CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Chuyên trang > Điều trị HIV trong tình hình COVID-19

Thứ Bảy, 21/09/2024 | 08:03:52 GMT+7

Cộng đồng người có HIV có nguy cơ mắc COVID-19 dai dẳng

15/02/2022 | 578 lượt xem

Tùng Hiếu

Các nhà khoa học hàng đầu của Nam Phi đang nghiên cứu song song nCoV và HIV, khi ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy sự 'giao thoa' giữa hai virus có thể tạo ra biến chủng mới.
 

Nhóm chuyên gia tại Mạng lưới Giám sát bộ gene ở Nam Phi (NGS-SA) - nơi đầu tiên cảnh báo thế giới về biến chủng Omicron - cho biết đã đến lúc giới y tế cần điều tra "có hệ thống" về những gì sẽ xảy ra khi bệnh nhân HIV không được điều trị COVID-19.
Một nghiên cứu sẽ xuất bản trên tạp chí EbioMedicine ngày 2/3 của nhóm chuyên gia tại Stellenbosch và Đại học KwaZulu-Natal phát hiện những người có hệ miễn dịch suy yếu - chẳng hạn bệnh nhân HIV không được điều trị - có thể nhiễm nCoV nhiều lần, dai dẳng trong nhiều tháng. Đây không phải lần đầu tiên các chuyên gia chỉ ra điều này.
nCoV vẫn tồn tại trong hệ thống miễn dịch của những bệnh nhân này, tích lũy đột biến. Trong đó, một số đột biến có thể tạo lợi thế cho chúng.
Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng đây có thể là cách Omicron và một số biến chủng nCoV khác phát triển. Dù vậy, vẫn có một số quan điểm cho rằng nó có thể phát sinh ở động vật khác trước khi nhiễm ngược trở lại vào con người.
Tongai Maponga, Đại học Stellenbosch, cho biết ông và các cộng sự tại NGS-SA đang thảo luận về những nghiên cứu sâu hơn nhằm hỗ trợ giả thuyết này. "Một vài trường hợp đã được phát hiện và mô tả khi chúng ta theo dõi ngẫu nhiên. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ sớm làm gì đó có hệ thống hơn để xem xét một cách đặc biệt những bệnh nhân HIV bị suy giảm miễn dịch. Chúng ta sẽ chờ xem điều gì đang xảy ra", vị chuyên gia nói với Reuters.
GS Maponga cũng cho hay họ tập trung vào hai yếu tố: Bệnh nhân COVID-19 và cách hệ miễn dịch đối phó với tình trạng viêm nhiễm nCoV, đồng thời chứng minh liệu các biến chủng mới có khả năng xuất hiện theo cách này hay không.
Nếu điều này xảy ra, giới khoa học sẽ phải cải thiện cách chẩn đoán những bệnh nhân đặc biệt này và đảm bảo họ được phát hiện, điều trị kịp thời.
Hiện tại, các thông tin về dự án nghiên cứu này khá ít ỏi. Chưa có dữ liệu chính xác bao nhiêu tình nguyện viên tham gia nghiên cứu.
Nam Phi là nơi có số người mắc HIV lớn nhất thế giới, với 8,2 triệu bệnh nhân. Chỉ có khoảng 71% người lớn và 45% trẻ em đang được điều trị.
Theo Giáo sư Linda Gayle Bekker, Giám đốc Quỹ nghiên cứu HIV Desmond Tutu ở Cape Town, Nam Phi: "Thông thường, hệ miễn dịch của người khỏe mạnh có thể nhanh chóng loại bỏ virus. Với một số người bị suy giảm miễn dịch, virus sẽ tồn tại trong thời gian dài".
Không chỉ tồn tại, virus liên tục tự nhân bản. Trong quá trình này, những đột biến có thể xuất hiện. Số đột biến của virus tăng lên cùng với những chu trình tự nhân bản, giáo sư Bekker cho hay.
Đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện 2 trường hợp đặc biệt đáng lưu ý ở các bệnh viện tại Nam Phi. Một phụ nữ mang virus SARS-CoV-2 trong cơ thể suốt 8 tháng. Trong thời gian này, virus đã trải qua hơn 30 lần biến đổi gene, các nhà khoa học cho biết.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), các chuyên gia y tế thế giới vẫn đang nghiên cứu, tìm hiểu thêm về nguy cơ mắc COVID-19 ở những người nhiễm HIV. Một vài bằng chứng cho thấy những người nhiễm HIV có nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do COVID-19 cao hơn người bình thường. Tuy nhiên, HIV dường như ít gây nguy hiểm hơn các tình trạng sức khỏe khác như: béo phì, tiểu đường, hen suyễn nặng, bệnh hô hấp, bệnh tim, gan, đột quỵ, sa sút trí tuệ hoặc tuổi già.

