Ngày 26 tháng 3 năm 2021, Trung tâm Life và dự án EpiC cùng đại diện cơ quan Quốc Tế Hoa Kỳ USAID và PEPFAR đã có buổi thảo luận, chia sẻ cùng đại diện Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, các Trung tâm y tế huyện/thành phố, trạm y tế xã/phường của tỉnh Đồng Nai và các tổ chức cộng đồng đang triển khai hoạt động can thiệp dự phòng HIV/AIDS tại đây.
Đoàn đại biểu đến tham dự hội thảo
Đến tham dự hội thảo có, BS. Nguyễn Hữu Tài – PGĐ Sở Y tế, Bs. Trần Ngọc Quang – PGĐ CDC Đồng Nai, Bs. Nguyễn Xuân Quang – Phó trưởng khoa phòng, chống HIV/AIDS – CDC Đồng Nai, Ông Mark Trogger, Trưởng Văn Phòng Điều Phối chương trình PEPFAR tại Việt Nam, Bà Lopa Basu, Chuyên viên cao cấp về Lao và HIV của USAID ThS K’Voi – chuyên viên Phòng Y tế của USAID, đại diện của tổ chức CCRD, 17 đơn vị bao gồm bệnh viện, phòng khám ngoại trú huyện/TP, các trạm y tế, phòng khám cộng đồng, dự án EpiC Trung tâm LIFE và 7 tổ chức cộng đồng (CBO) đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Hội thảo nhằm chia sẻ kịp thời các kết quả đạt được trong công tác phòng chống HIV/AIDS cũng như thảo luận các chiến lược ưu tiên, cơ chế phối kết hợp giữa Cơ sở Y tế và các Tổ chức cộng đồng, thúc đẩy cải thiện chất lượng dịch vụ nhằm hướng đến kiểm soát hiệu quả dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Một trong những chiến lược ưu tiên của Việt Nam nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng là đáp ứng y tế công cộng. Trong đó, vai trò của các tổ chức cộng đồng vô cùng quan trọng trong việc đồng hành cùng y tế để thực hiện công tác thông báo và xét nghiệm bạn tình, bạn chích của người nhiễm mới nhằm xác định thông tin chùm lây nhiễm, nhanh chóng xét nghiệm các trường hợp nguy cơ, đưa vào điều trị sớm, khoanh vùng địa bàn để tập trung can thiệp hiệu quả. Bs.Nguyễn Hữu Tài – Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai chia sẻ “CDC Đồng Nai chắc chắn sẽ có giải pháp để rút ngắn thời gian và cách thức phù hợp để chia sẻ kết quả nhiễm mới đến CBO nhằm tăng cường hiệu quả công tác thông báo bạn tình, bạn chích. LIFE và CDC Đồng Nai cần có thỏa thuận hợp tác càng sớm càng tốt để thực hiện quy trình này.”
Bs.Nguyễn Hữu Tài – Phó Giảm đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai chia sẻ với đại biểu
Bên cạnh đó, việc cung cấp dịch vụ lấy khách hàng làm trọng tâm luôn được quan tâm và thảo luận nhằm mang đến sự thuận tiện, hài lòng cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ liên quan đến thăm khám, điều trị HIV/AIDS. Epic đã và đang hỗ trợ thực hiện hoạt động này tại các cơ sở y tế. Trong khi đó, LIFE tập trung vào cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ của các tổ chức cộng đồng thông qua đánh giá sự hài lòng trên ứng dụng D.Health.
Nhằm đảm bảo dự phòng HIV hiệu quả, điều trị dự phòng PrEP là một trong những chiến lược được quan tâm thảo luận. Thông quan mô hình hợp tác giữa Y tế và Cộng đồng (C2P), tại Đồng Nai, các cơ sở y tế luôn sẵn sàng làm việc ngoài giờ để cung cấp PrEP linh hoạt cho khách hàng do CBO chuyển đến. Thêm vào đó, Sở Y tế và CDC Đồng Nai sẵn sàng mở rộng cơ sở, hỗ trợ thực hiện các hoạt động PrEP lưu động nếu CBO đề xuất các khu vực trọng điểm, có nhiều khách hàng tiềm năng.Bên cạnh đó, Sở Y tế và CDC ủng hộ việc đẩy mạnh hơn nữa truyền thông về PrEP đến các khu vực vùng sâu vùng xa của địa phương.
Bà Lopa Basu, chuyên viên cao cấp về Lao và HIV của USAID nhấn mạnh: “Các kết quả tuyệt vời mà tỉnh Đồng Nai đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS là minh chứng rõ ràng cho việc nhà nước kết hợp với cộng đồng để đáp ứng y tế công cộng. Những gì Đồng Nai đã làm để đáp ứng dịch HIV là bài học cho cả thế giới”.
Bà Lopa Basu, Chuyên viên cao cấp về Lao và HIV của USAID khen ngợi kết quả mà tỉnh Đồng Nai đạt được và nêu lên sự quan trọng trong việc “đáp ứng” trong chiến dịch phòng chống HIV/AIDS