CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Chuyên trang > Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) > Tin tức - Sự kiện

Chủ Nhật, 22/12/2024 | 15:00:31 GMT+7

Khánh Hòa Mở rộng các mô hình can thiệp trong nhóm MSM tập trung vào PrEP

25/05/2021 | 1177 lượt xem

Bức tranh dịch tễ học nhiễm HIV trong những năm vừa qua cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV đang có dấu hiệu tăng mạnh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới nam  (MSM ). Để ứng phó với tình hình trên, cục phòng, chống HIV/AIDS đã triển khai các mô hình can thiệp nhằm giảm tình trạng lây nhiễm HIV trong nhóm MSM trong cả nước, trong đó có Khánh Hòa.

Tại việt nam, hiện tại chưa có hướng dẫn can thiệp giảm tác hại toàn diện cho MSM, tuy nhiên tại một số tỉnh thành phố đã triển khai các gói dịch vụ can thiệp cho nhóm MSM bao gồm các hoạt động về truyền thông thay đổi hành vi, cấp phát vật dụng can thiệp như BCS, chất bôi trơn, khám điều trị các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STIs), tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện. Hoạt động dự phòng HIV và STIs cho nhóm MSM  tại việt nam được thực hiện chủ yếu thông qua các chương trình, dự án phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức NGO Quốc tế tài trợ.
Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã xác định nhóm MSM nói chung và nhóm người bán dâm đồng giới nói riêng là những đối tượng cần được ưu tiên trong can thiệp dự phòng HIV/STIs. Trên thế giới, đã có rất nhiều mô hình can thiệp  được triển khai nhằm tăng cường dự phòng lây nhiễm HIV/STIs cho nhóm đối tượng  này, như mô hình giáo dục đồng đẳng  (Peer-education), mô hình phổ biến quan điểm thông qua thủ lĩnh (POL), mô hình NAZ, mô hình 3MV (Many men, many voice) hay mô hình tiếp thị xã hội.
 
Khách mời sự kiện cài đặt ứng dụng D.Health (nam-nữ)
Tại Việt Nam, các mô hình can thiệp giảm tác hại cho nhóm MSM cũng được triển khai qua nhiều chương trình, dự án phòng, chống HIV/AIDS. Các mô hình can thiệp giảm tác hại cho nhóm MSM bao gồm các mô hình tiếp cận truyền thống, tiếp cận theo mạng lưới, trực tuyến, mô hình hỗ trợ liên tục và mô hình chi trả theo hiệu suất.
Theo BS Nguyễn Đinh Hùng, Trưởng Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS và Điều trị nghiện chất – Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa cho biết: vì PrEP là biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV mới, nên người sử dụng còn có một số hiểu lầm về nó.
Hiểu lầm thứ nhất “dùng PrEP có thể gây kháng thuốc điều trị HIV”: PrEP hoàn toàn không kháng thuốc điều trị HIV/AIDS.
Hiểu lầm thứ hai “sử dụng PrEP thì không cần sử dụng BCS trong QHTD”: PrEP chỉ dự phòng lây nhiễm HIV chứ không thể dự phòng lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Vì vậy, nếu người sử dụng muốn tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục thì vẫn phải sử dụng BCS và chất bôi trơn.
Hiểu lầm thứ ba “PrEP gây nhiều tác dụng phụ”: về cơ bản, PrEP rất an toàn và không gây tác dụng phụ với 90% người sử dụng, chỉ có 10% người sử dụng chịu tác dụng phụ nhẹ như: buồn nôn; chóng mặt; buồn nôn; chán ăn; đầy hơi hoặc đi ngoài;…các triệu chứng này sẽ hết sau một vài ngày sử dụng thuốc.
Tuy nhiên, những người bị viêm gan B và đang mắc bệnh thận thì không nên sử dụng PrEP. Để an toàn tuyệt đối, người muốn sử dụng PrEP phải kiểm tra chức năng Gan, Thận trước khi sử dụng PrEP và kiểm tra lại 06 tháng 01 lần. Và phải có chỉ định từ các Bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng PrEP.
Hiểu lầm thứ tư “đã dùng PrEP là phải dùng suốt đời”: để PrEP phát huy tác dụng thì phải dùng hàng ngày nhưng điều đó không có nghĩa là phải dùng suốt đời. Nếu người dùng PrEP không còn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm nữa thì có thể xin tư vấn của Bác sĩ và ngừng sử dụng PrEP. Lưu ý, người dùng cần duy trì uống thuốc tới 28 ngày sau lần phơi nhiễm cuối cùng.
Hiểu lầm thứ năm “người nhiễm HIV rồi, có thể dùng PrEP để điều trị”: những người đã có kết quả HIV dương tính (HIV+) không được dùng PrEP, vì thuốc chỉ phòng ngừa trước khi lây nhiễm HIV nếu đã bị nhiễm HIV rồi thì cần có các loại thuốc khác để điều trị. Vậy nên trước khi dùng PrEP, cần phải xét nghiệm HIV sau đó xét nghiệm lại 03 tháng 01 lần.
Điều trị PrEP tại Khánh Hòa

