CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Chuyên trang > Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) > Tin tức - Sự kiện

Thứ Ba, 30/04/2024 | 18:36:33 GMT+7

Có cần thiết triển khai triển khai thí điểm kê đơn điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) ngoài cơ sở y tế trong tình hình Covid-19?

05/06/2021 | 805 lượt xem

Việc triển khai thí điểm kê đơn điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) ngoài cơ sở y tế là hết sức cần thiết. Đó là khẳng định của PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS.

Như các bạn biết Trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã chỉ đạo về việc giãn cách xã hội, hạn chế người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường công tác khám bệnh, chữa bệnh tại các tuyến. Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn tới cung cấp dịch vụ điều trị ARV nói chung và điều trị PrEP nói riêng, đặc biệt khi một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội hoặc bị phong tỏa theo Chỉ thị 15 và 16 của Chính phủ. Nhiều cơ sở y tế cung cấp dịch vụ điều trị và dự phòng HIV/AIDS bị cách ly hoặc phong tỏa do Covid 19 diễn ra phức tạp như Bệnh viện Bạch Mai, TTYT Chí Linh và các cơ sở điều trị HIV/AIDS tại Hải Dương, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh…
 
PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS
 
Các đại biểu tại hội thảo triển khai PrEP
Đồng thời theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV (PrEP) là biện pháp dự phòng hiệu quả trên 90% cho người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Các nhóm có nguy cơ cao nhiễm HIV như nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người chuyển giới (TG), người tiêm chích ma tuý (TCMT), bạn tình âm tính của người nhiễm HIV chưa điều trị ARV hoặc người nhiễm HIV đã điều trị ARV có tải lượng HIV trên  200 bản sao/ml  . Tại Việt Nam, điều trị PrEP được triển khai từ năm 2017 ngay sau khuyến cáo của WHO. Đến 31/12/2020, điều trị PrEP được triển khai tại 27 tỉnh, thành phố với 131 cơ sở và 18.378 khách hàng, trong đó 80% khách hàng điều trị PrEP là MSM .
Theo Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 14/08/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, chỉ tiêu đặt ra là 30% nam quan hệ tình dục đồng giới được điều trị PrEP vào năm 2025 và 40% vào năm 2030. Ngày 11/12/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 5154/QĐ-BYT về việc ban hành Kế hoạch điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, chỉ tiêu quốc gia cho tất cả các đối tượng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV là 38.000 người tham gia điều trị PrEP vào năm 2021 và 72.000 người điều trị PrEP vào năm 2025.
Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình xác định tầm nhìn đến năm 2030, “Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ…”. Trong đó Y tế là một trong những lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số hàng đầu. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số như: Y tế, Giáo dục, Tài chính - Ngân hàng, Nông nghiệp... Y tế là lĩnh vực cần ưu tiên hàng đầu với hoạt động chính như: “Phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa để hỗ trợ người dân được khám, chữa bệnh từ xa, giúp giảm tải các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo; 100% các cơ sở y tế có bộ phận khám chữa bệnh từ xa, thúc đẩy chuyển đổi số ngành y tế”.
Tỷ lệ nhiễm mới HIV hiện đang tăng nhanh ở nhóm trẻ tuổi thông qua quan hệ tình dục. Trong đó nhóm MSM hiện đang có tỷ lệ nhiễm HIV trong quần thể tăng nhanh từ 3,95% (2011) lên 5,1% (2015), 11,36% (2018) và 13,85% (2019). Đây là nhóm đối tượng rất khó tiếp cận và nhạy cảm do những định kiến và áp lực từ xã hội. Đồng thời, Việt Nam là nước đang phát triển CNTT và nhóm khách hàng PrEP chủ yếu là MSM (80%) và các nhóm trẻ tuổi, nên việc ứng dụng công nghệ trong cung cấp dịch vụ PrEP cho nhóm đối tượng trên là hoàn toàn khả thi và phù hợp với bối cảnh hiện tại.
Bên cạnh đó, theo khuyến cáo của TCYTTG và hướng dẫn của Bộ Y tế, các yêu cầu về tiêu chuẩn và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) tương đối đơn giản so với điều trị  HIV/AIDS. Phác đồ điều trị PrEP là thuốc ARV có chứa tenofovir, ít tác dụng phụ và có hiệu quả cao trong dự phòng lây nhiễm HIV. Nhiều quốc gia trên Thế giới đã thực hiện tư vấn, khám và kê đơn PrEP từ xa hoặc cung cấp dịch vụ điều trị PrEP lưu động cho khách hàng như Trung Quốc, Mỹ, Brazil… Các mô hình này càng phát huy hiệu quả hơn trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại các quốc gia này.
Để đạt được chỉ tiêu và mục tiêu đã đề ra trong kế hoạch nêu trên, Việt Nam cần mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ PrEP, triển khai đa dạng các mô hình mới về điều trị PrEP đảm bảo sự linh hoạt, thuận tiện, dễ tiếp cận dựa trên nhu cầu của khách hàng, bảo mật thông tin, dự phòng lây nhiễm HIV kịp thời, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho khách hàng và thân thiện, phù hợp với nhóm khách hàng đích. Tuy nhiên, việc xây dựng và triển khai các mô hình trên gặp khó khăn do các văn bản hiện hành chưa cho phép việc cung cấp dịch vụ PrEP từ xa và cung cấp dịch vụ PrEP lưu động do các nhân viên y tế triển khai ở bên ngoài cơ sở y tế đã đăng ký.
Với những lý do trên, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đang dự kiến đề nghị Bộ Y tế cho phép thí điểm việc triển khai mô hình cung cấp dịch vụ PrEP từ xa và mô hình điều trị PrEP lưu động.

Thu Phương