CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin địa phương > Tập huấn về Không phát hiện = Không lây truyền tại Bình ...

Chủ Nhật, 15/09/2024 | 16:13:02 GMT+7

Tập huấn về Không phát hiện = Không lây truyền tại Bình Dương

02/10/2020 | 2346 lượt xem

Nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng truyền thông về thông điệp K=K (Không phát hiện = Không lây truyền) cho phóng viên báo chí, được sự tài trợ của tổ chức CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bình Dương tổ chức khoá tập huấn về chiến dịch truyền thông K=K.

Đây là lớp tập huấn dành cho phóng viên, nhân viên y tế và nhân viên hỗ trợ cho chương trình truyền thông phòng, chống HIV/AIDS. Khai mạc lớp tập huấn, BS. Vương Thế Linh - Phó Trưởng khoa Quản lý điều trị (Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bình Dương) cảm ơn và đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ, đồng hành của các đơn vị báo chí, truyền thông, các nhân viên y tế cũng như nhân viên hỗ trợ cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trong những năm qua.
Bs Linh nhấn mạnh vai trò của các nhà báo cũng như tầm quan trọng của công tác truyền thông đại chúng. Và cho biết, công tác phòng chống HIV/AIDS là công việc vất vả, đòi hỏi một đội ngũ có kinh nghiệm. Việc điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS có rất nhiều khó khăn như: Làm thế nào để bệnh nhân chấp nhận đây là việc phải làm, nguy cơ bệnh nhân bỏ điều trị, bỏ thuốc nếu không có bảo hiểm, nguy cơ kháng thuốc là hiện hữu. Bên cạnh đó, các bệnh nhân không có bảo hiểm, dự án không được tài trợ thuốc nữa thì lấy đâu kinh phí điều trị?
Do đó, vai trò của báo chí là tuyên truyền đến người bệnh làm sao để họ hiểu rõ vấn đề này; tuyên truyền để những người làm chính sách hiểu và có những chính sách phân bổ nguồn lực phù hợp cho chương trình...; chống phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS; tuyên truyền để thay đổi hành vi, chống kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS và đặc biệt là có thể chia sẻ về thông điệp K=K đến mọi người dân hiểu về bệnh HIV đã không còn đáng sợ như trước nữa.
Tại lớp tập huấn, Thạc sĩ, BS Đặng Thị Nhật Vinh - Tổ chức Hợp tác vì sự Phát triển Y tế Việt Nam (HAIVN) đã có bài chia sẻ với các học viên về diễn biến tự nhiên của virus HIV, cho thấy những yếu tố ảnh hưởng tới việc lây nhiễm và tốc độ tiến triển của bệnh, qua đó cho thấy lợi ích của xét nghiệm sớm, điều trị sớm và tuân thủ điều trị ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Bs Vinh cũng chia sẻ thật kỹ về thông điệp K=K “Không phát hiện = Không lây truyền”. “Không phát hiện = Không lây truyền” được dịch từ tiếng Anh U=U (Undetectable = Untransmittable) là một phát hiện mới về lợi ích của điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) với người nhiễm HIV dựa trên bằng chứng khoa học. Một người nhiễm HIV, được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) và khi đạt tải lượng virus ở ngưỡng không phát hiện được trong máu thì nguy cơ lây truyền HIV sang người khác qua đường tình dục bằng không.

1-10-thanh-liem.jpg
Bs. Nguyễn Thanh Liêm, tổ chức HAIVN trình bày thông điệp Không phát hiện bằng không lây truyền

Bs Nguyễn Thanh Liêm – Chuyên gia của Tổ chức HAIVN cho biết tải lượng virus không phát hiện được định nghĩa là khi có dưới 200 bản sao/ml máu. Điều này có ý nghĩa rằng, một người nhiễm HIV được điều trị ARV khi có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện sẽ vừa bảo vệ sức khoẻ cho người sống chung với HIV và ngăn ngừa lây nhiễm HIV sang bạn tình. Đây là thông điệp mang hy vọng cho người người nhiễm HIV cùng với bạn tình và gia đình họ. Nếu người nhiễm HIV được điều trị ARV sớm, hiệu quả và liên tục cho phép họ sống lâu, khỏe mạnh, không phải lo lắng về việc lây truyền HIV cho bạn tình. BS Liêm cũng cho biết: Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong các hoạt động K=K do đã sớm đưa các phát hiện này vào các chính sách và chương trình quốc gia. Việt Nam được đánh giá là có tỷ lệ ức chế virus HIV thuộc hàng cao nhất thế giới. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong các nước PEPFAR ban hành Hướng dẫn truyền thông về K=K cùng kế hoạch triển khai Chiến dịch K=K trên toàn quốc.
Ngoài ra, BS Liêm cho biết thông điệp K=K mang lại hy vọng và những thay đổi cuộc đời của người sống chung với HIV, cũng như bạn bè và gia đình của. Cùng với đó, việc kỳ thị và xa lánh người sống chung với HIV trong cộng đồng sẽ giảm hoặc không còn nữa vì mọi người biết rằng người sống chung với HIV sẽ không lây nhiễm HIV khi họ đạt được và duy trì tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện.
Để các phóng viên, nhân viên y tế và nhân viên hỗ trợ cộng đồng hiểu đúng và sử dụng chính xác các thuật ngữ chuyên môn khi viết về HIV/AIDS, Bs Vinh và BS Liêm cũng chia sẻ một số thuật ngữ, từ chuyên môn và những từ nên dùng hay nên tránh khi viết bài đưa tin. Thông qua khóa tập huấn, Ban tổ chức khóa tập huấn mong muốn với các kiến thức được trang bị, các phóng viên sẽ có nhiều bài viết hay, đúng và hiệu quả để tuyên truyền về HIV/AIDS, đặc biệt là phổ biến rộng rãi thông điệp K=K trên các phương tiện thông tin đại chúng.

1-10-toan-canh-tap-huan.jpg
Toàn cảnh lớp tập huấn

KT