế năm 2021, khoảng 6,6 triệu người nhiễm viêm gan B (HBV) mạn tính và hơn 900.000 người nhiễm viêm gan C (HCV) mạn tính tại Việt Nam.
Xơ gan và ung thư gan tiếp tục tăng nếu không mở rộng nhanh bao phủ chẩn đoán và điều trị viêm gan B và viêm gan C. Ước tính có trên 50.000 người nhiễm HIV mắc viêm gan C mạn tính.
Tại Việt Nam, theo kết quả giám sát được Bộ Y tế thực hiện năm 2018, tỉ lệ nhiễm virus viêm gan C mạn tính ở người nhiễm HIV khoảng 30% (22-44%), ở người tiêm chích ma túy từ 40-90%. Như vậy, có thể thấy viêm gan virus C đang là một vấn đề sức khỏe ở người có hành vi nguy cơ cao hiện nay tại Việt Nam.
Trong những người đồng nhiễm HIV/viêm gan C có xơ gan giai đoạn đầu, tỉ lệ sống được 3 năm là 87%. Ngược lại, nếu có xơ gan giai đoạn cuối, tỉ lệ sống được 2 năm chỉ có 50%. Việc điều trị viêm gan C cho các bệnh nhân đồng nhiễm HIV đã giúp cho họ sống vui khỏe, tiếp tục ổn định điều trị ARV.
Hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn xét nghiệm viêm gan C (năm 2020) để cán bộ y tế ở tuyến huyện có thể thực hiện sàng lọc, xét nghiệm viêm gan C. Ngoài ra, các hướng dẫn điều trị cũng liên tục được cập nhật, trong đó có phần  hướng dẫn chẩn đoán điều trị đồng nhiễm HIV/viêm gan C.
Đối với những bệnh nhân nhiễm HIV bị đồng nhiễm viêm gan C, thì tình trạng viêm gan C ở người nhiễm HIV có thể làm tăng nhanh quá trình tiến triển đến xơ gan so với người không nhiễm HIV. Ngay cả ở những người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C đã được điều trị thuốc ARV và có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế thì nguy cơ xơ gan vẫn cao hơn ở người không nhiễm HIV.
Đề xuất đưa điều trị đồng nhiễm viêm gan C/HIV vào danh mục được BHYT chi trả ở tuyến quận, huyện
Hiện điều trị viêm gan C đã được BHYT chi trả. Tuy nhiên, giá thành điều trị viêm gan C ở Việt Nam còn cao và BHYT chỉ thanh toán cho các trường hợp điều trị viêm gan C từ tuyến tỉnh trở lên, do đó vẫn có nhiều bệnh nhân chưa tiếp cận được với điều trị viêm gan C do BHYT chi trả.
Đây là rào cản rất lớn đối với người bệnh đồng nhiễm viêm gan C/HIV, cũng như người đang điều trị Methadone vì phần lớn trong số họ điều kiện kinh tế khó khăn và đang điều trị tại các cơ sở y tế tuyến huyện. Việc điều trị viêm gan C cho các bệnh nhân đồng nhiễm HIV đã giúp cho họ sống vui khỏe, tiếp tục ổn định điều trị ARV.
Bên cạnh khó trong công tác điều trị, chia sẻ khó khăn trong quá trình triển khai điều trị viêm gan C cho người đồng nhiễm HIV và điều trị Methadone, Ths. Nguyễn Ngọc Linh, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Long An cho biết, tại Long An nhiều bệnh nhân chưa nhận thức về sự nguy hiểm của viêm gan C và việc cần thiết phải điều trị. Đa số bệnh nhân không có khả năng tự chi trả xét nghiệm tải lượng viêm gan C và còn nhiều bệnh nhân chưa có BHYT, BHYT cận hoặc hết hạn… Điều này đã làm tình trạng bệnh tiến triển nặng nhanh hơn.
Hiện Long An có 3.310 người nhiễm HIV còn sống đang quản lý, trong đó có 3.094 người đang điều trị thuốc ARV (thuốc kháng virus HIV), số bệnh nhân được xét nghiệm tải lượng virus chỉ có 2.535 người.
Hiện Long An đang có 7 phòng khám ngoại trú điều trị ARV, trong đó 5/7 phòng khám triển khai điều trị viêm gan C; 4 đơn vị vừa điều trị Methadone, HIV/AIDS và viêm gan C. Đến nay, kết quả điều trị viêm gan C ở Long An chưa thực hiện được tải lượng virus viêm gan C lần 2 do tỉnh chưa có chính sách xét nghiệm tải lượng virus viêm gan C qua BHYT, nhiều bệnh nhân không có tiền tự túc mua dịch vụ.
