Sau hơn 4 năm triển khai mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), tính đến tháng 11/2023, toàn TPHCM có tổng cộng 37 phòng khám công lập và tư nhân hoạt động trên địa bàn với gần 14 ngàn khách hàng đang sử dụng PrEP.
Sau hơn 4 năm triển khai mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), tính đến tháng 11/2023, toàn TPHCM có tổng cộng 37 phòng khám công lập và tư nhân hoạt động trên địa bàn với gần 14 ngàn khách hàng đang sử dụng PrEP.
Tư vấn điều trị cho bệnh nhân
Chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) được thí điểm tại TPHCM bắt đầu từ tháng 3 năm 2017 với sự tài trợ của PEPFAR thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC).
PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đánh giá, TPHCM đã có những kết quả đáng khích lệ trong hoạt động triển khai các mô hình về dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS nói chung và hoạt động điều trị PrEP nói riêng.
PGS.TS Phan Thị Thu Hương cho rằng, TPHCM cần tiếp tục huy động sự tham gia của các Sở ,ban ngành, địa phương trong công tác PC HIV/AIDS. Đồng thời, tăng cường độ bao phủ và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ PrEP. Chia sẻ những mô hình, sáng kiến trong hoạt động điều trị PrEP với các tỉnh thành phố khác. Đối với các tổ chức quốc tế cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ đối với hoạt động PrEP để các mô hình, các chương trình được mở rộng hơn trong thời gian tới.
Kết quả thí điểm đã cho thấy tính an toàn, hiệu quả, sự tiếp nhận và khả thi của việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV trên các nhóm nam quan hệ tình dục đồng tính (MSM), chuyển giới và bạn tình dị nhiễm.
Đến tháng 4 năm 2019, TPHCM triển khai mở rộng hoạt động điều trị PrEP đến các Quận Huyện (Khoa tham vấn hỗ trợ cộng đồng) và một số phòng khám tư nhân.
Số lượng cơ sở dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm tại TPHCM đã tăng qua các năm (Từ 24 phòng khám năm 2019 tăng lên đến 37 phòng khám năm 2023). Trong năm 2023, chương trình PrEP đã triển khai nhiều hoạt động tới cộng đồng như: tổ chức toạ đàm trực tuyến về dự phòng phơi nhiễm HIV, truyền thông giáo dục sức khoẻ về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) cho học sinh, sinh viên.
Bên cạnh đó, hoạt động tập huấn nâng cao năng lực điều trị PrEP cho các phòng khám cũng được chú trọng tổ chức; đồng thời tổ chức giám sát hỗ trợ kỹ thuật định kỳ đảm bảo các phòng khám cung cấp dịch vụ PrEP chất lượng và đúng các hướng dẫn quốc gia. Ngoài ra, TPHCM cũng là 1 trong 7 tỉnh trên cả nước được Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) lựa chọn để triển khai thí điểm TelePrEP.
ThS.BS Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM nhận định: Để tăng độ bao phủ, duy trì độ bền vững của chương trình PrEP cũng như mở rộng đối tượng can thiệp cần những đóng góp dữ liệu thực tiễn từ các phòng khám, cơ sở y tế để đưa ra những can thiệp phù hợp. Việc thiết lập mạng lưới liên kết các phòng khám cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV là sự cần thiết để giúp kết nối thông tin một cách nhanh chóng.
Trong những năm tiếp theo, TPHCM tiếp tục định hướng mở rộng hoạt động điều trị PrEP ở cả hệ thống công lập và tư nhân. Tăng cường truyền thông, mở rộng cung cấp thông tin PrEP cho thanh niên trẻ và nhân viên y tế. Xây dựng kế hoạch triển khai đa dạng mô hình, sáng kiến mới trong cung cấp dịch vụ PrEP như cung cấp dịch vụ lưu động, PrEP từ xa.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện kết nối, chuyển gửi và tư vấn các trường hợp xét nghiệm HIV âm tính có nguy cơ cao được tiếp cận với dịch vụ PrEP để dự phòng lây nhiễm HIV. Thúc đẩy hoạt động tích hợp cung cấp nhiều dịch vụ dự phòng, điều trị trong 1 cơ sở (phòng khám đa dịch vụ - OSS) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc nhận dịch vụ liên quan đến HIV/AIDS nói chung.