Do hệ miễn dịch kém, những người nhiễm HIV nếu mắc Covid-19 dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp, nhất là khi căn bệnh hiện tại không được chữa trị tốt. Vì vậy, nếu người bệnh cảm thấy không khỏe, ho khan, sốt và (hoặc) mất hay thay đổi khứu giác, vị giác, cần gọi ngay cho nhân viên y tế để xét nghiệm xem có dương tính với COVID-19 hay không và được hướng dẫn cách chăm sóc, điều trị tại nhà. Người bệnh cần tiếp tục uống thuốc điều trị HIV theo quy định, để giúp hệ thống miễn dịch tăng khả năng chống chọi với virus.

Nếu người bệnh đã được chẩn đoán nhiễm HIV nhưng hiện không dùng thuốc điều trị, cần chia sẻ với các y, bác sĩ, chuyên gia. Bên cạnh đó, vì nguy cơ trở nặng khi mắc Covid-19 với những người nhiễm HIV cao hơn so với người bình thường nên cần lưu ý:

- Dự trữ thuốc điều trị kháng virus hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác mà người bệnh cần dùng, ít nhất 30 ngày, lý tưởng nhất là 3 tháng.

- Đảm bảo rằng các loại vaccine cần thiết vẫn được tiêm đầy đủ như: vaccine cúm và viêm phổi.

- Biết cách liên lạc với cơ sở chăm sóc sức khỏe khi gặp vấn đề.

- Cần ăn uống đầy đủ, khoa học và tập thể dục, vận động thường xuyên.

- Chăm sóc sức khỏe tâm thần và tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần.

Với những người trở nặng khi mắc COVID-19, cần nhập viện ngay lập tức. Người bệnh cũng cần nói chuyện với bác sĩ điều trị về việc bản thân đang nhiễm HIV và loại thuốc đang dùng.

Ngoài ra, vaccine Covid-19 hiện được sử dụng cho cả những người nhiễm HIV và khá an toàn. Tiêm vaccine sẽ hỗ trợ bảo vệ người bệnh trở nặng, giảm tỷ lệ tử vong. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo tất cả mọi người, đặc biệt là những người có bệnh lý nền nên tiêm nhắc lại khi có điều kiện.

Việc ngừa covid cho người bị HIV cũng giống như ở những người không nhiễm HIV. Các bác sĩ điều trị HIV nên tham khảo các cách điều trị Covid-19 để ứng dụng cho bệnh nhân của mình tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Đồng thời, trước khi điều trị Covid-19, các bác sĩ phải đánh giá khả năng tương tác thuốc giữa điều trị Covid-19 với điều trị ARV của bệnh nhân và các loại thuốc khác. Các thông tin tương tác thuốc được miêu tả rõ trên nhãn các sản phẩm, hướng dẫn sử dụng thuốc. Thậm chí, các bác sĩ có thể thực hiện các thử nghiệm lâm sàng để biết chính xác sự tương tác thuốc và hiệu quả của phương pháp điều trị ở bệnh nhân HIV nhiễm Covid-19.

Đảm bảo nguồn thuốc ARV là điều tiên quyết trong việc bảo vệ bệnh nhân HIV. Tuy nhiên, nhiều công ty bảo hiểm đã có những hạn chế không cho bệnh nhân nhận được ARV và các loại thuốc khác trong 90 ngày. Do đó, các bác sĩ phải yêu cầu các công ty cung cấp thuốc loại bỏ các hạn chế này, đảm bảo bệnh nhân HIV có thuốc ARV.

Đồng thời, người nhiễm HIV cần có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nơi ở sạch sẽ, thoáng đãng để cơ thể được khỏe mạnh, hạn chế khả năng nhiễm Covid-19. Để kịp thời chăm sóc và sử dụng liên tục thuốc ARV, bác sĩ sẽ đánh giá nhu cầu hỗ trợ của bệnh nhân và kết nối họ với nguồn lực y tế, cơ sở chăm sóc.

Hình thức cách ly xã hội góp phần tích cực vào khả năng chống lây lan dịch Covid-19, nhưng cũng tạo ra các vấn đề lớn về tâm lý, đặc biệt đối với các bệnh nhân nhiễm HIV. Nhiều báo cáo cũng cho thấy các vấn đề tâm lý khi cách ly xã hội có thể làm tăng nguy cơ bạo hành, lạm dụng trẻ em. Thậm chí cả bệnh nhân HIV và Covid-19 đều có nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý khi chính phủ áp dụng cách ly xã hội. Do đó, bác sĩ nên thăm khám định kỳ, thường xuyên tư vấn, tâm sự qua điện thoại với các bệnh nhân HIV và Covid-19 để họ giải tỏa tâm lý căng thẳng.

TH