Sự kiện khởi động PrEP tại Khánh Hòa
PrEP được triển khai tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa từ cuối năm 2019 và mở rộng độ bao phủ ra các huyện/thành phố: Cam Ranh và Ninh Hòa từ năm 2020. Hiện tại toàn tỉnh hiện có 37 người tham gia điều trị PrEP. Qua thời gian ngắn cho thấy, phương pháp điều trị cũng như khả năng thích ứng với PrEP của người sử dụng rất khả quan.
Trong năm 2021, tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục mở rộng độ bao phủ PrEP trên địa bàn tỉnh, để các nhóm yếu thế và người có nhu cầu được tiếp cận phương pháp mới trong điều trị dự phòng lây nhiễm HIV(PrEP), đồng thời góp phần giảm nhẹ cho công tác chăm sóc và điều trị tuyến đầu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và tiến tới chấm dứt đại dịch AIDS của cả nước nói chung vào năm 2030.
Mô hình truyền thống
Mục tiêu của mô hình truyền thống là tiếp cận với quần thể nguy cơ cao để cung cấp thông điệp dự phòng lây nhiễm và giới thiệu chuyển gửi đến dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện và các dịch vụ khác. Hoạt động mô hình được triển khai thông qua nhân viên tiếp cận cộng đồng với các hoạt động như truyền thông thay đổi hành vi, hướng dẫn kỹ năng tình dục an toàn, phát vật dụng hỗ trợ và tài liệu truyền thông chuyên sâu đồng thời kết nối khách hàng đến các dịch vụ tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS , Lao/HIV,  khám và điều trị STIs và các dịch vụ dẵn có khác tại địa phương.
Mô hình tiếp cận theo mạng lưới
Mô hình tiếp cận theo mạng lưới là một phương pháp tiếp cận các nhóm đích có hành vi nguy cơ cao dựa vào mạng lưới sẵn có của họ để kết nối với các dịch vụ dự phòng và  chăm sóc HIV/AIDS nhằm tăng cường việc tiếp cận với đối tượng có nguy cơ cao và thực hiện chuyển gửi đến các dịch vụ chăm sóc và điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV, điều trị ARV cho các đối tượng dương tính với HIV. Các “hạt giống” được tuyển chọn thông qua một số ít nhân viên tiếp cận cộng đồng mà tiêu chí là họ có mối quan hệ thân thiết (mạng lưới) với các khách hàng tiềm năng (trong giới), và họ sẽ tiếp cận, giới thiệu những khách hàng có nguy cơ đến sử dụng các dịch vụ tư vấn xét nghiệm tại các phòng khám OPC và mỗi khách hàng tham gia dịch vụ sẽ được hỗ trợ kinh phí đi lại để khuyến khích khách hàng.
Mô hình hỗ trợ liên tục
Mô hình này được thiết kế nhằm tiếp cận với quần thể đối tượng can thiệp, theo dấu và hỗ trợ thường xuyên khách hàng, cung cấp thông điệp dự phòng lây nhiễm HIV, chuyển gửi đến các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện, kết nối đến các tổ chức CBO để tham vấn xét nghiệm phản ứng nhanh với HIV. Mô hình này cung cấp hỗ trợ liên tục từ dự phòng cho đến chăm sóc và điều trị, tiếp tục theo dấu, hỗ trợ nhằm đảm bảo khách hàng duy trì các hành vi an toàn, tiếp cận với các dịch vụ cần thiết, đặc biệt là các dịch vụ chuyển tiếp trong điều trị dự phòng HIV/AIDS.
Mô hình chi trả dựa trên hiệu suất
Được thực hiện dựa vào mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng để tiếp cận, sàng lọc, đánh giá nhu cầu, phân nhóm (đối tượng đích dựa trên nhu cầu) và chuyển gửi khách hàng tới các dịch vụ liên quan tới HIV. Kết quả triển khai mô hình tại các tỉnh, thành phố trong những năm qua cho thấy sự hiệu quả của mô hình này.
Mô hình tiếp cận trực tuyến
Hiện nay, mô hình này đang thể hiện tính ưu việt vì nhân viên tiếp cận cộng đồng không phải mất nhiều thời gian để trực tiếp xuống thực địa. Chỉ cần có máy tính, điện thoại thông minh nhân viên tiếp cận cộng đồng có thể dùng các mạng xã hội như zalo, facebook, twetter, blue  để kết nối và tiếp cận đến quần thể MSM và bạn tình của họ để cung cấp thông tin về các chương trình can thiệp giảm hại dự phòng trước phơi nhiễm HIV đồng thời kết nối chuyển gửi đến các phòng khám, chăm sóc và điều trị nếu cần.
Việt Nam đã trải qua 30 năm phòng, chống HIV/AIDS với không ít những thăng trầm và đã gặt hái được những thành tựu to lớn, mang đến cho cộng đồng những lợi ích lớn lao. Đồng hành trên con đường này, là các tổ chức phi chính phủ, là các tổ chức xã hội và các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) cùng nỗ lực làm việc và sáng tạo không ngừng nhằm mang lại cho khách hàng những dịch vụ thuận tiện, nhanh chóng và bảo mật.
Một trong những thành tựu to lớn ấy, không thể không kể đến sự ra đời của ứng dụng D.Health - Một ứng dụng nhằm đáp ứng sức khỏe cộng đồng trong thời đại kỹ thuật số được phát triển bởi Trung tâm nâng cao chất lượng cuộc sống (LIFE) cùng mạng lưới CBO trong dự án Tăng cường Kết nối Cộng đồng Phòng chống HIV phía nam do PEPFAR tài trợ thông qua USAID.
Thông qua ứng dụng mà khách hàng đã cài đặt trên điện thoại thông minh (Smart phone) khách hàng có thể tìm thấy tất cả các thông tin dịch vụ về xét nghiệm HIV; điều trị ARV, PrEP, PEP, các bệnh tình dục, lao viêm gan B, C; điều trị Methadone; tư vấn và điều trị nghiện chất; tư vấn sức khỏe tình dục; tư vấn sức khỏe tâm thần; tư vấn giảm kỳ thị, phân biệt đối xử... chỉ trong một ứng dụng. Ngoài ra, khách hàng có thể tự đánh giá nguy cơ mắc bệnh và nhân được gợi ý các dịch vụ, nơi cung cấp dịch vụ mà khách hàng quan tâm.

TB