CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin địa phương > Tỉnh Bắc Ninh triển khai Truyền thông lưu động, xét nghiệm ...

Thứ Năm, 28/03/2024 | 23:01:17 GMT+7

Tỉnh Bắc Ninh triển khai Truyền thông lưu động, xét nghiệm HIV và cấp PrEP miễn phí

02/09/2022 | 663 lượt xem | Tiến Đức

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bắc Ninh vừa phối với Ban tổ chức cuộc thi “Chung kết cuộc thi Mr & Miss Sắc Đẹp tự hào 2022” thực hiện truyền thông lưu động, xét nghiệm HIV và cấp thuốc PrEP miễn phí cho các thí sinh tham dự chương trình và đông đảo khán giả trong cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) tới tham dự.

Xét nghiệm nhanh HIV trước khi cấp thuốc PrEP miễn phí cho người tham gia sự kiện.
Hoạt động nằm trong chương trình "Chung tay vì một cộng đồng không có HIV/AIDS" đang được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bắc Ninh tích cực triển khai nhằm chia sẻ thông tin nhanh đến cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng LGBT, để có cuộc sống, tình yêu và tình dục an toàn.
Hoạt động truyền thông lưu động, xét nghiệm và nhận thuốc PrEP miễn phí với mục đích đưa thông tin tích cực về thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm HIV, giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV, từ đó đem lại hiệu quả chung cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS.
Tại sự kiện, các cán bộ y tế và các tình nguyện viên trong cộng đồng LGBT đã tư vấn, tham gia xét nghiệm nhanh HIV và hướng dẫn sử dụng và nhận thuốc PrEP miễn phí. Nhờ đó, giúp cho nhiều đối tượng nguy cơ cao nhiễm HIV được tiếp cận thuốc PrEP.
Với nền khoa học hiện đại, trên thế giới đã dần kiểm soát được HIV bằng việc sử dụng các thuốc dự phòng, trong đó PrEP là thuốc uống điều trị dự phòng trước phơi nhiễm cho người có hành vi nguy cơ cao, nhưng chưa bị nhiễm HIV. Thuốc PrEP miễn phí từ chương trình PEPFAR (Hoa Kỳ) thông qua Bộ Y tế, là chiến lược mới, tạo "lá chắn" hiệu quả góp phần hạn chế sự lây lan của HIV.
 
Mô hình PrEP lưu động
Theo đánh giá của chuyên môn, khi sử dụng đúng cách, PrEP là một trong những phương pháp dự phòng HIV hiệu quả nhất, góp phần hạn chế sự lây lan HIV đến hơn 90%. Năm 2014, WHO đã khuyến cáo cung cấp PrEP cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Sau đó, trên cơ sở bằng chứng rõ ràng hơn về hiệu quả và khả năng chấp nhận PrEP, năm 2015, WHO đã mở rộng khuyến cáo cung cấp PrEP cho tất cả những người có nguy cơ nhiễm HIV cao.
Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới triển khai thí điểm PrEP bằng thuốc kháng virus ngay từ năm 2017, sau đó thí điểm mở rộng đến 26 tỉnh/thành phố trong cả nước.
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) là một trong những can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV hiệu quả hiện nay. Ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1246/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Trong đó chỉ tiêu tỷ lệ nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) được điều trị PrEP đạt 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030. Ngày 11/12/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5154/QĐ-BYT phê duyệt Kế hoạch điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Quyết định 5154) với chỉ tiêu 72.000 người có nguy cơ cao nhiễm HIV được điều trị PrEP vào năm 2025. Để mở rộng độ bao phủ, đa dạng hóa các mô hình cung cấp dịch vụ PrEP đảm bảo khách hàng được tiếp cận dễ dàng, thuận lợi và phấn đấu đạt chỉ tiêu kế hoạch theo Quyết định 5154, Cục Phòng, chống HIV/AIDS xây dựng Hướng dẫn cung cấp dịch vụ lưu động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP). Cục Phòng, chống HIV/AIDS đề nghị Sở Y tế chỉ đạo cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện những nội dung sau:
1. Hướng dẫn các cơ sở điều trị PrEP trên địa bàn triển khai cung cấp dịch vụ điều trị PrEP lưu động phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương theo hướng dẫn tại phụ lục đính kèm.
2. Tăng cường truyền thông tạo cầu, quảng bá dịch vụ điều trị PrEP lưu động, điều phối hoạt động kết nối giữa các cơ sở y tế (cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV, cơ sở điều trị ARV, …) và các nhóm cộng đồng trên địa bàn tỉnh, thành phố nhằm chuyển gửi, giới thiệu khách hàng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV được tiếp cận dịch vụ PrEP.