PrEP là viết tắt của cụm từ Pre - Exposure Prophylaxis, nghĩa là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm. Đây là một biện pháp làm giảm thiểu nguy cơ nhiễm HIV ở người chưa nhiễm và có các hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV. Theo nghiên cứu, việc sử dụng PrEP đúng chỉ định và tuân thủ điều trị có hiệu quả dự phòng nhiễm HIV lên đến trên 95%.
1. PrEP là liệu pháp điều trị nhiễm HIV
Mặc dù thuốc dùng trong liệu pháp PrEP là thuốc kháng virus HIV, xong điều trị PrEP không đồng nghĩa là điều trị người nhiễm HIV. Đây là biện pháp dự phòng trước phơi nhiễm HIV đối với các đối tượng nguy cơ cao (gái mại dâm, người quan hệ với nhiều bạn tình,…).
Nói cách khác, PrEP chỉ dành cho người không nhiễm HIV sử dụng, và thường được sử dụng trước khi quan hệ tình dục (khác với thuốc điều trị phơi nhiễm với HIV sau quan hệ tình dục). PrEP cũng không phải là vắc xin phòng HIV, thuốc này cần sử dụng hằng ngày và sẽ mất tác dụng khi ngừng thuốc.
2. Ai cũng có thể sử dụng PrEP
Đúng như tên gọi, PrEP được sử dụng cho các đối tượng đáp ứng đủ hai tiêu chuẩn sau: chưa nhiễm HIV và có hành vi nguy cơ nhiễm HIV cao (trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến người quan hệ tình dục với nhiều bạn tình, các đối tượng tiêm chích ma túy, đồng tính nam, gái mại dâm).
PrEP là thuốc, không phải thực phẩm chức năng, do vậy, việc sử dụng cần có chỉ định của bác sĩ và không nên tự ý sử dụng, do thuốc cũng có thể gây nên một số tác dụng phụ không mong muốn như buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi, ảnh hưởng đến chức năng thận… Nếu bạn thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhiễm HIV, hãy đến các cơ sở y tế chuyên khoa Truyền nhiễm để được tư vấn sử dụng PrEP
3. Sử dụng PrEP là đủ để đảm bảo quan hệ tình dục an toàn
Điều này hoàn toàn sai. PrEP chỉ đảm bảo làm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV của bạn nhưng không phải 100%. Chưa kể, bạn vẫn có thể mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như lậu, hạ cam, giang mai, viêm gan B… nếu chỉ sử dụng PrEP mà không có các biện pháp khác như sử dụng bao cao su chẳng hạn. PrEP cũng không phải thuốc tránh thai, do đó, phụ nữ vẫn có thể mang thai ngoài ý muốn khi quan hệ tình dục mà chỉ sử dụng PrEP.
4. Chỉ quan hệ qua đường âm đạo mới cần sử dụng PrEP
Thực tế, nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV cao nhất trong cộng đồng lại là người đồng tính nam (do đặc điểm quan hệ qua đường hậu môn và có nhiều bạn tình). Do đó, quan niệm trên là sai lầm
Thậm chí, nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục đường hậu môn còn cao hơn nhiều lần so với giao hợp qua đường âm đạo và miệng. Do đó, riêng với quan hệ tình dục qua đường này, ngoài việc sử dụng PrEP hằng ngày, còn có liệu pháp sử dụng PrEP theo tình huống (ED-PrEP) để tránh nguy cơ lây nhiễm HIV. Nếu bạn là người thường xuyên quan hệ tình dục qua đường hậu môn, hãy đến gặp các bác sĩ chuyên khoa Truyền nhiễm để được hướng dẫn và tư vấn cách sử dụng PrEP có hiệu quả nhất, đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bản thân
5. PrEP cần sử dụng suốt đời
Khác với điều trị HIV, PrEP không cần sử dụng suốt đời, và bạn hoàn toàn có thể ngừng khi không còn nguy cơ lây nhiễm với HIV. Ngược lại, bạn cũng có thể quay lại sử dụng PrEP khi cảm thấy mình lại bắt đầu có nguy cơ phơi nhiễm với HIV
Trên đây là những quan niệm thường bị hiểu sai khi sử dụng PrEP. Vì vậy, nếu bạn là đối tượng có nguy cơ cao phơi nhiễm với HIV, hãy đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra và tư vấn sử dụng thuốc nếu có chỉ định, giúp bạn tránh được nguy cơ nhiễm HIV và giảm thiểu nguy cơ lây lan HIV trong cộng đồng