Để tiếp tục triển khai có hiệu quả, trong năm 2021, tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục mở rộng độ bao phủ PrEP trên địa bàn tỉnh, để các nhóm yếu thế và người có nhu cầu được tiếp cận phương pháp mới trong điều trị dự phòng lây nhiễm HIV (PrEP), đồng thời góp phần giảm nhẹ cho công tác chăm sóc và điều trị tuyến đầu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và tiến tới chấm dứt đại dịch AIDS của cả nước nói chung vào năm 2030.
Cụ thể, Khánh Hòa sẽ tập trung thực hiện theo 5 mô hình:
Mô hình truyền thống
Mục tiêu của mô hình truyền thống là tiếp cận với quần thể nguy cơ cao để cung cấp thông điệp dự phòng lây nhiễm và giới thiệu chuyển gửi đến dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện và các dịch vụ khác. Hoạt động mô hình được triển khai thông qua nhân viên tiếp cận cộng đồng với các hoạt động như truyền thông thay đổi hành vi, hướng dẫn kỹ năng tình dục an toàn, phát vật dụng hỗ trợ và tài liệu truyền thông chuyên sâu đồng thời kết nối khách hàng đến các dịch vụ tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS , Lao/HIV, khám và điều trị STIs và các dịch vụ dẵn có khác tại địa phương.
Mô hình tiếp cận theo mạng lưới
Là một phương pháp tiếp cận các nhóm đích có hành vi nguy cơ cao dựa vào mạng lưới sẵn có của họ để kết nối với các dịch vụ dự phòng và chăm sóc HIV/AIDS nhằm tăng cường việc tiếp cận với đối tượng có nguy cơ cao và thực hiện chuyển gửi đến các dịch vụ chăm sóc và điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV, điều trị ARV cho các đối tượng dương tính với HIV.
Các “hạt giống” được tuyển chọn thông qua một số ít nhân viên tiếp cận cộng đồng mà tiêu chí là họ có mối quan hệ thân thiết (mạng lưới) với các khách hàng tiềm năng (trong giới), và họ sẽ tiếp cận, giới thiệu những khách hàng có nguy cơ đến sử dụng các dịch vụ tư vấn xét nghiệm tại các phòng khám OPC và mỗi khách hàng tham gia dịch vụ sẽ được hỗ trợ kinh phí đi lại để khuyến khích khách hàng.
Mô hình hỗ trợ liên tục
Mô hình này được thiết kế nhằm tiếp cận với quần thể đối tượng can thiệp, theo dấu và hỗ trợ thường xuyên khách hàng, cung cấp thông điệp dự phòng lây nhiễm HIV, chuyển gửi đến các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện, kết nối đến các tổ chức CBO để tham vấn xét nghiệm phản ứng nhanh với HIV.
Mô hình này cung cấp hỗ trợ liên tục từ dự phòng cho đến chăm sóc và điều trị, tiếp tục theo dấu, hỗ trợ nhằm bảo đảm khách hàng duy trì các hành vi an toàn, tiếp cận với các dịch vụ cần thiết, đặc biệt là các dịch vụ chuyển tiếp trong điều trị dự phòng HIV/AIDS.
Mô hình chi trả dựa trên hiệu suất
Được thực hiện dựa vào mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng để tiếp cận, sàng lọc, đánh giá nhu cầu, phân nhóm (đối tượng đích dựa trên nhu cầu) và chuyển gửi khách hàng tới các dịch vụ liên quan tới HIV. Kết quả triển khai mô hình tại các tỉnh, thành phố trong những năm qua cho thấy sự hiệu quả của mô hình này.
Mô hình tiếp cận trực tuyến
Hiện nay, mô hình này đang thể hiện tính ưu việt vì nhân viên tiếp cận cộng đồng không phải mất nhiều thời gian để trực tiếp xuống thực địa. Chỉ cần có máy tính, điện thoại thông minh nhân viên tiếp cận cộng đồng có thể dùng các mạng xã hội như zalo, facebook, twetter, blue để kết nối và tiếp cận đến quần thể MSM và bạn tình của họ để cung cấp thông tin về các chương trình can thiệp giảm hại dự phòng trước phơi nhiễm HIV đồng thời kết nối chuyển gửi đến các phòng khám, chăm sóc và điều trị nếu cần.
Sự kiện truyền thông PrEP