CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin hoạt động của Cục > Trường Đại học Cần Thơ tích cực triển khai Phòng, chống ...

Thứ Ba, 16/04/2024 | 16:25:09 GMT+7

Trường Đại học Cần Thơ tích cực triển khai Phòng, chống HIV/AIDS cho sinh viên từ nhiều năm nay

13/04/2023 | 7798 lượt xem | Đô Chanh

Trường Đại học Cần Thơ là một trong những trường Đại học lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm 05 Trường (Trường Bách khoa, Trường Kinh tế, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Nông nghiệp và Trường Thủy sản), 03 Viện (Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng Sông Cửu Long và Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu), hơn 10 Khoa đào tạo các chuyên ngành khác nhau và rất nhiều Trung tâm, Phòng, ban trực thuộc Trường Đại học Cần Thơ.

Sinh viên của Trường chủ yếu tập trung ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long và sinh viên từ miền Trung trở vào, rất hiếm sinh viên miền bắc. Số lượng sinh viên chính quy của toàn Trường là trên 30.000 sinh viên chưa tính sinh viên thuộc các hệ đào tạo khác (tại chức, không chính quy...), trong đó có hơn 50% là sinh viên nam. Có hơn 8.000 sinh viên sống trong ký túc xá của nhà trường.
Năm 2015, CDC Cần Thơ đã tiến hành một số nghiên cứu về kiến thức và hành vi lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Kết quả nghiên cứu cho thấy 16-18% sinh viên có xu hướng quan hệ tình dục đồng giới. Do đó, CDC Cần Thơ đã đề xuất xin triển khai thí điểm dự án Tiếp cận viên phòng, chống HIV/AIDS tại các trường Đại học trên địa bàn thành phố, trong đó có Đại học Cần Thơ, từ nguồn ngân sách của Đề án đảm bảo tài chính do Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt và cấp ngân sách.
Từ năm 2020, trường đại học Cần Thơ trường đại học Cần Thơ được Dự án Quỹ toàn cầu hỗ trợ 16 sinh viên nòng cốt triển khai các hoạt động tiếp cận và cung cấp các dịch vụ dự phòng cho sinh viên như: chương trình bao cao su, PrEP, tư vấn xét nghiệm tự nguyện, chuyển gửi điều trị... Đối tượng tiếp cận chủ yếu là nhóm sinh viên, ngoài ra một bộ phận nhỏ là bạn bè hoặc người quen của sinh viên sống trong cộng đồng nếu có nhu cầu.
Hàng năm, Văn phòng Đoàn và Hội sinh viên, Phòng Công tác chính trị, Phòng Công tác sinh viên phối hợp tổ chức Hội thi tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS và ma túy gồm thi kiến thức và thi tiểu phẩm tuyên truyền với hai hình thức thi tập thể và thi cá nhân. Những tập thể, cá nhân tham gia thi sẽ được cộng điểm học tập và rèn luyện do đó huy động được sự tham gia của đông đảo sinh viên trong trường. Thông thường cuộc thi lớn sẽ được tổ chức vào tháng 11-12 hằng năm.


Từ giai đoạn dịch Covid đến nay, không tổ chức thi trực tiếp các cuộc thi lớn, nhà trường tổ chức các cuộc thi cá nhân với quy mô nhỏ hơn và hình thức tham dự kỳ thi là online hoặc quay clip gửi ban tổ chức. Mỗi đợt thi kéo dài 3-4 tuần và mỗi đợt thi có tới 6.000 lượt sinh viên tham gia.


Ngoài ra, hoạt động truyền thông được thực hiện thường xuyên thông qua các sự kiện offline như: (i) liên hệ với từng khoa/trường để tổ chức truyền thông theo khoa/trường, mỗi năm tổ chức 12 cuộc; (ii) truyền thông nhóm nhỏ thực hiện cho sinh viên theo các quận/huyện hoặc sinh viên thuộc từng khoa chuyên ngành của các Trường. Nội dung của các buổi truyền thông: cung cấp kiến thức cơ bản về HIV/AIDS và các hành vi nguy cơ cao cũng như các biện pháp can thiệp; kết nối các bạn có nhu cầu hoặc có hành vi nguy cơ cao để xét nghiệm sàng lọc (tự xét nghiệm, xét nghiệm nước bọt tại chỗ), chuyển gửi xét nghiệm chẩn đoán, cung cấp thuốc điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm (PrEP và PEP).


Hình thức truyền thông: (i) online: sử dụng fanpage để đăng thông tin, đăng tải các clip truyền thông, đăng tải các clip thu lại từ các buổi truyền thông; (ii) offline nhóm: tổ chức thảo luận nhóm hoặc tổ chức các trò chơi lồng ghép kiến thức và phát quà; (iii) offline cá nhân: mỗi cá nhân tư vấn riêng từng bạn sinh viên và từ đó phát triển mạng lưới riêng của từng cộng tác viên.


Kết quả can thiệp năm 2022 của Nhóm tiếp cận sinh viên gồm 16 cộng tác viên đã kết nối, tư vấn và chuyển gửi PrEP cho rất nhiều trường hợp. Kết nối thành công cho 132 người đăng ký PrEP và hiện tại đang hỗ trợ cho 78 sinh viên đang điều trị. 14 sinh viên đăng ký PEP 72 giờ. 5 sinh viên có phản ứng với test nhanh và kết nối điều trị ARV (4 sinh viên tại trường và 1 sinh viên phát hiện khi tham gia hoạt động tuyên truyền tại quận/huyện). Bao cao su, chất bôi trơn, tài liệu truyền thông đều được phát miễn phí theo nhu cầu. Vật phẩm có thể được phát trực tiếp tại các buổi nói chuyện, thảo luận nhóm, lấy tại văn phòng đoàn trường hoặc do cộng tác viên phát bên ngoài trường theo các hoạt động cụ thể.