CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Chuyên trang > Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) > Tin tức - Sự kiện

Thứ Tư, 15/01/2025 | 20:01:08 GMT+7

Chính thức cung cấp dịch vụ dự phòng HIV qua dịch vụ lưu động từ tháng 7/2021

30/07/2021 | 442 lượt xem

 Tháng 7 năm 2021, Cục Phòng, chống HIV/AIDS có văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) dịch vụ PrEP lưu động.&l

Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) là một trong những can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV hiệu quả hiện nay. Ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1246/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Trong đó chỉ tiêu tỷ lệ nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) được điều trị PrEP đạt 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030. Ngày 11/12/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5154/QĐ-BYT phê duyệt Kế hoạch điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Quyết định 5154) với chỉ tiêu 72.000 người có nguy cơ cao nhiễm HIV được điều trị PrEP vào năm 2025. Để mở rộng độ bao phủ, đa dạng hóa các mô hình cung cấp dịch vụ PrEP đảm bảo khách hàng được tiếp cận dễ dàng, thuận lợi và phấn đấu đạt chỉ tiêu kế hoạch theo Quyết định 5154, Cục Phòng, chống HIV/AIDS xây dựng Hướng dẫn cung cấp dịch vụ lưu động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP)

Hiện nay  Việt Nam đã triển khai biện pháp này tại 28 tỉnh, thành phố với hơn 30.000 người đã sử dụng. Ngoài việc khách hàng đến cơ sở y tế để đăng ký và sử dụng dịch vụ, hiện nay khách hàng có thể tiếp cận với PrEP qua dịch vụ được cung cấp lưu động.

Theo hướng dẫn cung cấp dịch vụ lưu động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế để cung cấp dịch vụ điều trị PrEP lưu động, các cơ sở cung cấp dịch vụ cần đáp ứng được các nguyên tắc gồm: (1) Cơ sở cung cấp điều trị PrEP lưu động là cơ sở y tế đã được cấp phép hoạt động theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; (2) Cơ sở cung cấp điều trị PrEP lưu động cần xây dựng kế hoạch về điều trị PrEP lưu động và được Sở Y tế đồng ý bằng văn bản; (3) Cơ sở cung cấp điều trị PrEP lưu động phải bảo mật thông tin của khách hàng theo đúng quy định của pháp luật; (4) Điều trị PrEP lưu động được cung cấp dựa trên sự tự nguyện tham gia của khách hàng và hoàn toàn miễn phí bao gồm cả thuốc ARV; (5) Việc quản lý hồ sơ khách hàng điều trị PrEP lưu động phải được thực hiện tại cơ sở y tế tổ chức điều trị PrEP lưu động; (6) Cung cấp điều trị PrEP lưu động cần có sự phối hợp xuyên suốt trước, trong và sau đợt lưu động giữa cơ sở y tế cung cấp dịch vụ lưu động, các nhóm hỗ trợ cộng đồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan.

Việc chọn địa điểm để cung cấp điều trị PrEP lưu động cũng sẽ rất quan trọng, các địa điểm phù hợp với đối tượng khách hàng đích thường là tại: (1) Phòng y tế tại trường đại học, cao đẳng, trung cấp dạy nghề; (2) Phòng y tế tại khu công nghiệp, khu chế xuất; (3) Phòng y tế của trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; (4) Các sự kiện truyền thông hoặc nơi tập trung nhiều người có nguy cơ cao có thể phù hợp để cung cấp dịch vụ PrEP tại chỗ; (5) Các cơ sở dịch vụ giải trí, nhà riêng, xe lưu động hoặc các địa điểm khác phù hợp với đối tượng nguy cơ cao nhiễm HIV cần điều trị PrEP.


Cũng theo hướng dẫn này Bộ Y tế quy định, để cung cấp điều trị PrEP lưu động tại các địa điểm ngoài cơ sở y tế thì địa điểm này phải đáp ứng các điều kiện gồm: (1) Có không gian cho khám bệnh, tư vấn, xét nghiệm và cấp phát thuốc trong điều trị PrEP; (2) Bảo đảm các điều kiện về kiểm soát nhiễm khuẩn, an toàn bức xạ, quản lý chất thải y tế, phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật; (3) Bảo đảm các điều kiện về riêng tư và bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật; (4) Bảo đảm đủ điện, nước và các điều kiện phục vụ khám và điều trị PrEP.

