CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin bộ, ngành TW > Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm triển khai thông điệp Không ...

Thứ Sáu, 26/04/2024 | 03:11:50 GMT+7

Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm triển khai thông điệp Không phát hiện = Không lây truyền tại phiên họp Ban điều hành UNAIDS toàn cầu tại Thái Lan

22/12/2022 | 765 lượt xem | Thái Bình

Trong ngày 15/12/2022, Tại Chiang Mai, Thái Lan, tại phiên họp bên lề của sự kiện Họp ban điều hành UNAIDS toàn cầu về HIV/AIDS từ ngày 12-16/12/2022, Việt Nam là 1 trong các nước trên thế giới chia sẻ về các việc triển khai thông điệp Không phát hiện = Không Lây truyền

Tham dự và chủ trì phiên họp bên lề của sự kiện có Tiến sỹ Eamonn Murphy, Phó Giám đốc điều hành UNAIDS toàn cầu, Tiến sỹ Meg Doherty, Giám đốc chương trình HIV, Viêm gan và bệnh lây truyền qua đường tình dục của Tổ chức Y tế thế giới toàn cầu, Bà Bettina Schunter, cán bộ chương trình UNICEF toàn cầu,  ông Taoufik Bakkali, Quyền Giám đốc Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Tiến sỹ Dr. Cedric Pulliam, Giám đốc chính sách công toàn cầu của Chương trình tiếp cận Dự phòng toàn cầu. Đoàn đại biểu Cục Phòng, chống HIV/AIDS có sự tham dự của Ths.Trần Thanh Tùng, Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV và Ths. Lê Anh Tuấn, Văn phòng Cục cùng tham dự online có Bà Asia Nguyễn, Cố vấn cao cấp của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam và ông Nguyễn Anh Phong đại diện Mạng lưới người sống chung với HIV khu vực phía Nam. Cùng tham dự còn có các đại biểu UNAIDS từ các nước trên thế giới đang tham dự tại phiên họp Ban điều hành UNAIDS toàn cầu tại Thái Lan. 

Tại Việt Nam, Chiến dịch “Không phát hiện = Không lây truyền” đã triển khai rộng rãi trong toàn quốc. Hiện nay hơn 163.000 người nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc kháng HIV. Trong số đó có khoảng 95% có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện, điều này có ý nghĩa to lớn trong việc làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ người nhiễm HIV ra cộng đồng.
Việc triển khai mạnh mẽ chiến dịch “Không phát hiện = Không lây truyền tại Việt Nam còn có ý nghĩa giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS khi mọi người nhận thức được rằng hiện nay một người nhiễm HIV nếu được điều trị sớm, tuân thủ điều trị và đạt được tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện sẽ không chỉ tránh lây nhiễm HIV cho bạn tình mà còn giúp họ có cuộc sống khỏe mạnh lâu dài như những người không nhiễm HIV.
Thông qua các cuộc họp báo và đào tạo, chính phủ Việt Nam đã cùng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đã làm việc với báo chí Việt Nam để phát triển những câu chuyện thú vị về K=K và tác động đến chương trình HIV, sự kỳ thị, cá nhân và cộng đồng. Với chiến dịch truyền thông K=K, chỉ trong hai tuần có đến 8 triệu người đã xem quảng cáo K=K. Đó là 12,9% tổng số người dùng mạng xã hội của Việt Nam và 8,2% tổng dân số Việt Nam tương đương toàn bộ dân số TP.HCM năm 2020, số lượt người người đã xem quảng cáo K=K 32,5 triệu lần. 64% khán giả nam, 45% ở độ tuổi 25-34, 30% ở độ tuổi 18-24, 25% ở độ tuổi 35-44 có 19% tương tác. Tỷ lệ lượt xem chuyển thành nhấp chuột, thích, bình luận, chia sẻ. Chỉ số này đo lường mức độ tương tác và đầu tư của người xem vào chiến dịch. Con số này cao gấp 5 lần so với tỷ lệ tương tác trung bình của Việt Nam (3,8%). Nói cách khác, chiến dịch K=K này hoạt động tốt hơn gấp 5 lần và chỉ bằng 1/6 ngân sách của một chiến dịch kỹ thuật số trung bình ở Việt Nam.
Không phát hiện = Không lây truyền (được viết tắt K=K ) có nghĩa là: Khi một người nhiễm HIV được điều trị ARV mà đạt đến mức ức chế vi rút nghĩa là tải lượng vi rút dưới 200 bản sao/ml máu (hay còn gọi là dưới ngưỡng phát hiện), sẽ ngăn ngừa được lây truyền HIV qua đường tình dục. K=K cũng có nghĩa là: Khi một người nhiễm HIV uống ARV hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ đến mức đạt được và duy trì tải lượng vi rút không phát hiện (tải lượng vi rút dưới 200 bản sao/ml máu) sẽ thực sự không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục cho bạn tình chưa nhiễm HIV của họ. 
Thông điệp K=K không chỉ có ý nghĩa cho người có HIV để tiếp cận sớm, điều trị sớm bằng thuốc ARV mà còn có ý nghĩa với cả cán bộ y tế và cộng đồng làm giảm lo sợ lây nhiễm HIV và từ đó làm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người có HIV. Chính vì vậy hiện nay các quốc gia và Việt Nam đang đẩy mạnh việc lan tỏa thông điệp này tới cả người có HIV và cộng đồng. Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, ngành y tế trong thời gian tới cần tiếp tục cải tiến công tác xét nghiệm HIV theo hướng thuận lợi cho những người có hành vi nguy cơ cao để phát hiện sớm và được điều trị ARV sớm, hỗ trợ tuân thủ điều trị để bệnh nhân sớm đạt tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện. Đồng thời, tăng cường truyền thông về hiệu quả của điều trị HIV/AIDS để người người có hành vi nguy cơ dễ lây nhiễm tiếp cận sớm với các dịch vụ xét nghiệm, điều trị, cũng như để các cán bộ y tế, người thân, gia đình và cộng đồng không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Bên cạnh đó, người nhiễm HIV và người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cũng cần phải tự vươn lên, vượt qua khó khăn, rào cản, không tự kỳ thị chính mình.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Tiến sỹ Eamonn Murphy, Phó Giám đốc điều hành UNAIDS toàn cầu đã biểu dương các quốc gia đi đầu trong phong trào triển khai thông điệp Không Phát hiện = Không lây truyền; Tầm quan trọng của thông điệp U=U trong công việc UNAIDS triển khai trên toàn thế giới, cũng như cập nhật một số hoạt động của UNAIDS về hoạt động U=U từ năm 2018 đến nay. Đồng thời Ông cũng Khuyến khích các quốc gia thành viên và các nhà đồng tài trợ tăng cường triển khai thông điệp U=U như một phần bổ sung cho Chiến lược phòng chống AIDS toàn cầu trong các hoạt động ứng phó với HIV toàn cầu..

