CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin địa phương > Tập trung Dự phòng lây nhiễm HIV trong nhóm MSM tại Bình ...

Thứ Năm, 25/04/2024 | 10:35:51 GMT+7

Tập trung Dự phòng lây nhiễm HIV trong nhóm MSM tại Bình Định

11/07/2022 | 1018 lượt xem | Trung Bách

Đó là nhận định của đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật Bình Định tại Hội thảo đại biểu dân cử với công tác phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn xã hội ngày 29/6.

Công tác phòng chống AIDS của tỉnh triển khai từ năm 1990 đã đạt kết quả khả quan khống chế được sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng ở mức khoảng 0,04% (mục tiêu của Trung ương tới năm 2020 khống chế được sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%). Theo số liệu thống kê về tình hình dịch HIV/AIDS Bình Định số nhiễm HIV tích lũy từ năm 1993 tính đến ngày 15/6/2022 của tỉnh là 1.160 người, trong đó chuyển sang giai đoạn AIDS là 706 người, số tử vong là 496 người. Riêng trong năm 2021 Bình Định phát hiện 83 ca nhiễm HIV và gần 6 tháng năm 2022 phát hiện 55 ca nhiễm HIV. Đến nay tại Bình Định có 11/11 (100%) huyện, thị xã, thành phố có người nhiễm HIV và 135/159 xã phường (84,9%) có người nhiễm HIV/AIDS.
Về đánh giá, nhận định tình hình dịch HIV/AIDS của tỉnh: Hiện nay vẫn còn nhiều yếu tố nguy cơ làm gia tăng lây nhiễm HIV/AIDS đó là tình hình nghiện chích ma túy, mại dâm còn phức tạp, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới có xu hướng tăng tỷ lệ lây nhiễm HIV, số lượng dân di biến động cao, ngoài ra tỷ lệ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục đang gia tăng, đây là đường lây rất khó kiểm soát trong cộng đồng. Việc sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng tăng dẫn đến hành vi tình dục không an toàn gây lây nhiễm HIV.
Đối với việc thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) năm 2020, tỉnh đã triển khai các nội dung sửa đổi của Luật vào hoạt động tư vấn phòng chống HIV/AIDS, cụ thể như sau: nghĩa vụ của người nhiễm HIV phải thông báo tình trạng nhiễm HIV của mình cho vợ, chồng, người dự định kết hôn, người sống như vợ, chồng với mình để phòng ngừa lây nhiễm HIV cho người đó. Đây là nội dung cần thiết để góp phần bảo vệ quyền được an toàn của mỗi cá nhân và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ người nhiễm HIV qua quan hệ tình dục; giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi mà không cần sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật để bảo đảm phù hợp với tình trạng thực tế lây nhiễm HIV trong nhóm trẻ hiện nay cần được xét nghiệm sớm để điều trị kịp thời nếu trẻ nhiễm HIV, bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em, khắc phục được các tồn tại hiện nay.
Căn cứ Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 14/8/2020, Bình Định xây dựng mục tiêu chủ yếu của công tác phòng, chống HIV: Hạn chế số người nhiễm HIV mới hàng năm dưới 100 người/năm; Tăng tỷ lệ người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc kháng vi rút HIV (ARV) từ 90% trở lên; Tăng tỷ lệ người điều trị ARV được làm XN tải lượng vi rút HIV và XN CD4 từ 90% trở lên; 100% bệnh nhân tham gia điều trị ARV có thẻ BHYT và được tỉnh hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV.


Để đạt được các mục tiêu trên tỉnh đã và đang triển khai các hoạt động như: can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, trong đó có điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; thực hiện thường xuyên công tác giám sát, xét nghiệm phát hiện HIV; điều trị thuốc ARV, điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, thực hiện hoạt động chương trình Lao và HIV và triển khai tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS vào các đợt cao điểm như Tháng cao điểm về Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS.
Để hỗ trợ cho bệnh nhân HIV/AIDS tỉnh Bình Định đã ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí đóng 100% tiền mua bảo hiểm y tế cho đối tượng là người nhiễm HIV có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh, trong năm 2021 mua cấp 58 thẻ BHYT và 6 tháng đầu năm 2022 tỉnh mua cấp 25 thẻ cho người nhiễm HIV. Ngoài ra tỉnh đã hỗ trợ ngân sách cùng chi trả chi phí thuốc kháng HIV (ARV) cho người nhiễm HIV điều trị thuốc ARV. Tính đến cuối tháng 5/2022 tỉnh đang điều trị 390 bệnh nhân HIV/AIDS trong đó có 11 trẻ em, tất cả người nhiễm HIV ngoài cộng đồng đang điều trị thuốc ARV đều có thẻ BHYT (trừ các trường hợp trong trại giam)
Về những tồn tại và hạn chế có thể nhận thấy: Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong phòng, chống HIV/AIDS chưa được tiến hành thường xuyên  còn mang tính chiến dịch, phong trào vào những tháng cao điểm. Hoạt động truyền thông trực tiếp giảm dần, truyền thông chủ yếu qua phương tiện thông tin đại chúng; Ngân sách nhà nước còn hạn chế chưa đáp ứng hết nhu cầu hoạt động, chỉ đảm bảo các hoạt động cơ bản, thiết yếu. Hiện nay chương trình phòng chống AIDS không còn là chương trình mục tiêu, trong khi đó Chiến lược quốc gia đặt mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, đây là một thách thức rất lớn ./.