Về nhân sự thi người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của đội khám và điều trị PrEP lưu động phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cấp theo quy định của pháp luật và phạm vi chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề phù hợp với điều trị PrEP. Các thành viên khác của đội khám và điều trị PrEP lưu động phải có chứng chỉ hành nghề. Trường hợp thành viên trực tiếp tham gia khám bệnh, chữa bệnh nhưng không thuộc diện phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật phải được đào tạo, tập huấn phù hợp phạm vi chuyên môn được phân công. Trường hợp có thực hiện cấp phát thuốc thì người cấp phát thuốc phải có bằng cấp chuyên môn tối thiểu là dược tá hoặc bác sĩ có chứng chỉ hành nghề.

Về trang thiết bị y tế và thuốc thì nhóm lưu động phải có đủ trang thiết bị và hộp thuốc chống choáng, thuốc cấp cứu và thuốc chữa bệnh phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn về điều trị PrEP. Trang thiết bị phục vụ điều trị PrEP lưu động phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, thuốc ARV để phục vụ điều trị PrEP phải nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam và còn thời hạn sử dụng…

Như vậy, Cơ sở cung cấp điều trị PrEP lưu động nên là các cơ sở cung cấp điều trị PrEP cố định tại các cơ sở y tế và xây dựng kế hoạch để mở rộng các đợt cung cấp dịch vụ sẽ là thuận lợi không chỉ cho khách hàng mà cho cả người cung cấp dịch vụ. Cơ sở y tế thực hiện cung cấp điều trị PrEP lưu động theo hình thức đội khám và điều trị PrEP lưu động.

Tuy nhiên, để tổ chức cung cấp dịch vụ PrEP lưu động có hiệu quả các cơ sở cung cấp dịch vụ rất cần liên kết và phối hợp với nhóm hỗ trợ cộng đồng và nơi nhận dịch vụ lưu động (khu công nghiệp, trường đại học, cơ sở cung cấp dịch vụ giải trí, các điểm nóng về hoạt động mại dâm và tiêm chích ma túy, …) để tổ chức. Nên chọn ít nhất một cộng tác viên là người đầu mối liên lạc và hỗ trợ cho các hoạt động tổ chức dịch vụ lưu động, đồng thời cần xây dựng và thống nhất kế hoạch tổ chức buổi dịch vụ lưu động với cơ sở y tế và nhóm hỗ trợ cộng đồng để tư vấn và giới thiệu khách hàng đăng ký dịch vụ PrEP lưu động.

Đồng thời, nhóm hỗ trợ cộng đồng cũng sẽ phối hợp với nơi nhận dịch vụ PrEP lưu động lập danh sách khách hàng sẽ nhận dịch vụ của mỗi đợt lưu động và có kế hoạch tiếp đón trong trường hợp có khách hàng chưa đăng ký tới, đồng thời thông báo cho khách hàng thời gian cung cấp dịch vụ điều trị PrEP lưu động và nhắc họ cầm theo chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ tùy thân.

Cơ sở y tế cung cấp dịch vụ điều trị PrEP lưu động có trách nhiệm quản lý bệnh án và sổ sách ghi nhận các thông tin của khách hàng tại phòng khám thực hiện dịch vụ lưu động.

Việc báo cáo khách hàng nhận dịch vụ điều trị PrEP lưu động được thực hiện tương tự như khách hàng nhận dịch vụ điều trị PrEP tại cơ sở y tế. Quy trình, tần suất, thời gian báo cáo được thực hiện theo quy định tại Quyết định 5456/QĐ-BYT ngày 20/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu “Hướng dẫn chăm sóc và điều trị HIV/AIDS’ và công văn 133/AIDS-ĐT ngày 12/03/2020 của Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS về việc triển khai dịch vụ điều trị trước phơi nhiễm HIV (PrEP).

Trần Trung Bách