Thực hành tình dục an toàn, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, sử dụng PrEP, PEP... là một số biện pháp được khuyến cáo giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV.
Thực hành tình dục an toàn, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, sử dụng PrEP, PEP... là một số biện pháp được khuyến cáo giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV.
Số ca mắc HIV tăng trở lại, tăng cao ở nhóm MSM
Theo báo cáo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), HIV/AIDS vẫn đang là gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam. Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn 2020-2023, số ca mắc mới HIV đang có xu hướng tăng trở lại so với giai đoạn 2017-2019. Trong giai đoạn 2017-2019 ước tính mỗi năm ghi nhận khoảng 9.800 - 10.000 ca mắc mới. Từ năm 2020 - 2023, mỗi năm ghi nhận từ 12.000 - 13.000 người nhiễm HIV, cho thấy tổng số ca mắc mới tăng mạnh so với trước đó.
9 tháng đầu năm 2023, cả nước phát hiện 10.219 ca nhiễm HIV, 1.126 ca tử vong. Hơn 60% người nhiễm HIV được phát hiện mới tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, Đông Nam bộ, TP.HCM. HIV gia tăng trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), với 49% ca nhiễm mới là nhóm MSM. Trong đó, số ca lây nhiễm HIV qua đường tình dục chiếm hơn 80%.
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, với xu hướng lây nhiễm hiện nay, biện pháp ngừa lây nhiễm HIV tại Việt Nam là cung cấp bao cao su; sử dụng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV; tuân thủ điều trị thuốc kháng virút HIV để đạt dưới ngưỡng phát hiện. Vì khi tải lượng virút HIV dưới ngưỡng phát hiện sẽ không còn lây nhiễm HIV cho bạn tình qua đường tình dục.
Người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm HIV như sau:
- Thực hành tình dục an toàn, chung thủy. Sử dụng bao cao su khi có quan hệ tình dục, đặc biệt là nếu bạn không biết về tình trạng sức khỏe của đối tượng hoặc nếu đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV. Nếu bạn có quan hệ tình dục mà không có bao cao su, hãy sử dụng lựa chọn an toàn khác như PrEP và kiểm tra định kỳ.
- Kiểm tra HIV định kỳ. Đối với những người có nguy cơ cao, kiểm tra HIV định kỳ là biện pháp quan trọng để phát hiện sớm và điều trị HIV kịp thời. PrEP là một biện pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV. Đây là một chiến lược mới để dự phòng lây nhiễm HIV đối với những người chưa nhiễm HIV, biện pháp này có khả năng giảm nguy cơ lây nhiễm qua đường tình dục lên tới 97%.
- Không dùng chung bơm kim tiêm. Tránh chia sẻ kim tiêm, ống tiêm hoặc dụng cụ tiêm chích với người khác nếu bạn là người sử dụng chất gây nghiện.
- Sử dụng PEP. PEP là một đợt điều trị ngắn hạn gồm các loại thuốc điều trị HIV được dùng ngay sau khi có khả năng bị phơi nhiễm với HIV để ngăn không cho vi rút HIV xâm nhập vào cơ thể bạn. Việc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cần được chỉ định và sử dụng càng sớm càng tốt, trong vòng 72 giờ (3 ngày) sau khi có khả năng bị phơi nhiễm với HIV, nếu không nó sẽ không hiệu quả.
- Phát hiện sớm và chữa trị kịp thời các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) cũng giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS vì những tổn thương do nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục sẽ là cửa vào lý tưởng cho HIV.
- Đánh giá tình hình cá nhân. Hiểu rõ bản thân và nguy cơ cá nhân, thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo vệ sức khỏe của bạn và người khác.
- Tìm kiếm hỗ trợ tâm lý và xã hội. Nếu bạn sống với HIV hoặc có nguy cơ nhiễm, tìm kiếm hỗ trợ tâm lý và xã hội để giúp bạn quản lý tình trạng, cải thiện chất lượng cuộc sống.