CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Hợp tác quốc tế > Dự án EPIC > Việt Nam ngăn ngừa được gần 1 triệu người không bị nhiễm ...

Thứ Tư, 11/12/2024 | 22:35:34 GMT+7

Việt Nam ngăn ngừa được gần 1 triệu người không bị nhiễm HIV trong vòng 20 năm qua từ những can thiệp nào?

27/01/2023 | 3482 lượt xem | Hữu Tùng

Trưởng Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, tiến sĩ Angela Pratt đã gửi lời chúc mừng Bộ Y tế đã có những thành tựu to lớn trong công cuộc phòng chống HIV/AIDS, với gần 1 triệu ca nhiễm HIV được ngăn ngừa  trong vòng 20 năm qua. Nhân những ngày xuân năm mới, Trang tin điện tử Cục Phòng, chống HIV/AIDS xin gửi đến bạn đọc những can thiệp chính tác động đến kết quả này.

Can thiệp có ý nghĩa quyết định lớn nhất là điều trị bằng thuốc ARV
Mặc dù thuốc kháng HIV hay còn gọi là thuốc ARV không có tác dụng chữa khỏi HIV nhưng nó có tác dụng ức chế sự nhân lên của HIV từ đó phục hồi hệ miễn dịch và khống chế tải lượng vi rút ở mức thấp. Khi người nhiễm HIV tuân thủ điều trị thì không còn khả năng lây nhiễm HIV qua đường tình dục, nguy cơ lây truyền HIV qua đường máu và từ mẹ sang con cũng giảm ở mức rất thấp. Nhìn lại chặng đường mở rộng độ bao phủ điều trị ARV tại Việt Nam trong 20 năm qua 
Điều trị ARV được bắt đầu triển khai tại Việt Nam từ năm 2000 tại TPHCM. Sau đó, được mở rộng từ năm 2005 và không ngừng phát triển theo các năm. Đến cuối năm 2022, toàn quốc đã có 499 cơ sở điều trị ARV, điều trị cho gần 170.000 người nhiễm, trong đó có 3.450 trẻ em.
 
Biểu đồ tăng trưởng bệnh nhân ARV và số nhiễm HIV mới được phát hiện theo năm
Để có thành tựu này, Việt Nam đã luôn cập nhật kịp thời các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Bộ Y tế đã liên tiếp nâng tiêu chuẩn bắt đầu điều trị ARV cho người lớn nhiễm HIV, để đến năm 2017 người nhiễm HIV được điều trị ARV ngay sau khi được chẩn đoán, không phụ thuộc giai đoạn giảm miễn dịch và lâm sàng. Đây là yếu tố quan trọng để mở rộng độ bao phủ bệnh nhân được điều trị ARV mà ít quốc gia trong cùng điều kiện áp dụng.
Vào năm 2000, ban đầu mới chỉ có từ 3 đến 5 cơ sở điều trị HIV/AIDS, tuy nhiên đến nay Việt Nam đã có 499 cơ sở. Trong đó, có 8 cơ sở điều trị tại tuyến Trung ương; 77 cơ sở tuyến tỉnh, thành phố; tại 37 trại giam, số còn lại thuộc cơ sở tuyến huyện, tại trung tâm 06, cơ sở tôn giáo và các phòng khám tư nhân.
Song song với việc mở rộng cơ sở điều trị với độ bao phủ đến tuyến huyện và xã để thuận lợi cho việc người bệnh tiếp cận và tuân thủ điều trị, nhiều mô hình chăm sóc điều trị được triển khai như: Mô hình Treatment 2.0 đó là đưa dịch vụ điều trị về tuyến xã; Mô hình điều trị trong ngày có nghĩa là người nhiễm được điều trị cùng ngày với ngày chẩn đoán nhiễm HIV; Mô hình cấp pháp thuốc nhiều tháng thay vì hàng tháng bệnh nhân đến khám và nhận thuốc; Các hoạt động lồng ghép dịch vụ tư vấn xét nghiệm và điều trị ARV, lồng ghép các dịch vụ chẩn đoán và điều trị HIV và lao, HIV và viêm gan virus, HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Phác đồ điều trị ARV cũng luôn được cập nhật, với việc loại bỏ các thuốc nhiều tác dụng không mong muốn, thay thế bằng thuốc có tác dụng và hiệu quả hơn. Từ năm 2020, Việt Nam đã thực hiện phác đồ ARV tối ưu theo khuyến cáo của WHO. Hiện nay, có gần 80% bệnh nhân sử dụng phác đồ tối ưu, bao gồm cả điều trị cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Điều đáng nói là phác đồ này cũng đã được bảo hiểm y tế chi trả nên bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế cũng được bảo đảm điều trị với chất lượng tốt nhất.
Các can thiệp dự phòng bằng thuốc kháng HIV cũng đang được ghi nhận rất hiệu quả tại Việt Nam. 
Điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc ARV là một trong các ưu tiên của Chiến lược quốc gia phòng, chống AIDS. Đảm bảo phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV sớm nhất với phác đồ tối ưu. Việt Nam đã áp dụng điều trị ARV ngay cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV mà không phụ thuộc vào tuổi thai. Với việc mở rộng và sử dụng phác đồ ARV tối ưu, số trẻ nhiễm HIV từ mẹ đã và đang giảm mạnh, từ 1.500 trẻ năm 2012 xuống còn hơn 600 trẻ những năm gần đây; Tỉ lệ trẻ có kết quả chẩn đoán nhiễm HIV bằng CPR giảm mạnh từ 7,4% năm 2012 xuống 2,1 năm 2022.

Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV (Gọi tắt là PrEP)
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) là một phương pháp dự phòng rất hiệu quả giúp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV lên đến 90% nếu được sử dụng hàng ngày theo chiến lược phòng ngừa HIV kết hợp. Việt Nam, trong bối cảnh phát hiện người nhiễm HIV mới đang gia tăng ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM) thì việc mở rộng triển khai PrEP sẽ tác động hiệu quả đến việc ngăn ngừa lây nhiễm HIV ở nhóm quần thể đích này. Tại Việt Nam, dịch vụ PrEP bắt đầu được triển khai tại thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 3/2017. Đến cuối năm 2022, đã có 210 cơ sở PrEP triển khai cung cấp dịch vụ PrEP (nhà nước và tư nhân) tại 29 tỉnh, thành phố. Số khách hàng được tiếp cận với dịch vụ PrEP ít nhất 1 lần trong kỳ báo cáo là 40.020 khách hàng (đạt 88,9% so với chỉ tiêu 45.000 khách hàng vào năm 2022); số khách hàng duy trì trị điều trị PrEP trên 3 tháng liên tiếp đạt 69,6%; 80,4% số khách hàng PrEP là MSM.
 
Biểu đồ tăng trưởng khách hàng sử dụng PrEP
Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone biện pháp can thiệp hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm HIV ở người nghiện chích ma túy
Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone được triển khai tại Việt Nam từ năm 2008, hiện Methadone đã được triển khai tại hơn 600 cơ sở điều trị và cấp phát thuốc trên địa bàn 63 tỉnh/thành phố với hơn 51.000 người bệnh tham gia điều trị trong đó gần 3.000 người được cấp thuốc mang về nhà. Đề án thí điểm cấp phát thuốc methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện với mục tiêu của Chương trình là tạo thuận lợi, tăng khả năng tiếp cận và nâng cao chất lượng dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone, góp phần giảm lây nhiễm HIV, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện.
Sau 14 năm triển khai điều trị methadone, chương trình đã khẳng định được tính ưu việt như: Góp phần cải thiện sức khỏe người bệnh; giảm lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu, nâng cao thể lực, phục hồi về thể chất và tâm thần, cải thiện về an ninh, trật tự xã hội, đem lại hiệu quả về kinh tế cho người bệnh, gia đình và cộng đồng; phát triển kinh tế của gia đình, giảm chi phí của xã hội cho các vấn đề về pháp lý và y tế dành cho người nghiện…

Can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV bằng bơm kim tiêm, bao cao su cho người có hành vi nguy cơ dễ lây nhiễm HIV qua tiêm chích ma túy và mại dâm
Đây là những hoạt động được triển khai rất sớm tại Việt Nam từ đầu vụ dịch. Hoạt động cung cấp và hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch cho nhóm người nghiện chích ma túy triển khai tại 54 tỉnh, thành phố, qua nhiều kênh khác nhau như qua mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng (bao gồm các đồng đẳng viên và các nhân viên y tế thôn bản), kênh cấp phát cố định như qua các cơ sở y tế gồm trạm y tế, phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện, cơ sở điều trị ARV… Tổng số có hơn 10 triệu bơm kim tiêm được phát miễn phí cho người nghiện chích ma túy trong năm 2022. Trong giai đoạn dịch tập trung ở nhóm nghiện chích ma túy, nhiều năm đã cung cấp hơn 20 triệu bơm kim tiêm trên phạm vi toàn quốc.
Hoạt động cung cấp miễn phí và hướng dẫn sử dụng bao cao su và chất bôi trơn được triển khai tại 56 tỉnh, thành phố. Bao cao su được cung cấp qua các hình thức đa dạng như mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng và cung cấp cho khách sạn, nhà nghỉ, các điểm dịch vụ vui chơi, lưu trú du lịch...Hàng năm, cung cấp từ 10-20 triệu chiếc bao cao su và chất bôi trơn được phát miễn phí cho các đối tượng có nguy cơ cao. Trước đây hoạt động này chủ yếu can thiệp cho nhóm phụ nữ mại dâm và đã khống chế tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm này dưới 3% trong thời gian hàng chục năm liên tục. Hiện nay tập trung can thiệp cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, cùng với biện pháp điều trị dự phòng bằng thuốc kháng HIV.
Ngoài ra, công tác tuyền thông nâng cao nhận thức về HIV, về đường lây truyền và cách phòng tránh lây nhiễm HIV cũng góp phần quan trọng để người dân và cộng đồng quần thể đích có hành vi an toàn trong quan hệ tình dục, trong tiêm chích và các sinh hoạt hàng ngày khác. 
Từ kết quả của những hoạt động trên, công tác phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam đã ngăn ngừa được gần 1 triệu người không bị nhiễm HIV trong vòng 20 năm qua và giúp cho gần 170.000 người nhiễm sống khỏe mạnh, góp phần quan trọng khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%, là tiền đề để tiến tới kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.