CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin hoạt động của Cục > Tập huấn cập nhật các thông tin khoa học về K=K cho các tổ ...

Thứ Ba, 21/01/2025 | 08:37:59 GMT+7

Tập huấn cập nhật các thông tin khoa học về K=K cho các tổ chức cộng đồng

27/06/2024 | 500 lượt xem | Bá Lợi

Ngày 26 - 27/6/2024 tại TP Hồ Chí Minh, với sự hỗ trợ của Dự án Tăng cường kỹ thuật phòng chống HIV/AIDS (Dự án Epic) do CDC Hoa Kỳ tài trợ, Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức lớp tập huấn cập nhật các thông tin khoa học về K=K cho các tổ chức cộng đồng
 

 

Tham dự lớp tập huấn có Ths.Bs. Đỗ Hữu Thủy, Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, bà Jacquelyn Sunshine Lickness - Phó giám đốc Văn phòng CDC Hoa Kỳ, cán bộ thuộc Dự án CDC EPIC, các chuyên gia đến từ tổ chức BIDMC, các cán bộ của CDC 7 tỉnh/thành phố và các nhóm cộng đồng.
Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, Ths.Bs. Đỗ Hữu Thủy, Phó Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV – Cục Phòng, chống HIV/AIDS, cho biết, việc triển khai chiến dịch K=K đã mang lại nhiều lợi ích cho người nhiễm HIV và cộng đồng. "Không phát hiện = Không lây truyền" hay còn gọi là K=K hay U==U là một thông điệp trong các chiến dịch kiểm soát HIV/AIDS trên thế giới. Chiến dịch này không chỉ giúp giảm kỳ thị đối với người nhiễm HIV mà còn giúp họ có thể sống một cuộc sống khỏe mạnh như người bình thường. Chiến dịch K=K đã được triển khai tại Việt Nam từ năm 2019 và đã làm thay đổi về quan niệm nhiễm HIV không còn là bệnh nan y mà là một bệnh truyền nhiễm mãn tính có thể dự phòng và điều trị được. Thông qua lớp tập huấn được tổ chức nhằm cập nhật các thông tin khoa học cũng như nâng cao năng lực tư vấn K=K cho các tổ chức cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Phát biểu khai mạc, bà Sunshine cho biết kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên ở Việt Nam năm 1990 đến khi điều trị bằng thuốc kháng virus vào năm 1997, đã có nhiều tiến bộ khoa học về HIV. HIV từ bản án tử hình đã trở thành bệnh mãn tính có thể kiểm soát. Thông điệp K=K đã mở ra kỷ nguyên mới, với 98% người nhiễm HIV tại Việt Nam đạt tải lượng virus không phát hiện. Tuy nhiên, kiến thức về K=K không đồng đều, đặc biệt thấp hơn ở các tỉnh không thuộc PEPFAR. UNAIDS báo cáo sự kỳ thị vẫn cao, đặc biệt với phụ nữ chuyển giới và thanh niên nam quan hệ đồng tính, là rào cản lớn trong kiểm soát HIV. CDC Hoa Kỳ tin rằng K=K là công cụ mạnh để giảm kỳ thị HIV. Vai trò của cộng đồng rất quan trọng trong lan truyền thông điệp này, khuyến khích xét nghiệm và điều trị, nâng cao tự tin của người nhiễm HIV, và thay đổi cách nhìn về HIV.
 

          Jacquelyn Sunshine Lickness - Phó giám đốc Văn phòng CDC Hoa Kỳ
Tại lớp tập huấn, Bs Đỗ Hữu Thủy đã cập nhật thông tin về K=K, theo hướng dẫn mới của Tổ chức Y tế thế giới: Khi một người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng HIV trong máu dưới ngưỡng ức chế (dưới 1000 bản sao/1 mL máu) thì gần như không làm lây truyền HIV sang bạn tình khi quan hệ tình dục. Bên cạnh đấy, Bs Thủy cũng chia sẻ thêm một số các kết quả triển khai K=K tại Việt Nam hiện nay với 87% khách hàng báo cáo rằng quen với thông điệp K=K, 93% khách hàng nghe về K=K từ cán bộ y tế cung cấp dịch vụ. Điều này khẳng định tầm quan trọng của việc lan tỏa thông điệp K=K và vai trò của cộng đồng trong công tác phòng chống HIV/AIDS.
 
Ông Nguyễn Anh Phong – Đại diện VNP+ chia sẻ thêm về tầm quan trọng của thông điệp K=K với các tổ chức cộng đồng cũng như những khó khăn khi truyền thông, tư vấn về K=K.
TS.Bs Nguyễn Trọng Thắng của Dự án Epic cho biết 3 thời điểm tư vấn K=K giúp cải thiện tuân thủ điều trị ARV: thời điểm thứ nhất tại thời điểm thiếp cận cộng đồng hoặc xét nghiệm HIV để khuyến khích xét nghiệm và liên kết với điều trị ARV, thời điểm thứ hai tại thời điểm bắt đầu điều trị ARV để khuyến khích điều trị ARV và tuân thủ điều trị, giảm tự kỳ thị và hỗ trợ hoạt động tình dục mà không phải lo lắng đến việc lây nhiễm HIV cho bạn tình, thời điểm thứ ba tại thời điểm xét nghiệm/ trả kết quả tải lượng virus để chúc mừng những người đạt tải lượng virus không thể phát hiện và khuyến khích tiếp tục tuân thủ điều trị ARV.
 
Tham gia vào lớp tập huấn, các tổ chức cộng đồng có cơ hội trao đổi, học hỏi lẫn nhau, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống HIV/ADIS trong cộng đồng. Các hoạt động thảo luận, làm việc nhóm giúp các đại biểu áp dụng kiến thức vào thực tế, đồng thời phát huy vai trò của các tổ chức cộng đồng trong việc tuyên truyền và hỗ trợ người nhiễm HIV.

 
                                     Toàn cảnh buổi tập huấn