Cũng tại Hội thảo Tiến sỹ Meg Doherty, Giám đốc chương trình HIV, Viêm gan và bệnh lây truyền qua đường tình dục của Tổ chức Y tế thế giới toàn cầu cũng cảm ơn UNAIDS toàn cầu và Chương trình Tiếp cận Dự phòng toàn cầu đã lan tỏa chương trình U=U đồng thời nhấn mạnh việc ban hành hướng dẫn và chứng thực của WHO về U=U và tại sao thông điệp này lại như vậy quan trọng đối với công  tác HIV, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV và hiểu biết về điều trị/tải lượng vi-rút cũng như cải thiện của chương trình HIV.

Đại diện đoàn Việt Nam tham gia chia sẻ bài học thành công tại phiên họp có Ths Trần Thanh Tùng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng , chống HIV/AIDS; Bà Asia Nguyen, Cố vấn cấp cao của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam; ông Nguyễn Anh Phong, Đại diện cho mạng lưới những người sống chung với HIV đã chia sẻ các bài học thành công triển khai chương trình K=K từ năm 2017 cho đến nay. Chương trình K=K tại Việt Nam được triển khai mạnh mẽ, với rất nhiều các hoạt động khác nhau có sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế Việt Nam, CDC Hoa kỳ tại Việt Nam cũng như sự tham gia của các tổ chức cộng đồng. Chiến dịch đã lan toả rộng rãi thông điệp đơn giản nhưng đầy hiệu quả: Khi một người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) và đạt được tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện (dưới 200 bản sao/mL máu) sẽ không còn khả năng lây truyền HIV cho người khác qua đường tình dục.
 
 
 Tiến sỹ Meg Doherty, Giám đốc chương trình HIV, Viêm gan và bệnh lây truyền qua đường tình dục của Tổ chức Y tế thế giới toàn cầu phát biểu
 
Bà Bettina Schunter, cán bộ chương trình UNICEF toàn cầu chia sẻ về vai trò của U=U trong việc triển khai chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con 

Tiến sỹ Dr. Cedric Pulliam, Giám đốc chính sách công toàn cầu của Chương trình tiếp cận Dự phòng toàn cầu điều hành tại phiên họp
 
Đại diện đoàn Việt Nam tham gia chia sẻ bài học thành công tại phiên họp
 
Tọa đàm về thông điệp K=K tại hội nghị
 
Toàn cảnh phiên họp