CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Hỏi đáp > HIV/AIDS - những điều bạn cần biết > "Bệnh tình dục đồng giới" đúng hay sai?

Chủ Nhật, 15/09/2024 | 05:17:47 GMT+7

"Bệnh tình dục đồng giới" đúng hay sai?

04/06/2024 | 1343 lượt xem | Thanh Hà

Tình dục đồng giới là quan hệ tình dục giữa hai người nam hoặc giữa hai người nữ  nhằm thoả mãn nhu cầu sinh lý và tình cảm của mỗi con người. Cần chú ý là tình dục đồng giới cũng có nguy cơ nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS nếu không thực hiện tình dục an toàn. Bởi vậy những người đồng tính cũng cần được xã hội quan tâm, giúp đỡ để có kiến thức, kỹ năng bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Tình dục đồng giới có phải là bệnh không?

Theo Tổ chức y tế thế giới thì tình dục đồng giới không phải là một bệnh. Nó là xu hướng tính dục của một nhóm người trong cộng đồng xã hội.

Người đồng tính yêu nhau như mọi người khác, chỉ khác là họ yêu người đồng giới với mình. Hiện nay, những người quan hệ đồng giới còn phải giấu diếm vì có quan điểm cho rằng đó là bệnh hoạn, họ bị xã hội kỳ thị. Chính vì vậy nhóm này ít được xã hội quan tâm giúp đỡ.


Cách quan hệ tình dục đồng giới an toàn

- Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV: để chủ động phòng lây nhiễm HIV, Tổ chức Y tế Thế giới cũng như Bộ Y tế khuyến cáo nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới sử dụng PrEP để dự phòng lây nhiễm HIV. Tuy nhiê, PrEP chỉ dự phòng lây nhiễm HIV, cần dùng chung bao cao su để phòng lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
- Tiêm vắc xin ngừa virus HPV: để chủ động phòng các bệnh tình dục, cộng đồng người đồng giới  từ 9 đến 26 tuổi đều cần tiêm phòng vắc xin HPV đầy đủ để bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ mắc bệnh. Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ đã phê duyệt mở rộng độ tuổi tiêm vắc xin HPV cho nhóm từ 27 đến 45 tuổi.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, 88% bé gái, 81% phụ nữ trưởng thành tiêm vắc xin HPV đã giảm được nguy cơ mắc các bệnh ung thư và mụn cóc sinh dục do HPV gây ra. Ở nam giới, hiện chưa có biện pháp tầm soát phát hiện các bệnh ung thư liên quan đến HPV, do đó mọi người cần tiêm vắc xin để phòng bệnh.

Hiện, Gardasil và Gardasil 9 là hai loại vắc xin đầu tiên trên thế giới giúp phòng ngừa hiệu quả các bệnh ung thư do virus HPV gây ra. Tại Việt Nam, vắc xin Gardasil 9 được mở rộng chỉ định cho nam giới, đặc biệt cộng đồng LGBT, MSM nhằm bảo vệ sức khỏe, phòng bệnh trong cộng đồng.

- Luôn có sự đồng thuận của 2 bên trong quan hệ đồng giới: điều quan trọng đầu tiên trong quan hệ tình dục là sự đồng thuận. Phải có sự đồng thuận của bạn tình trước khi quan hệ tình dục. Trong một nghiên cứu cho thấy một số người đồng tính nam có thể mất hứng thú tình dục với bạn tình sau một thời gian dài dẫn đến các quan hệ tình dục ngoài luồng, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

- Sử dụng bao cao su để quan hệ đồng giới an toàn: là một trong những biện pháp phòng ngừa lây truyền qua đường tình dục hiệu quả nhất. Nghiên cứu cho thấy sử dụng bao cao su làm giảm tới 80% nguy cơ lây nhiễm HIV.

BCS nam giới
Với người đồng tính nam quan hệ tình dục qua đường hậu môn, đeo bao cao su đúng cách khi quan hệ giúp hạn chế được nguy cơ mắc các bệnh tình dục nguy hiểm. Bên cạnh bao cao su, chất bôi trơn cũng rất cần thiết vì có thể giảm ma sát lên những vùng da nhạy cảm và giúp quá trình quan hệ của hai bạn dễ dàng hơn. Nếu muốn dùng chất bôi trơn, bạn nên dùng sản phẩm gốc nước vì chất bôi trơn gốc dầu có thể khiến bao cao su latex dễ bị rách.

BCS nữ giới
Khi quan hệ đồng tính nữ, cần đeo găng tay hoặc bao ngón tay loại phù hợp cho quan hệ để bảo vệ bạn đời tránh khỏi rủi ro mắc các bệnh truyền nhiễm sinh dục trong trường hợp quan hệ tình dục bằng tay, miệng, dương vật hay hậu môn.

- Không quan hệ tình dục bừa bãi: không quan hệ tình dục với nhiều người là một trong những nguyên tắc hàng đầu trong cách quan hệ đồng giới nam an toàn. Bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh lây qua đường tình dục bằng cách chỉ quan hệ với một bạn tình. Bạn và người ấy có thể cùng nhau đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên để đảm bảo cả hai đều không mang mầm bệnh. Nếu quan hệ với nhiều người bạn sẽ khó chắc chắn đối phương có mắc bệnh lây lan qua tình dục hay không.
- Giữ vệ sinh sạch sẽ: trước và trong khi thực hiện quan hệ tình dục, bạn cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt vệ sinh tay cẩn thận để tránh lây lan virus, vi khuẩn qua đường tình dục. Bạn cũng nên cắt móng tay thường xuyên nếu quan hệ bằng ngón tay, chính điều này giúp ngăn ngừa trầy xước da làm đau và dẫn đến nhiễm trùng
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ:  nhằm đánh giá sức khỏe của mỗi người, giúp phát hiện sớm các bất thường trước khi bệnh có triệu chứng, từ đó bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, giúp người bệnh tăng tỷ lệ điều trị bệnh khỏi hoặc thuyên giảm bệnh cao hơn, ngăn ngừa biến chứng, tiết kiệm thời gian và tiền bạc.
Chuyên gia y tế khuyến cáo tất cả mọi người, đặc biệt cộng đồng LGBT nên kiểm tra sức khỏe định kỳ 2 lần mỗi năm, vì trung bình 6 tháng là sức khỏe đã có những thay đổi đáng kể và bệnh có thể phát sinh bất kỳ lúc nào. Tần suất khám định kỳ cần duy trì khoảng cách đều đặn, tránh tình trạng lúc dày lúc thưa, khó có được kết quả phản ánh đúng về sức khỏe trong từng thời điểm.