CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Chuyên trang > Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP)

Thứ Bảy, 27/04/2024 | 01:02:29 GMT+7

K=K: Chiến lược quan trọng hoàn thành mục tiêu 90-90-90

17/09/2021 | 4043 lượt xem

Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cam kết thực hiện mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 của Liên hợp quốc (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virut (ARV) và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp (dưới 1000 bản sao/ml) để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. 

Những kết quả bước đầu 
Theo ước tính, số người nhiễm HIV trong cộng đồng khoảng 250.000 người, trong đó đến tháng 9/2020 có 213.097 người nhiễm HIV đã biết được tình trạng nhiễm HIV của mình (chiếm 85%), 150.984 người nhiễm HIV biết tình trạng HIV của mình đã được điều trị ARV (chiếm 75%) và tỷ lệ người điều trị ARV có tải lượng virut dưới ngưỡng ức chế (dưới 1000 bản sao/ml) (chiếm 96%). Như vậy, chúng ta cần phải tiếp tục nỗ lực để thực hiện mục tiêu 90% thứ nhất và 90% thứ hai trong thời gian tới, đồng thời phát huy duy trì kết quả rất tốt của mục tiêu 90% thứ ba để hướng tới mục tiêu 95-95-95 nhằm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 theo Chiến lược quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ đề ra vào năm 2030.


Tầm quan trọng của mục tiêu 90-90-90:
Các mục tiêu 90-90-90 là hết sức quan trọng, có tính chiến lược trong phòng, chống HIV/AIDS nói chung, cũng như để kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Trong đó, mục tiêu 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm bệnh của mình là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Bởi lẽ, một người nhiễm HIV mà không biết mình nhiễm thì có thể vô tình làm lây nhiễm bệnh cho người thân và cho nhiều người khác trong cộng đồng.
Hơn nữa, nếu người nhiễm HIV không biết được tình trạng nhiễm bệnh của mình, thì họ cũng không tiếp cận được các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS và người cung cấp dịch vụ cũng không tiếp cận và cung cấp cách dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho họ.
Đặc biệt, 90% số người đã chẩn đoán có HIV được điều trị ARV, đây là một trong những mục tiêu trọng tâm trong chiến lược phòng chống căn bệnh nguy hiểm này. Việc điều trị sớm bằng thuốc ARV sẽ giúp người nhiễm HIV tiếp tục kéo dài cuộc sống khỏe mạnh, giảm các nhiễm trùng cơ hội.
Hơn nữa, các nhà khoa học đã chứng minh “Không phát hiện = không lây truyền”, tức là nếu một người nhiễm HIV được điều trị sớm bằng thuốc ARV, tuân thủ điều trị tốt thì thông thường sau 6 tháng điều trị ARV sẽ có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện (200 bản sao/ml máu) sẽ không lây truyền HIV cho bạn tình qua quan hệ tình dục, làm giảm lây truyền từ mẹ sang con.
Bên cạnh đó, 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp nhất để sống khỏe mạnh và không lây truyền HIV sang người khác. Việc kiểm soát tải lượng vi rút HIV ở mức thấp, dưới ngưỡng phát hiện là chỉ báo quan trọng liên quan đến chất lượng và tuân thủ điều trị bằng thuốc kháng HIV. Như vậy, các mục tiêu này có mối quan hệ mật thiết với nhau. Từ tiếp cận với những người có hành vi nguy cơ cao để tư vấn, dự phòng lây nhiễm HIV và tạo cơ hội cho họ tiếp cận các dịch vụ xét nghiệm HIV. Khi một người được chẩn đoán có HIV cần được kết nối dịch vụ và điều trị bằng ARV và duy trì tốt việc tuân thủ điều trị.
K=K là chìa khóa của điều trị là dự phòng?
K=K được viết tắt từ cụm từ Không phát hiện = Không lây truyền, có nghĩa là: Khi một người nhiễm HIV được điều trị ARV mà đạt đến mức ức chế vi rút dưới ngưỡng phát hiện, nghĩa là tải lượng HIV dưới 200 bản sao/ml máu, sẽ không lây truyền HIV cho người khác qua đường tình dục. Như vậy muốn dự phòng để không làm lây truyền HIV từ người nhiễm HIV sang người khác, người nhiễm HIV cần điều trị sớm, tốt nhất là ngay khi được chẩn đoán nhiễm HIV và tuân thủ điều trị để đạt được K=K. Khi đạt được và duy trì tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện sẽ thực sự không lây truyền HIV qua đường tình dục cho bạn tình chưa nhiễm HIV của họ.
Một người nhiễm HIV điều trị bằng ARV sau bao lâu đạt tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện
Hầu hết mọi người nhiễm HIV điều trị bằng ARV nếu tuân thủ điều trị tốt sẽ đạt được tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện (dưới 200 bản sao/ml máu) sau 3-6 tháng điều trị. Để biết sau khi điều trị bằng ARV có được tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện hay chưa cần phải xét nghiệm tải lượng vi rút định kỳ. Người nhiễm HIV khi điều trị ARV năm đầu tiên xét nghiệm tải lượng vi rút 2 lần (6 tháng 1 lần). Sau đó xét nghiệm tải lượng vi rút 12 tháng 1 lần. Xét nghiệm tải lượng vi rút định kỳ là rất cần thiết, không chỉ giúp để biết một người có đạt được tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện hay không mà còn giúp theo dõi hiệu quả điều trị. Do vậy người nhiễm HIV cần phải biết tải lượng vi rút của mình trong khi điều trị bằng thuốc ARV.
Làm thế nào để đạt được tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện?
Tuân thủ điều trị ARV là điều kiện quyết định để đạt tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện. Tuân thủ điều trị là sử dụng đúng thuốc, đúng liều, đúng giờ, đúng đường và đúng cách. Tuân thủ điều trị tốt sẽ làm tăng hiệu quả của thuốc. Để kiềm chế được vi rút không phát triển phụ thuộc chủ yếu vào nồng độ thuốc đó trong máu người bệnh, do vậy cần uống thuốc theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc. Tuân thủ điều trị không tốt hoặc không tuân thủ điều trị dẫn đến kháng thuốc, thất bại điều trị và tử vong.
Không phát hiện = Không lây truyền chỉ áp dụng cho đường tình dục?
Việc duy trì tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện sẽ không làm lây truyền HIV sang bạn tình qua quan hệ tình dục. K=K không áp dụng đối với đường lây truyền từ mẹ sang con. Tuy nhiên, nếu duy trì tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con trong khi mang thai, khi sinh con hoặc khi cho con bú bằng sữa mẹ. K=K cũng không áp dụng cho đối với lây truyền HIV qua đường máu. Do vậy không sử dụng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích, sử dụng các biện pháp an toàn khi tiếp xúc với máu để tránh bị lây nhiễm HIV.
K=K cũng không áp dụng cho các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác: Ngay cả khi một người đạt được tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện cũng không phòng được các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như lậu, giang mai, sùi mào gà…Do vậy vẫn nên sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục ngay cả khi đã đạt dược tải lượng vi rút HIV dưới ngưỡng pháy hiện để dự phòng các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Nguyễn Vân