Nhân Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS.
Nhân Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS.
PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS
Thưa PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long, công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã được Việt Nam triển khai nhiều năm nay và đã đạt được những thành công đáng kể, vậy xin ông cho biết về thực trạng nhiễm HIV từ mẹ sang con ở nước ta hiện nay?
Can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là biện pháp rất hiệu quả. Nếu không có can thiệp nào thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con lên tới 45%. Tuy nhiên, nếu được dự phòng tích cực cho mẹ và con thì tỷ lệ này có thể dưới 2%, có nghĩa là cứ 100 phụ nữ nhiễm HIV sinh con thì có 2 trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ.
Việt Nam đã tích cực triển khai dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Từ năm 2009, Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và Phòng, chống Ma túy, Mại dâm đã chọn tháng 6 hàng năm là Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tỷ lệ nhiễm HIV từ mẹ sang con năm 2010 là 10,8%. Năm năm sau (2015) tỷ lệ này giảm xuống còn 2,8%, và đến cuối năm 2018 tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 1,93%, đạt tiêu chuẩn loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Có được những thành quả này là do Việt Nam đã triển khai rất tốt các hoạt động, từ truyền thông nâng cao nhận thức của người dân và đặc biệt là phụ nữ mang thai và phụ nữ mang thai nhiễm HIV về dự phòng lây truyền HIV nói chung và lây từ mẹ sang con nói riêng, đến việc cải tiến các phương thức xét nghiệm để thuận tiện cho người dân; triển khai theo dõi tình trạng sức khỏe của phụ nữ mang thai nhiễm HIV bằng tải lượng HIV; điều trị ARV cho mẹ và con...
Xin Cục trưởng cho biết, thông điệp K=K có ý nghĩa như thế nào với việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con?
K=K có nghĩa là “Không phát hiện = Không lây nhiễm”. Các nghiên cứu khoa học trên thế giới đã cho thấy rằng một người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) và khi đạt tải lượng vi rút ở ngưỡng không phát hiện được trong máu thì hầu như không còn nguy cơ lây truyền HIV sang người khác qua đường tình dục. Hiện nay, có 2 mức tải lượng vi rút HIV trong máu: dưới 1.000 bản sao/ml máu được coi là “dưới ngưỡng ức chế”, và dưới 200 bản sao/ml máu gọi là “không phát hiện được”. Một người nhiễm HIV được điều trị ARV, khi tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện sẽ vừa bảo vệ sức khoẻ cho người nhiễm HIV, vừa ngăn ngừa lây nhiễm HIV sang bạn tình.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thông điệp “K=K” chỉ áp dụng đối với đường tình dục. Hiện nay chưa có bằng chứng khoa học về việc không phát hiện bằng không lây truyền đối với dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Theo một báo cáo khoa học thì tải lượng HIV của người mẹ vào lúc chuyển dạ dưới 50 bản sao/ml máu thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con vẫn là 0,25%.
Để loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con người phụ nữ và phụ nữ mang thai cần phải làm gì, thưa Cục trưởng?
Như tôi đã đề cập ở trên, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con rất hiệu quả. Để giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con thì việc xét nghiệm HIV sớm và điều trị sớm bằng ARV là yếu tố then chốt có tính chất quyết định. Vì những đứa con khỏe mạnh, không nhiễm HIV, phụ nữ chưa biết tình trạng nhiễm HIV cần đi làm xét nghiệm trước khi mang thai, hoặc trong 3 tháng đầu của thai kỳ để được điều trị ARV càng sớm càng tốt nếu dương tính với HIV. Phụ nữ đã bị nhiễm HIV cần xem xét kỹ thời điểm có thai, đó là khi tải lượng HIV của mình thấp, tốt nhất là dưới ngưỡng phát hiện để giảm thiểu nguy cơ lây truyền HIV sang con; nên sinh đẻ ở bệnh viện từ tuyến huyện trở lên để có đủ thuốc dự phòng cho con sau sinh; tuân thủ điều trị ARV theo hướng dẫn của thầy thuốc đối với mẹ và con; có chế độ dinh dưỡng hợp lý hỗ trợ sức khỏe cho người mẹ và con.
Xin Cục trưởng cho biết, ngành y tế cần phải làm gì để thực hiện mục tiêu năm 2019 “Giảm tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 2% vào năm 2020” đã được đề ra trong Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
Hiện nay, chúng ta đã giảm tỷ lệ này xuống 1,91%. Để đạt tiếp tục giảm sâu thêm và duy trì lâu dài, chúng ta cần tiếp tục triển khai tốt các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, cụ thể một số việc sau: (i) Tiếp tục truyền thông về lợi ích, hiệu quả của dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; (ii) Cung cấp dịch xét nghiệm HIV thân tiện và tăng cường tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai; (iii) Tăng cường điều trị dự phòng bằng ARV hiệu quả, quản lý tốt cặp mẹ con nhiễm HIV từ khi người mẹ được phát hiện cho đến khi tình trạng nhiễm HIV của em bé được khẳng định, không để xảy ra tình trạng mất dấu sau khi phát hiện nhiễm HIV, theo dõi tải lượng HIV thường quy cho phụ nữ mang thai; (iv) Chăm sóc, điều trị dự phòng bằng ARV cho tất cả trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, đồng thời với việc tư vấn chế độ nuôi dưỡng thích hợp với điều kiện kinh tế của gia đình.
Xin trân trọng cảm ơn cuộc trao đổi của Cục trưởng!