CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Chuyên trang > Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) > Tin tức - Sự kiện

Thứ Năm, 02/01/2025 | 22:18:08 GMT+7

Lễ khởi động và kích cầu “Chương trình điều trị trước phơi nhiễm PrEP” tại Quảng Ninh

26/07/2021 | 1441 lượt xem

An khang

Ngày 11/07 vừa qua, tại Hạ Long, Quảng Ninh đã diễn ra Lễ khởi động “Chương trình điều trị trước phơi nhiễm PrEP” với sự tham gia của đại diện các cơ quan y tế, các nhóm cộng đồng và các bạn trẻ quan tâm tới chương trình.

Đến tham dự sự kiện đặc biệt này, có sự tham gia của: ThS.BS. Lưu Thanh Hải, trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh, Bs. Phạm Tiến Hưng, Bs. Lê Thị Yến, khoa phòng chống HIV/AIDS.
Phòng khám đa khoa tỉnh Quảng Ninh chính thức trở thành một trong những địa chỉ cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) miễn phí (Chương trình PrEP miễn phí từ nguồn hỗ trợ của Epic FHI360, Pepfar).
Theo các chuyên gia y tế, Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) là một phần trong chiến lược giảm lây nhiễm HIV đối với người chưa nhiễm HIV nhằm giúp cho họ phòng lây nhiễm và duy trì tình trạng HIV âm tính của mình bằng cách uống thuốc Truvada phòng ngừa HIV đều đặn hàng ngày. Thuốc được sử dụng ở những người chưa nhiễm HIV (âm tính với HIV) kết hợp cùng với các hoạt động tình dục an toàn như bao cao su, giúp bảo vệ sức khỏe, tránh lây nhiễm HIV từ những nguy cơ không mong muốn. PrEP được khuyến cáo sử dụng để phòng ngừa HIV cho các nhóm Nam có quan hệ tình dục đồng giới, người lao động tình dục, bạn tình của người dương tính với HIV và người tiêm chích ma túy…
Tháng 06/2017, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã phối hợp với CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, USAIDS/PATH Healthy Markets (HM), UNAIDS để khởi động chương trình thí điểm PrEP lần đầu tiên ở Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Các bài học kinh nghiệm từ mô hình thí điểm này đã nhấn mạnh sự cần thiết phải cung cấp dịch vụ đặc thù cho các nhóm đích để họ có thể lựa chọn tiếp cận dịch vụ PrEP tại cơ sở y tế công hoặc tư. Các mô hình đa dạng này đã được bắt đầu đưa vào triển khai trong chương trình mở rộng PrEP cấp quốc gia từ tháng 11 năm 2018 tại 11 tỉnh, thành do PEPFAR tài trợ.
Mặc dù việc sử dụng PrEP đang gia tăng ở Việt Nam, nhưng cần có nhiều người tiếp cận dịch vụ này hơn nữa để có thể đạt được tác động làm giảm tỷ lệ nhiễm HIV mới trong cộng đồng. Cục Phòng, chống HIV/AIDS đang nỗ lực trong việc nhân rộng PrEP tới hơn 26 tỉnh, thành phố khác trên khắp Việt Nam.
Khi được sử dụng đúng cách, PrEP là một trong những phương pháp dự phòng HIV hiệu quả nhất. Năm 2014, WHO đã khuyến cáo cung cấp PrEP cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Sau đó, trên cơ sở bằng chứng rõ ràng hơn về hiệu quả và khả năng chấp nhận PrEP, năm 2015, WHO đã mở rộng khuyến cáo cung cấp PrEP cho tất cả những người có nguy cơ nhiễm HIV cao. Tại Việt Nam, các nhóm đích có nguy cơ nhiễm HIV bao gồm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, những người tiêm chích ma túy và bạn tình, bạn chích âm tính của người nhiễm HIV mà tải lượng vi-rút chưa ở ngưỡng ức chế.

Một số hình ảnh tại sự kiện:
 
ThS.BS. Lưu Thanh Hải, trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh chia sẻ tại buổi lễ

đại diện CBO Chia sẻ PrEP tại buổi lễ


Các đại biểu chụp ảnh ra mắt dịch vụ PrEP

An khang