CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Hỏi đáp > HIV/AIDS - những điều bạn cần biết > Viêm gan siêu vi C – Bạn đồng hành của HIV

Thứ Sáu, 03/01/2025 | 03:26:03 GMT+7

Viêm gan siêu vi C – Bạn đồng hành của HIV

23/01/2022 | 21991 lượt xem | Kiều Trang

Viêm gan C là căn bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm hiện nay nhưng chưa có vắc xin phòng ngừa hiệu quả. Con đường lây nhiễm của viêm gan C tương tự như HIV, thông quan hệ tình dục không an toàn, đường máu và từ mẹ sang con. Tuy nhiên, nếu phát hiện và điều trị kịp thời, viêm gan C hoàn toàn có thể được chữa khỏi.

Virút viêm gan siêu vi C nhìn bằng kính hiển vi điện tử
Viêm gan C là gì?
Viêm gan C là bệnh nhiễm trùng ở gan, gây ra bởi vi-rút có tên gọi tiếng Anh là Hepatitis C virus (HCV). Virus này xâm nhập vào tế bào gan rồi làm cho tế bào gan bị phá hủy và có nguy cơ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như xơ gan, ung thư gan nếu không được phán hiện và điều trị kịp thời.
Virút viêm gan C lây nhiễm như thế nào?
Vi rút viêm gan C lây nhiễm trực tiếp qua chất dịch cơ thể (như máu, tinh dịch hoặc dịch âm đạo) của người bị nhiễm bệnh bao gồm: 
•    Dùng chung dụng cụ sử dụng ma tuý: Bất cứ thứ gì liên quan đến việc tiêm chích ma túy, từ ống tiêm, kim tiêm cho đến garô (dây thắt) đều có thể dính máu và làm lây truyền bệnh viêm gan C. Các loại ống dùng để hút hoặc hít ma túy cũng có thể dính máu do nứt môi hoặc chảy máu cam.
•    Dùng chung dụng cụ xăm hoặc xỏ khuyên: Các thiết bị xăm, xỏ khuyên và mực xăm có thể làm lây lan virus.
•    Tái sử dụng hoặc sử dụng các thiết bị, dụng cụ y tế không được khử trùng đúng cách, đặc biệt là các loại bơm kim tiêm
•    Dùng chung các đồ dùng có khả năng dính máu của người bệnh như dao cạo râu, bàn chải đánh răng, đồ cắt móng tay…

•    Vi rút viêm gan C cũng có thể lây truyền qua đường tình dục và có thể truyền từ mẹ sang con. 
Với các nhóm có hành vi nguy cơ cao, khả năng lây nhiễm viêm gan C càng tăng cao, cụ thể:
Đối với nam quan hệ tình dục đồng giới và phụ nữ mại dâm, khả năng lây nhiễm thường xảy ra khi quan hệ tình dục không an toàn. Vì vi-rút có trong dịch tiết của người nhiễm bệnh và thâm nhập vào cơ thể qua các vết xước nhỏ khi quan hệ tình dục.
Đối với người tiêm chích ma túy, viêm gan C có thể lây truyền khi dùng chung bơm kim tiêm hay dụng cụ tiêm chích, hút.
Đối với phụ nữ mang thai bị viêm gan C, em bé có thể bị nhiễm bệnh trong lúc mang thai hoặc khi sinh.
Viêm gan C không lây lan qua thức ăn, nước uống, tiếp xúc thông thường như ôm, hôn và dùng chung đồ ăn, thức uống với người bị bệnh.
Xét nghiệm viêm gan C
Bệnh viêm gan C có diễn tiến âm thầm và hầu như không gây ra triệu chứng gì đặc biệt cho đến khi virus gây bệnh khiến cho gan bị tổn thương nghiêm trọng. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus ủ bệnh khoảng 12 - 40 ngày rồi nhân lên phá hủy tế bào gan. Có khoảng 70% người bị viêm gan C có thể không có triệu chứng gì, số còn lại sẽ chuyển sang viêm gan mạn tính. Do vậy xét nghiệm viêm gan C là rất quan trọng. Hiện nay có một số loại xét nghiệm sau:
Xét nghiệm Anti HCV 
Anti HCV là một loại kháng thể được hệ miễn dịch tạo ra để chống lại virus HCV. Kháng thể này xuất hiện sau khi virus viêm gan C xâm nhập vào cơ thể 1 - 2 tuần và tiếp tục tồn tại sau đó. Xét nghiệm anti HCV là kỹ thuật tìm kháng thể chống virus viêm gan C để sàng lọc, tầm soát bệnh lý này. 
Chuyên gia y tế khuyến cáo rằng, tất cả những ai ở độ tuổi từ 18 trở lên đều nên tầm soát viêm gan C, nhất là thai phụ và người từng tiếp xúc với máu hay dùng chung kim tiêm với người khác. Xét nghiệm anti HCV nên thực hiện với các trường hợp sau:
- Bất thường về chức năng gan kèm theo triệu chứng: vàng da, mệt mỏi, nước tiểu màu sẫm, ăn không cảm thấy ngon miệng, đại tiện phân màu đất sét, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, đau khớp, sốt,…
- Người có tiền sử gia đình với viêm gan C.
- Có chồng/vợ/người yêu đã được chẩn đoán bị viêm gan C.
- Đang nhiễm HIV
- Từng chạy thận nhân tạo dài ngày.
Ý nghĩa của kết quả xét nghiệm anti HCV
- Anti HCV: kết quả xét nghiệm âm tính, cơ thể không tồn tại kháng thể kháng lại virus HCV, người được xét nghiệm không và chưa từng mắc bệnh lý này.
- Anti HCV Positive: kết quả xét nghiệm dương tính, cơ thể có sự tồn tại của kháng thể kháng lại virus HCV với một trong 2 trường hợp:
+ Đang bị viêm gan C.
+ Đã từng bị viêm gan C nhưng đã tự khỏi.
Muốn biết chính xác người được xét nghiệm có bị nhiễm viêm gan C không thì cần thực hiện thêm các xét nghiệm như HCV-RNA. 
 
Viêm gan C có phòng ngừa được không?
Hiện chưa có vắc-xin, để chủ động bảo vệ cơ thể chống lại căn bệnh viêm gan C, cách duy nhất để ngăn ngừa bệnh là tránh các hành vi nguy cơ lây nhiễm bệnh và thực hiện xét nghiệm viêm gan C định kỳ mỗi năm 1 lần để phát hiện sớm căn bệnh này. 
Làm thế nào điều trị viêm gan C?
Viêm gan C có thể chữa khỏi bằng thuốc kháng vi-rút. Ngày nay theo tiến bộ của khoa học, nhiều loại thuốc mới điều trị viêm gan C đã được cấp phép với hiệu quả ngày càng cao và ít tác dụng phụ, Khi bệnh nhân tuân thủ điều trị và đáp ứng thuốc tốt thì thời gian điều trị được rút ngắn chỉ còn khoảng 3 tháng. Viêm gan C không được điều trị có thể dẫn đến xơ gan, ung thư gan.
Do vậy ngoài việc xét nghiệm tầm soát viêm gan C định kỳ hàng năm. Người được chẩn đoán nhiễm vi rút viêm gan C cần đến các cơ sở y tế có khoa truyền nhiễm để được tư vấn và điều trị triệt để càng sớm càng tốt.