Một phần tư nam giới có quan hệ tình dục đồng giới và lưỡng tính đã sử dụng PrEP vào một thời điểm trước khi được chẩn đoán nhiễm HIV vào năm 2021 – số liệu được đưa ra bởi các bác sĩ lâm sàng ở Seattle, Mỹ. Con số này đã tăng lên đáng kể so với hơn 2% (năm 2014). Thêm vào đó, hơn một nửa số nam giới được chẩn đoán nhiễm HIV chưa đầy sáu tháng sau khi ngừng sử dụng PrEP.
Điều này cũng đã được nêu ra tại một nghiên cứu lớn ở Anh, cụ thể tỷ lệ nam giới mới được chẩn đoán nhiễm HIV đã sử dụng PrEP gần đây đã tăng mạnh. Trong những trường hợp đó, người ta nghi ngờ rằng nhiều người trong số những người đàn ông đó đã nhiễm HIV trước khi bắt đầu PrEP. Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng những nam quan hệ tình dục đồng giới và lưỡng tính da đen và những người sử dụng methamphetamine có nhiều khả năng ngừng sử dụng PrEP hơn, vì vậy nhóm đối tượng này cần được hỗ trợ nhiều hơn từ cộng đồng và những bên liên quan.
Trong nghiên cứu ở Seattle, Tiến sĩ Chase Cannon và các đồng nghiệp của ông đã tìm thấy nhiều vấn đề như chi phí, tác dụng phụ và suy nghĩ nguy cơ thấp được coi là rào cản đối với việc duy trì điều trị PrEP. Để giữ cho những nam giới này duy trì sử dụng PrEP hãy cung cấp thông tin giáo dục về PrEP tốt hơn, các dịch vụ linh hoạt hơn, sử dụng công nghệ để tối giản các cuộc hẹn gặp trực tiếp và PrEP miễn phí hoặc chi phí thấp dường như sẽ mang lại lợi ích to lớn trong nỗ lực ngăn ngừa các ca nhiễm HIV mới.
Dữ liệu được thu thập từ những nam quan hệ tình dục đồng giới và lưỡng tính gần đây đã được chẩn đoán nhiễm HIV ở Seattle từ tháng 10 năm 2013 đến tháng 8 năm 2021. Yêu cầu pháp lý đối với các nhóm y tế là phải báo cáo các ca chẩn đoán mới về HIV cho Bộ Y tế, sau đó họ đã tiến hành các cuộc phỏng vấn có cấu trúc với nam giới mới được chẩn đoán nhiễm HIV để thu thập thông tin về nhân khẩu học, hành vi tình dục, sử dụng chất kích thích và sử dụng PrEP. Tuy nhiên, không có thông tin nào được hỏi về việc liệu PrEP được sử dụng hàng ngày hay ngắt quãng không liên tục.
Có 1098 ca chẩn đoán mới nhiễm HIV ở các nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới và lưỡng tính trong thời gian này, với hầu hết ở độ tuổi từ 26 đến 41. Về dân tộc, 56% là người Da trắng, 29% người La tinh, 13% người da đen và 8% người châu Á. Nhìn chung, có 797 người đã hoàn thành một cuộc phỏng vấn và thông tin về việc sử dụng PrEP được thu thập từ 722 người, trong đó 90 (13%) đã từng sử dụng PrEP. Đã có sự gia tăng đáng kể số lượng nam giới đã từng sử dụng PrEP trước khi được chẩn đoán nhiễm HIV (từ 2% vào năm 2013 lên 27% vào cuối nghiên cứu). Trung bình, PrEP đã được sử dụng trong khoảng bảy tháng trước khi ngừng và mất khoảng năm tháng kể từ khi ngừng PrEP để được chẩn đoán nhiễm HIV.
Lý do ngừng PrEP được ghi nhận đối với một phần ba tổng số nam giới đã ngừng PrEP. Những lý do phổ biến nhất được đưa ra là nguy cơ nhiễm HIV thấp (13%), tác dụng phụ (13%) và các vấn đề về bảo hiểm (13%), cũng như vô gia cư hoặc di chuyển nhiều nơi (10%). Các lý do khác được đưa ra là chi phí, số lượng thuốc và khó tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Đưa ra lý do ngừng PrEP, các nhà nghiên cứu đề xuất một số biện pháp khuyến khích những người có nguy cơ nhiễm HIV tiếp tục sử dụng PrEP. Thông tin chi tiết về các tác dụng phụ nên được cung cấp thường xuyên trước khi khách hàng bắt đầu sử dụng. Cung cấp, đưa ra các chiến lược khuyến khích cho mọi người tiếp tục sử dụng PrEP và giáo dục về việc chuyển từ PrEP hàng ngày sang PrEP tình huống. Các dịch vụ miễn phí hoặc chi phí thấp nên được cung cấp và quảng cáo, để đảm bảo mọi người biết về sự sẵn có của PrEP. Những nỗ lực nhằm vào những người đã ngừng sử dụng PrEP cũng có thể giúp ngăn ngừa nhiều trường hợp nhiễm HIV hơn. Họ cũng gợi ý rằng sử dụng công nghệ như cuộc hẹn qua điện thoại và video có thể cho phép các cuộc hẹn tái khám, trao đổi dễ dàng hơn và giúp tuân thủ điều trị PrEP tốt hơn.
Như Tiến sĩ Cannon và các đồng nghiệp của ông đã từng nhấn mạnh: Mặc dù PrEP vẫn là một công cụ quan trọng để phòng chống lây nhiễm HIV qua đường tình dục nhưng biện pháp can thiệp chỉ có hiệu quả khi được sử dụng nhất quán trong thời gian có nguy cơ.”