CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Chuyên trang > Điều trị HIV trong tình hình COVID-19

Chủ Nhật, 22/12/2024 | 11:53:00 GMT+7

Lời cảnh báo cho đại dịch COVID-19 nhìn từ chủng HIV mới

09/04/2022 | 1273 lượt xem

Đàm Hạnh

Theo các nhà khoa học, chủng HIV với độc lực cao hơn có thể là lời cảnh báo cho tương lai của COVID-19, về viễn cảnh biến chủng đáng lo ngại hơn sắp xuất hiện. 

HIV-1 đã được xác định cách đây gần 40 năm. Đầu tháng 2, các nhà nghiên cứu phát hiện biến chủng độc hại hơn của virus này
Khi nCoV lây lan khắp thế giới, nhiều nhà quan sát nhận thấy HIV đã âm thầm phát triển theo cách khác. Đầu tháng 2, nhóm chuyên gia tại Đại học Oxford, Anh, phát hiện chủng HIV mới có độc lực cao đã "ẩn náu" ở Hà Lan trong nhiều thập kỷ.
Chủng virus HIV mới được đặt tên là VB với hơn 500 đột biến nằm rải rác trên bộ gene. Những bệnh nhân bị nhiễm biến chủng VB có nồng độ virus HIV trong máu cao hơn 3,5-5,5 lần người nhiễm chủng khác. Hệ miễn dịch của họ cũng bị suy giảm nhanh chóng.
Đặc biệt, nếu không được điều trị sớm, những người mang dòng HIV VB có khả năng phát triển bệnh AIDS chỉ sau 2-3 năm sau khi được chẩn đoán. Con số này nhanh hơn rất nhiều so với thời gian trung bình 6-7 năm của những chủng HIV khác.
Dù vậy, điều đặc biệt là sau khi được điều trị, hệ miễn dịch của họ có khả năng hồi phục và sống sót tương tự người nhiễm các chủng HIV khác.
Sự xuất hiện của chủng HIV mới được cho là có thể ẩn chứa lời cảnh báo về COVID-19. Đó là virus có thể sẽ không tiến hóa thành chủng gây bệnh nhẹ hơn như nhiều người vẫn dự đoán.
Kịch bản tồi tệ?
Trong cuộc phỏng vấn với Scientific American, nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm William A. Haseltine, Trưởng khoa Nghiên cứu ung thư và HIV/AIDS của Đại học Harvard, Mỹ, cho hay các virus đều có khả năng thích ứng. Cách chúng thích nghi giống chúng ta sử dụng trí tuệ nhân tạo để giải quyết những vấn đề phức tạp. Rất nhiều tổ hợp ngẫu nhiên được nạp vào và trình tự gene nào sống sót được sẽ trở thành đột biến chiếm ưu thế.
Với HIV, quá trình tiến hóa của nó rất dài và khó khăn vì khả năng lây truyền kém. Quá trình này diễn ra chậm hơn do các chu kỳ sao chép khá dài.
Nhưng với Omicron, những chu kỳ đó chỉ có thể mất vài giờ, lâu nhất là vài ngày. nCoV có thể được truyền từ người này sang người khác chỉ đơn giản bằng hít thở phải không khí chứa virus.
Trong khoảng một năm trở lại đây, tần suất nCoV sản sinh ra những biến chủng đáng quan ngại ngày càng nhiều. Ông William nhận định qua những gì quan sát được độc lực của nCoV rất ổn định, ngoại trừ Delta có khả năng khiến F0 nhập viện cao gấp đôi.
 
Chỉ sau hơn một năm, thế giới đã phát hiện 4 biến chủng đáng quan ngại - tốc độ nhanh nhất từ trước tới nay
Vị chuyên gia này nhấn mạnh Delta là lời cảnh báo được đưa ra ngay trước mắt nhân loại, cho thấy nCoV có thể trở nên dễ lây lan và độc hại hơn.
"Chừng nào chúng ta còn mù mờ về yếu tố quyết định độc lực của virus, chúng ta không thể biết biến chủng tiếp theo sẽ nguy hiểm hơn hay yếu đi. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách có thể lạc quan nhưng cần chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất", GS William nói.
Các biến chủng mới sẽ ngày càng lây lan nhanh hơn
Trưởng khoa Nghiên cứu ung thư và HIV/AIDS của Đại học Harvard nhận định virus RNA như HIV và SARS-CoV-2 rất dễ đột biến. Bởi khi nhảy từ người này sang người khác, chúng mắc nhiều lỗi, tạo ra nhiều cơ hội tiến hóa hơn so với virus DNA.
Tế bào của con người có bộ máy phức tạp để sửa chữa sai lầm trong DNA nhưng với RNA lại gặp nhiều khó khăn hơn. nCoV có enzyme hiệu đính có thể sửa chữa những sai lầm trong trình tự gene, bảo vệ khỏi sự biến đổi.
Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn chính xác và GS William cảnh báo lỗi lớn nhất chúng ta hay mắc phải đó là đánh giá thấp các virus RNA cũng như không lường trước mức độ mà nó có thể thay đổi.
Áp lực chọn lọc với virus là để tồn tại, giống bất kỳ sinh vật nào khác. Những gì virus như HIV và nCoV muốn làm là lây nhiễm từ người này sang người khác hay nói cách khác là ra/vào cơ thể các vật chủ.
HIV lây truyền rất kém, chúng ta cũng có thể đoán trước hành vi gây lây nhiễm virus. Song, với nCoV, câu chuyện không đơn giản như vậy. Nó là một trong nhiều chủng virus corona mà 4 chủng trong số đó đã quen thuộc, với các bệnh đặc hữu như cúm mùa, cảm lạnh thông thường.
GS William cho biết: "Chúng ta đang chiến đầu với hàng triệu năm tiến hóa của một sinh vật biết cách đánh lừa hệ miễn dịch. Chúng đã xâm nhập cơ thể con người hết lần này đến lần khác. Điều rõ ràng nhất mà chúng tôi nhận thấy đó là các biến chủng mới sẽ ngày càng lây lan nhanh hơn".
Vị chuyên gia nhận định thực tế đã cho thấy Delta lây lan nhanh hơn Alpha và giờ đây Omicron lại tiếp tục nhanh hơn Delta. Trong Omicron, chủng phụ BA.2 lại lây nhanh hơn BA.1.
Có rất nhiều cách để loại virus này đột biến và tăng khả năng lây truyền. Theo ông William, điều gì trong số đó ảnh hưởng đến độc lực của virus là câu hỏi chúng ta chưa thể trả lời. Ông cảnh báo biến chủng nCoV mới có thể xuất hiện với khả năng lây truyền nhanh như Omicron và mức độ nguy hiểm, gây chết chóc như Delta