CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin hoạt động của Cục > Yêu mới khó – Phòng ngừa HIV có ngại gì

Thứ Bảy, 23/11/2024 | 18:04:35 GMT+7

Yêu mới khó – Phòng ngừa HIV có ngại gì

29/06/2021 | 3812 lượt xem | KT

“Yêu mới khó – Phòng ngừa HIV có ngại gì” là chủ đề của Chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống HIV/AIDS và loại bỏ sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV sẽ được triển khai trong năm 2021 tại Việt Nam.

 

Đây là Chiến dịch truyền thông sẽ được Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế phối hợp với Chương trình cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về HIV/AIDS (PEPFAR), Trung tâm dự phòng và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ  (US.CDC), Tổ chức hợp tác phát triển y tế Việt Nam (HAIVN) cùng với các tổ chức cộng đồng thực hiện.

Bối cảnh thực hiện Chiến dịch
Theo ước tính, cuối năm 2020 có 250,000 người sống chung với HIV tại Việt Nam. Cũng vào cuối năm 2020, Việt Nam báo cáo có 213.724 người được chẩn đoán nhiễm HIV (Người có H – NCH) còn sống. Tính từ đỉnh dịch vào những năm 2007-2008, số trường hợp phát hiện nhiễm HIV và số tử vong liên quan đến HIV/AIDS giảm dần qua từng năm. Vào năm 2020, có 2.160 người tử vong liên quan đến HIV/AIDS tại Việt Nam.
Vào năm 2020 ở Việt Nam, 85% NCH biết được tình trạng HIV của họ, 78% chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị kháng vi-rút (ARV), và 96% NCH đang điều trị ARV có tải lượng vi-rút dưới ngưỡng ức chế (1000 bản sao/mL). Với việc đạt được tỷ lệ 96% NCH đang điều trị ARV có tải lượng vi-rút dưới ức chế, Việt Nam trở thành một trong 4 quốc gia có tỷ lệ điều trị HIV thành công cao nhất trên thế giới và chúng ta đang hướng tới mục tiêu 95-95-95 và kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.
Hiện nay đã có trên 150,000 NCH đang được điều trị bằng ARV tại Việt Nam . Các dịch vụ điều trị HIV đã được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả.  
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP). Trong điều trị PrEP, các thuốc kháng vi-rút được sử dụng nhằm ngăn ngừa sự lây truyền HIV sang cho những người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV. Vào cuối năm 2020, có hơn 13,600 người đã sử dụng các dịch vụ PrEP tại Việt Nam.
Tuy vậy hiện nay ước tính vẫn có khoảng 40,000 NCH đang sống trong cộng đồng chưa được chẩn đoán hoặc chưa được điều trị . Sự kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS, sự gia tăng số ca mới mắc trên các nhóm dễ tổn thương bao gồm MSM cũng như độ bao phủ của các dịch vụ can thiệp vẫn còn hạn chế… là những rào cản đối với việc tiến tới mục tiêu quốc gia về chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.

Chiến lược kết thúc dịch AIDS vào năm 2030
Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Chiến lược Quốc gia về chấm dứt dịch bệnh AIDS đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 14/8/2020 (Quyết định 1246/QĐ-TTg) bao gồm các mục tiêu cụ thể như sau:
 - Mở rộng và đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại và dự phòng lây nhiễm HIV, tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 80% vào năm 2030.
 - Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình đạt 95% vào năm 2030; giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến dịch HIV/AIDS ở các nhóm có hành vi nguy cơ cao.
- Mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS, tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình được điều trị thuốc kháng vi rút HIV đạt 95%; tỷ lệ người được điều trị thuốc kháng vi rút HIV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế đạt 95%; loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030.
- Củng cố và tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS các tuyến; bảo đảm nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; bảo đảm tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS.

Chiến dịch “Yêu mới khó, phòng ngừa HIV có ngại gì”

Yêu mới khó, phòng ngừa HIV có ngại gì là một chiến dịch truyền thông về sức khỏe cộng đồng nhằm mục đích nâng cao ý thức phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng và giảm sự sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV tại Việt Nam.
Chiến dịch nhằm thúc đẩy và lan tỏa thông điệp “trạng thái trung tính với HIV” mà cụ thể là chuyển tải đến các khán giả thông điệp hiện thuốc kháng vi rút (ARV) giúp cho việc dự phòng lây nhiễm HIV đã trở nên hiệu quả hơn và dễ dàng hơn.  Thuốc ARV sẽ giúp cho người nhiễm HIV sống khỏe mạnh, không làm lây truyền HIV qua đường tình dục khi người có H đạt được tình trạng “không phát hiện HIV” trong máu. Thuốc ARV cũng giúp dự phòng lây nhiễm HIV cho người chưa nhiễm HIV. Do vậy chúng ta không còn lo sợ về tình trạng HIV của một người bất kỳ. Chiến dịch cũng muốn chuyển tải một thông điệp khác là: chúng ta đang sống trong thời đại mà tình trạng HIV dù âm tính hay dương tính của một người cũng không còn là vấn đề khi đề cập đến các mối quan hệ, tình yêu, hay sức khỏe.  
 Chiến dịch do Cục Phòng, chống HIV/AIDS – Bộ Y tế (VAAC) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Y tế Việt Nam (HAIVN), Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC) tại Việt Nam và Chương trình Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS (PEPFAR) và cùng rất nhiều đối tác khác thực hiện.