TS.BS Lã Thị Lan, Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho biết, điều trị viêm gan C mang lại hiệu quả cao (tỉ lệ khỏi bệnh tại Hà Nội trên 96%), nếu triển khai đồng bộ và diện rộng, có thể loại trừ được viêm gan C mặc dù còn rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai.
Đại diện CDC Hà Nội kiến nghị và đề xuất, đưa điều trị viêm gan C ở những người đồng nhiễm HIV/viêm gan C và điều trị Methadone vào danh mục được BHYT chi trả ở tuyến quận, huyện như thuốc ARV.
TS.BS Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nhận định, Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực có gánh nặng viêm gan siêu vi cao. Những người nhiễm HIV và những người tiêm chích ma túy có nguy cơ mắc bệnh viêm gan C cao hơn. Bệnh gan do nhiễm HCV nổi lên như một mối đe dọa lớn đối với sự sống còn của bệnh nhân HIV.
Đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, bệnh nhân đồng nhiễm HIV/HCV có tiến triển nhanh hơn đến xơ gan và các biến chứng của nó so với bệnh nhân đơn nhiễm HCV. Do đó, để giảm tỉ lệ tử vong trong những quần thể này, điều quan trọng là các dịch vụ viêm gan C cần phải sẵn có và những người có nhu cầu có thể tiếp cận được.

Tư vấn cho bệnh nhân xét nghiệm Viêm gan C và HIV
Theo Chiến lược Y tế toàn cầu của WHO về HIV, các quốc gia cần ưu tiên, tối ưu hóa đáp ứng với HIV, viêm gan virus. Trong thời gian tới, để công tác này đạt hiệu quả cao, Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ tiếp tục điều phối, sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ từ Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS và huy động nguồn lực quốc tế để điều trị sớm viêm gan C cho người nhiễm HIV, người đang điều trị Methadone.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam hiện có khoảng 7,8 triệu người nhiễm viêm gan virus B mạn tính và gần 1 triệu người nhiễm viêm gan virus C mạn tính. Trong số này, tỉ lệ người nhiễm viêm gan C đồng nhiễm HIV khá cao. Các nghiên cứu gần đây cho thấy tại Việt Nam, tỉ lệ nhiễm viêm gan C trên người nhiễm HIV khoảng 34,4% (26- 44%).
Hiện toàn quốc hiện phát hiện khoảng 230.000 người nhiễm HIV, trong đó khoảng 213.800 trường hợp còn sống, trong số này có trên 156.000 người đang điều trị thuốc ARV. Một số người nhiễm HIV đang điều trị đồng thời thuốc ARV và Methadone.
Tình trạng nhiễm virus viêm gan C ở người nhiễm HIV có thể làm tăng nhanh tỉ lệ xơ hóa tiến triển và xơ gan so với người chỉ nhiễm viêm gan C. Ngay cả ở những người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C đã được điều trị thuốc ARV và có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế thì nguy cơ xơ gan mất bù vẫn cao hơn ở người chỉ nhiễm viêm gan C.
Đại diện Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, Việt Nam đã và đang triển khai các biện pháp nhằm mở rộng dịch vụ chẩn đoán và điều trị viêm gan C cho người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C. Từ cuối năm 2018, chi phí thuốc DAA điều trị viêm gan C đã bắt đầu được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả với tỉ lệ thanh toán bảo hiểm là 50%.
Từ năm 2021, Quỹ Toàn cầu Phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét hỗ trợ miễn phí thuốc điều trị viêm gan C bằng phác đồ Sofosbuvir và Daclatasvir. Qua đó đã có 16.000 người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C được điều trị tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS của 32 tỉnh/thành phố trên cả nước. Người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C được theo dõi đồng thời đối với điều trị thuốc ARV và viêm gan C ngay tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS từ tuyến quận/huyện trở lên.
Bên cạnh việc thuốc điều trị viêm gan C được cấp miễn phí, người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C sẽ được chi trả các dịch vụ khác như xét nghiệm chẩn đoán viêm gan C theo quyền lợi và mức hưởng của Quỹ Bảo hiểm y tế và các xét nghiệm khác theo quy định.