Cục Phòng, chống HIV/AIDS (VAAC) phối hợp với Trung tâm Dự phòng và kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam và tổ chức The Beth Israel Deaconess Medical Center, Inc. (BIDMC) đồng tổ chức “Hội thảo Cập nhật Khoa học về Dự phòng, Chăm sóc và Điều trị HIV” tại thành phố Hải Phòng trong hai ngày 11-12/12/2023.
Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ kiến thức, thông tin cập nhật trong điều trị và dự phòng HIV, đặc biệt là những kiến thức mới nhất từ các nghiên cứu khoa học từ các Hội nghị Khoa học quốc tế về HIV và thảo luận về khả năng triển khai các sáng kiến mới này tại Việt Nam.
Hội thảo do PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS và TS. BS. Eric Dziuban, Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đồng chủ trì. Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu đến từ các Viện/Bệnh viện tuyến trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tại một số tỉnh/thành phố có tình hình dịch HIV nổi cộm, các nhóm dựa vào cộng đồng. Đây là các đơn vị đang cung cấp dịch vụ điều trị và dự phòng cho người nhiễm HIV, người có nguy cơ nhiễm HIV.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS.BS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, hiện nay những rào cản về kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đã giảm, giúp họ tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, được điều trị sớm và chăm sóc tốt. Nhiều người nhiễm HIV sống hoàn toàn khỏe mạnh khi tuân thủ tốt điều trị. Ở nước ta cũng đã triển khai nhiều mô hình dự phòng, điều trị đa dạng, phù hợp với đặc tính của từng nhóm đối tượng như nhóm nghiện chích ma túy, nhóm phụ nữ mại dâm và mới đây là nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới)…Hàng loạt các mô hình có ý nghĩa này không chỉ được triển khai ở cộng đồng mà còn hướng đến các cam kết chung của toàn cầu như mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và tiếp theo là 95-95-95 vào năm 2025. Hiện nguồn lực cho công tác phòng chống HIV/AIDS ngày càng khó khăn, do đó cần xác định được biện pháp nào và nhóm đối tượng ưu tiên can thiệp, điều trị và dự phòng là rất quan trọng.
Tại Hội thảo, TS. BS. Dziuban, Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam nhấn mạnh: Hội thảo này là cơ hội để các bên cùng ngồi lại và cập nhật những kiến thức từ những bằng chứng khoa học trên thế giới, ứng dụng trong bối cảnh Việt Nam để có thể làm tốt hơn nữa trong chăm sóc HIV/AIDS lấy người bệnh làm trung tâm. Hiện tại, Việt Nam đang ở thời điểm người bệnh HIV/AIDS có rất nhiều lựa chọn dịch vụ chăm sóc điều trị. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đối với các nhà lâm sàng khi mà chúng ta có quá nhiều thông tin và cách tiếp cận khác nhau, sẽ lựa chọn như thế nào cho phù hợp với người bệnh mà mình đang chăm sóc; đồng thời cập nhật nhiều nhất và đầy đủ nhất về những thông tin, các bằng chứng khoa học để từ những kinh nghiệm và thông tin đó chúng ta có thể đưa ra quyết định chăm sóc điều trị đúng nhất cho bệnh nhân của mình.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được chuyên gia đến từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS, CDC Hoa Kỳ và tổ chức BIDMC chia sẻ về các kiến thức khoa học mới, cập nhật từ các Hội nghị khoa học quốc tế.
Cải thiện chất lượng cuộc sống ở người nhiễm HIV - khái niệm “90 thứ tư”
Năm 2021, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo lồng ghép cung cấp dịch vụ sàng lọc, quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường tại các cơ sở y tế điều trị HIV/AIDS. Người nhiễm HIV không những chỉ điều trị ARV hiệu quả để đạt tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế mà còn cần được sàng lọc quản lý điều trị hiệu quả các bệnh không lây nhiễm.
Việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc và điều trị toàn diện này nhằm hướng đến mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống ở người nhiễm HIV. Đây cũng chính là khái niệm "90 thứ tư" mà các diễn giả chuyên gia quốc tế muốn chuyển tải trong Hội thảo. Hiện nay, Hướng dẫn Điều trị và Chăm sóc HIV/AIDS được Bộ Y tế ban hành đã hướng dẫn việc cung các dịch vụ sàng lọc, quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm ở người nhiễm HIV.
Thông điệp K=K: Ngưỡng K=K, 3 thời điểm giáo dục K=K cho bệnh nhân
Khuyến khích phổ cập tư vấn K=K cho người bệnh khi tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện, người nhiễm HIV không có nguy cơ truyền HIV sang người khác qua quan hệ tình dục. Khi tải lượng HIV đạt được ngưỡng này, sẽ làm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; hỗ trợ tuân thủ điều trị và giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần ở người nhiễm HIV cũng như người thân của họ.
Các thời điểm cần thực hiện giáo dục K=K cho người bệnh bao gồm khi tiếp cận với dịch vụ xét nghiệm HIV, khi người nhiễm HIV bắt đầu điều trị ARV và tại thời điểm thực hiện xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ.
Vấn đề lão hóa và sức khỏe người nhiễm HIV
Người nhiễm HIV điều trị ARV hiệu quả, sống khỏe với HIV và đối mặt với những vấn đề sức khỏe của người cao tuổi như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, béo phì, loãng xương, bệnh thận mạn, ung thư, bệnh phổi… Hội thảo cung cấp các bằng chứng mới nhất về nguy cơ mắc các bệnh đồng diễn thường gặp ở người có HIV và thảo luận phương thức áp dụng các bằng chứng khoa học vào việc xác định các vấn đề ưu tiên để chăm sóc sức khỏe cho người có H cao tuổi.
Về điều trị ARV, quản lý nhiễm trùng cơ hội và các bệnh đồng nhiễm
Tối ưu hóa điều trị ARV cho người có các tác dụng phụ của thuốc, triển vọng về sử dụng thuốc ARV có tác dụng kéo dài; chăm sóc và quản lý bệnh HIV tiến triển, điều trị các bệnh đồng nhiễm viêm gan virus B, C cho các nhóm nguy cơ cao...
Hội thảo cũng cập nhật về dự phòng HIV/AIDS, các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs) như: Dự phòng sau phơi nhiễm STIs bằng doxycycline; thí điểm dự phòng PrEP bằng thuốc tiêm cabotegravir tác dụng kéo dài tại Việt Nam (CAB-LA)…
Hội thảo cũng là cơ hội để các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật và nhân viên y tế học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi ý kiến, xây dựng các chiến lược để đưa các tiến bộ mới trong chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV tại Việt Nam; tăng cường dự phòng HIV cho cộng đồng.