Mục tiêu của chiến dịch “Yêu mới khó, phòng ngừa HIV có ngại gì”
Chiến dịch Yêu mới khó, phòng ngừa HIV có ngại gì sẽ nâng cao nhận thức và thúc đẩy việc sử dụng thuốc ARV như một cách an toàn và hiệu quả để dự phòng HIV.
- Thúc đẩy điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) cho những người có nguy cơ nhiễm HIV.
- Tiếp cận điều trị HIV sớm cho người có H (nhằm đạt được Không phát hiện = Không lây truyền hay K=K/U=U).
- Xóa bỏ những sợ hãi, kỳ thị và phân biệt đối xử đối với những NCH hoặc đang có nguy cơ nhiễm HIV

Thông điệp chủ đạo của chiến dịch
- Những người chưa nhiễm HIV có thể dùng thuốc ARV để giúp họ không bị nhiễm HIV.  Việc này được gọi là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm hay điều trị PrEP.  
- Những NCH đang dùng thuốc ARV để điều trị HIV (còn được gọi là liệu pháp kháng vi-rút hoặc ARV). Điều trị này giúp giảm tải lượng vi-rút HIV, hay nói cách khác là giảm lượng vi-rút có thể phát hiện được trong cơ thể. Khi lượng vi-rút trong cơ thể của một người đạt mức thấp (dưới 200 bản sao/mL máu), nó được xem là dưới ngưỡng phát hiện.  Nếu một NCH đạt mức dưới ngưỡng phát hiện, người đó sẽ không thể lây truyền vi-rút HIV cho người khác qua quan hệ tình dục (Không phát hiện = Không lây truyền hay K=K).

Chiến dịch Yêu mới khó, phòng ngừa HIV có ngại gì có thể xóa bỏ nỗi sợ hãi, sự kỳ thị và phân biệt đối xử bằng cách:
Yêu mới khó, phòng ngừa HIV có ngại gì thúc đẩy ý tưởng rằng sự hiểu biết về tình trạng HIV của bản thân có thể mang đến cho bạn quyền chủ động để bắt đầu sử dụng PrEP nếu kết quả xét nghiệm của bạn là âm tính hoặc bắt đầu điều trị ARV nếu kết quả xét nghiệm của bạn là dương tính. Dù là cách nào đi nữa, không có lý do gì để lo sợ về việc biết được tình trạng của bạn bởi vì cả hai hướng đều có những công cụ an toàn và hiệu quả để giúp bạn khỏe mạnh và dự phòng lây nhiễm. Vì lý do này, cũng không còn lý do gì để lo sợ về một mối quan hệ với một bạn tình trái dấu (một trong hai người có HIV), hoặc phân biệt đối xử với bạn tình đang có HIV. Một thế giới mà trong đó tình trạng HIV không còn là vấn đề đối với các mối quan hệ, tình yêu, hay sức khỏe thường được gọi là trạng thái trung tính ("status neutral”).
Chiến dịch này cũng kêu gọi sự bình đẳng trong chăm sóc y tế cho mọi người -  bất kể tình trạng HIV của họ như thế nào – bằng sự tiếp cận an toàn và hiệu quả với các thuốc ARV để họ được khỏe mạnh và dự phòng lây nhiễm. Cách tiếp cận này giúp bình thường hóa các xét nghiệm HIV thường quy và tạo điều kiện thuận lợi cho sự chăm sóc không-kỳ-thị dành cho cả những NCH lẫn những người có nguy cơ.

Các hoạt động chính của Chiến dịch
Chiến dịch Yêu mới khó, phòng ngừa HIV có ngại gì sẽ được thực hiện bẳng một loạt các hoạt động truyền thông như:
- Xây dựng và chiếu các film ngắn với các thông điệp về “trạng thái trung tính với HIV” trên các nền tảng mạng xã hội mà các bạn trẻ ưa thích.
- Xây dựng các quảng cáo về “trạng thái trung tính với HIV” trong các MV ca nhạc.
- Các tài liệu truyền thông về “trạng thái trung tính với HIV” được xây dựng và quảng bá ở các nơi công cộng như bên xe buýt, các phòng tập Gym; bể bơi v.v…
- Các sản phẩm, ấn phẩm truyển thông về “trạng thái trung tính với HIV”  như mũ, khẩu trang, vòng tay, túi xách làm quà tặng cho người tham dự.
- Gặp mặt phóng viên báo chí và những người nổi tiếng;
- Hoạt động của các nhóm cộng đồng.

- Đỉnh cao của Chiến dịch là thiết kế và mở cửa cho công chúng tham quan triển lãm “Bảo Tàng Tan Vỡ 2021” với rất nhiều hoạt động hấp dẫn.
- Và hàng loạt các hoạt động khác….

Khi nào Chiến dịch bắt đầu và thực hiện ở đâu?
Chiến dịch ban đầu dự kiến khởi động vào tháng 6 năm 2021, tuy nhiên do đại dịch COVID quay trở lại, nên Chiến dịch đã bị lùi lại và dự kiến sẽ khởi động sớm ngay khi dịch COVID được kiểm soát trong năm 2021.
Hầu hết các hoạt động của Chiến dịch sẽ được triển khai tại thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên nhiều hoạt động sẽ được phổ biến trên không gian mạng nên bất cứ ai quan tâm đều có thể truy cập để theo dõi chiến dịch.